Tiền phương cảng biển

Tại tọa đàm với chủ đề 'Thúc đẩy dòng chảy hàng hóa thông qua khu vực Cái Mép', do UBND tỉnh tổ chức ngày 20/5, Phó Giáo sư – TS. Hồ Thị Thanh Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam đã chia sẻ một khái niệm khá thú vị, đó là xây dựng 'tiền phương' cho cảng biển.

Nhiều năm qua lượng hàng qua cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) tăng trưởng bình quân với mỗi năm từ 15 đến 20%. Tuy nhiên, trong một hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan, lượng hàng thông qua cảng này bị giảm sút. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm nay, sản lượng hàng hóa container qua CM-TV lần đầu tiên giảm hai con số (khoảng 30%).

Trước bối cảnh này, việc thúc đẩy, khơi thông dòng chảy hàng hóa qua CM-TV được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như các DN cảng đặc biệt quan tâm. Ngoài các đề xuất xây dựng “hậu phương” vững chắc cho cảng như quy hoạch quỹ đất sạch để tạo không gian hình thành hệ sinh thái logistics, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông liên kết vùng, chính sách ưu đãi đối với các hãng tàu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics... thì việc hình thành “tiền phương” cảng cũng hết sức quan trọng.

Đó là các chủ hàng phải đi đến các cảng trên thế giới để kết nối nguồn hàng. Theo Phó Giáo sư – TS. Hồ Thị Thanh Hòa, kinh nghiệm từ mô hình của cảng Antwerp – Bruges (Bỉ) cho thấy, để tìm chân hàng, cảng này đã tăng cường kết nối hàng hải (hiện đang liên kết với hơn 1.200 điểm đến). Đội ngũ marketing của cảng chủ động tiếp cận các cảng, hãng tàu khắp thế giới để tìm nguồn hàng, kết nối, tạo nhu cầu liên kết trung chuyển tại Antwerp – Bruges.

Hệ thống kết nối của Antwerp Bruges cũng hết sức đa dạng, bằng tàu hỏa, thủy nội địa, đường bộ, đường hàng không… Đây cũng được xem là cảng xuất khẩu lớn nhất của châu Âu, với 147 triệu tấn hàng hóa xuất đi từ cảng mỗi năm. “Như vậy, CM-TV có thể học tập cách làm này để thu hút nguồn hàng, tạo ra sự tổng hòa kết nối chân hàng - tiền phương - hậu phương cho cảng”, Phó Giáo sư – TS. Hồ Thị Thanh Hòa đề xuất.

Với thế mạnh then chốt của cảng biển khu vực CM-TV như: thuộc nhóm cảng biển số 4, các nhà đầu tư khai thác cảng và hãng tàu lớn, thời gian quay vòng cảng thấp nhất trong ASEAN đã rút ngắn thời gian trực tiếp từ cảng khu vực Cái Mép đi thẳng qua châu Âu, khả năng kết nối với các khu vực cảng lân cận bằng đường thủy và đường bộ rất thuận tiện.

Đặc biệt, hệ thống cảng tại Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trên trục cửa ngõ kết nối hàng hải quan trọng của Việt Nam ra thế giới với mớn nước sâu có thể tiếp cận tàu container trên 20.000 TEU. Một minh chứng hết sức thuyết phục cho năng lực của cảng biển tại CM-TV là ngày 30/3 vừa qua, cảng Quốc tế Gemalink đã đón siêu tàu container M/V OOCL Spain với sức chở 24.188 TEU của hãng tàu OOCL trên chuyến hành trình đầu tiên kết nối Á-Âu.

Như vậy, có thể khẳng định, tiềm năng, thế mạnh của CM-TV là rất lớn, tuy nhiên để khai thác tối đa lợi thế này, thúc đẩy dòng chảy hàng hóa về khu vục này, CM-TV cần một chiến lược lớn hơn, đó là liên kết hãng tàu và đa dạng nguồn chân hàng không chỉ ở nội tỉnh, quốc gia, khu vực mà còn vươn tầm ra các châu lục khác trên thế giới.

LAM GIANG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/thoi-su-binh-luan/202305/tien-phuong-cang-bien-979524/