Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh:'Tôi mong muốn có nhiều bạn đi du học để sau này đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh'

Là một trong những người đầu tiên về Trường Đại học Hạ Long công tác theo chương trình thu hút của tỉnh, Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh, Trưởng Khoa Thủy sản đã và đang khẳng định tài năng, nhiệt huyết, được đồng nghiệp, học sinh, sinh viên yêu mến, cảm phục. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Là một trong những người đầu tiên về Trường Đại học Hạ Long công tác theo chương trình thu hút của tỉnh, Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh, Trưởng Khoa Thủy sản đã và đang khẳng định tài năng, nhiệt huyết, được đồng nghiệp, học sinh, sinh viên yêu mến, cảm phục. Các công trình nghiên cứu của anh luôn được nhà trường đánh giá cao, bước đầu mang lại những lợi ích thiết thực cho ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Anh cũng vừa được đề cử vào danh sách “Gương mặt trẻ tỉnh Quảng Ninh năm 2019”. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh.

-Thưa Tiến sĩ, những đề tài, nhiệm vụ khoa học của Khoa trong đó có cá nhân anh trong thời gian qua đã có hiệu quả như thế nào trong thực tiễn phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh?

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh.

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh.

+ Trong 2 năm gần đây, Khoa Thủy sản của Trường Đại học Hạ Long đã thực hiện nhiều nghiên cứu ứng dụng, có những đề tài không sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh mà được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí triển khai như Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An (TX Quảng Yên). Kết quả nghiên cứu được triển khai tại nhiều cơ sở nuôi trồng trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh để phát hiện mầm bệnh trong tôm giống và nguồn nước mà các phương pháp PCR và Realtime PCR chưa đủ độ nhạy để phát hiện, đồng thời giúp doanh nghiệp quản lý mật độ vi sinh có hại, tăng số lượng vi sinh có lợi trong ao nuôi, tránh việc diệt khuẩn định kỳ thường xuyên gây tốn kém và ảnh hưởng hệ sinh thái môi trường nuôi không cần thiết.

Khoa được nhận hỗ trợ một phần kinh phí của trường và cơ sở thiết bị thí nghiệm hiện đại để sinh viên và giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên Khoa đạt giải 3 sinh viên nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về nuôi cá song trong hệ thống lọc sinh học. Năm 2019, Khoa tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu mới về tảo xoắn Spirulina- được nhiều tổ chức y tế thế giới, WHO... công nhận là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất trái đất. Tôi đã hướng dẫn sinh viên và học sinh tách chiết C-Phycocyanin trong tảo để ứng dụng làm sản phẩm dưỡng da và ứng dụng bổ sung vào thức ăn tăng màu cho cá koi, cá rồng... Sản phẩm đã dự thi đạt huy chương bạc tại cuộc thi phát minh sáng chế INOVA 44 tổ chức tại Croatia năm 2019.

Hiện nay, sinh viên Khoa Thủy sản thực hiện đề tài tốt nghiệp để hoàn thiện sản phẩm thức ăn bổ sung tảo xoắn Spirulina, vi sinh cho nhiều đối tượng khác như tôm và nhuyễn thể ương giống, hoặc giai đoạn đầu nuôi công nghiệp.

Tiến sĩ Vinh giới thiệu sản phẩm tảo xoắn tươi.

- Năm 2019, Khoa đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế biển khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận”. Tiến sĩ có thể chia sẻ về đề tài này?

+ Về đề tài “Nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế biển khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận” tôi chỉ có thể nói rằng đề tài cũng mới giai đoạn bắt đầu. Và cá nhân tôi chỉ là thành viên đóng góp rất nhỏ tôi chưa thực hiện được điều gì đáng kể. Khi nào hoàn thiện, thư ký đề tài hoặc chủ nhiệm đề tài sẽ có những chia sẻ cụ thể.

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh trong phòng thí nghiệm.

- Được biết, bên cạnh việc đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Hạ Long, Tiến sĩ còn hướng dẫn nhiều học sinh nghiên cứu khoa học. Để đạt được HCB tại INOVA 44 như vừa nói, anh và hai học trò của mình đã phải nỗ lực như thế nào?

+ Trước đó, tôi cũng cũng hướng dẫn học sinh của Trường THPT Chuyên Hạ Long đăng ký phát minh sáng chế vi sinh lactobacillus được phân lập từ ruột tôm từ mẫu tôm có tốc độ phát triển tốt nhất ở ao nuôi năng suất nhất, đạt Huy chương bạc tại triển lãm phát minh sáng chế quốc tế tại Đài Loan vào năm 2018.

Học sinh tham dự cuộc thi quốc tế thì đã chuẩn bị rất nhiều về tiếng Anh, kể cả tiếng Anh chuyên ngành để làm sao có thể trả lời câu hỏi từ hội đồng. Tôi thấy các bạn học sinh ở Trường THPT Chuyên Hạ Long xây dựng được sự tự tin rất nhiều qua chuyến đi khi giao tiếp với các chuyên gia, tiến sĩ, giáo sư trong hội đồng, tương tác với nhiều bạn trong đoàn và đoàn các nước khác nhau.

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh và sinh viên Khoa Thủy sản đạt giải 3 nghiên cứu khoa học cấp quốc gia năm 2019.

- Từ thành công trong hướng dẫn các học sinh thời gian qua, anh đánh giá như thế nào về tiềm năng của học sinh Quảng Ninh tại các sân chơi quốc tế?

+ Học sinh Quảng Ninh có những bạn rất chăm học hỏi, lại giỏi tiếng Anh, có định hướng du học học bổng tại Mỹ. Hiện nhiều học sinh THPT đã đạt mức điểm IELTS 7.0 đến 8.0 hoàn toàn có khả năng tham gia vào các dự án nghiên cứu. Học sinh sẽ dành thời gian 6 tháng trở lên làm thí nghiệm đồng thời học thêm tiếng Anh chuyên ngành và đọc báo khoa học quốc tế liên quan đến dự án. Nói chung, học sinh học được rất nhiều kiến thức và kỹ năng thuyết trình giai đoạn chuẩn bị và lúc tham gia cuộc thi.

Thành tích từ cuộc thi cũng hỗ trợ các bạn giành được học bổng từ trường đại học của Mỹ, ví dụ 2 bạn học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long đạt huy chương bạc tại cuộc thi ở Đài Loan năm 2018 đã đạt học bổng rất lớn và hiện đang học tại một trường đại học bên Mỹ. Các bạn thi năm 2019 cũng theo định hướng du học sinh theo diện nhận học bổng. Như vậy, đây là điều rất tốt cho học sinh THPT của tỉnh. Tôi mong muốn có nhiều bạn đi du học như thế để sau này trở về có thể trực tiếp hay gián tiếp hỗ trợ phát triển chung cho tỉnh Quảng Ninh.

Các em học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long đã giành được thành tích cao tại các sân chơi mang tầm vóc quốc tế tạo ra những cơ hội tốt cho tương lai của các em. Đây cũng là cơ hội giúp tôi tích lũy thêm tri thức, tiếp tục nghiên cứu, đưa vào các bài giảng.

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh (giữa) và 2 học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long đạt Huy chương bạc cuộc thi phát minh sáng chế quốc tế INOVA lần thứ 44 tại Croatia 2019 nhận bằng khen của UBND tỉnh.

- Là người về Trường Đại học Hạ Long theo diện thu hút nhân tài, theo anh, để không “chảy máu chất xám” cần phải làm gì để Quảng Ninh hấp dẫn hơn nữa đối với nguồn nhân lực chất lượng cao?

+ Theo quan điểm cá nhân mình thì hiện nay chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã đủ mạnh. Thêm nữa, môi trường làm việc ở Quảng Ninh nói chung cũng như Trường Đại học Hạ Long nói riêng rất thân thiện và cởi mở, dân chủ, chú trọng những ý tưởng đột phá của cán bộ giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học.

Nếu nói riêng về ngành thủy sản thì bài toán nhân lực của ngành thủy sản Quảng Ninh chỉ có thể tìm được đáp án từ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của chính những giảng viên Khoa Thủy sản, Đại học Hạ Long và sự góp sức không mệt mỏi của những người ngày đêm gắn bó với đầm nuôi.

Cùng với đó, như anh đã biết, cảnh quan đẹp với Vịnh Hạ Long và không khí trong lành cũng là một yếu tố mà sẽ dần thu hút được nhiều tiến sĩ thạc sĩ chất lượng cao về làm việc và cống hiến.

-Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh sinh năm 1984, hiện là giảng viên, Trưởng Khoa Thủy sản Trường Đại học Hạ Long. Anh là người say mê nghiên cứu khoa học với các công trình nghiên cứu được đánh giá cao, bước đầu mang lại những lợi ích thiết thực cho ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Anh được công nhận là tài năng trẻ tỉnh Quảng Ninh năm 2013; nhận học bổng nghiên cứu cho sinh viên xuất sắc từ Viện sinh học phân tử, Úc năm 2007. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế "European Journal of Human Genetics" năm 2008. Luận án Tiến sĩ của anh về "Sự phân chia chức năng của các gen trên cá Zebrafish sau khi toàn bộ hệ gen nhân đôi" được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế "Genome Research" và được trao giải nhì công trình nghiên cứu xuất sắc do Hiệp hội Thủy sản Úc bình chọn.

Đến nay, Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh đã có 3 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế (trích dẫn ISI/SCOPUS) thực hiện ở Trường Đại học Hạ Long, đăng ký thành công phát minh sáng chế 2018 tại Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ; đoạt giải nhì Cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp tỉnh năm 2018. Anh cũng đã hướng dẫn học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long đoạt huy chương Bạc trại triển lãm sáng chế quốc tế do Hiệp hội sáng chế thế giới tổ chức tại Đài Loan năm 2018; đoạt huy chương Bạc tại cuộc thi sáng chế quốc tế INOVA lần thứ 44 tại Croatia do Hiệp hội phát minh sáng chế Croatia và Hiệp hội sáng chế thế giới đồng tổ chức năm 2019.

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/tien-si-dang-toan-vinhtoi-mong-muon-co-nhieu-ban-di-du-hoc-de-sau-nay-dong-gop-cho-su-phat-trien-chung-cua-tinh-2475686/