Tiên phong trong minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Là huyện thuần nông nên Vĩnh Cửu luôn đặt vấn đề nâng cao nhận thức của nhân dân về lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, minh bạch quy trình sản xuất nhằm khẳng định thương hiệu nông sản sạch của mình, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Giới thiệu các loại giống cây trồng năng suất cao trên địa bàn H.Vĩnh Cửu tại hội thảo về nông nghiệp sạch. Ảnh: N.Liên

Giới thiệu các loại giống cây trồng năng suất cao trên địa bàn H.Vĩnh Cửu tại hội thảo về nông nghiệp sạch. Ảnh: N.Liên

Với mục tiêu đó, đề án Minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu năm 2020 vừa được UBND huyện triển khai nhằm hướng tới vận động, tuyên truyền để nông dân chuyển dần tập quán canh tác từ hướng sản xuất vô cơ sang sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa giảm chi phí đầu vào vừa nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản địa phương.

* Thay đổi tư duy sản xuất

Để định hình cho nền nông nghiệp địa phương, UBND H.Vĩnh Cửu đã có kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với các nội dung như: tái cơ cấu sử dụng đất và phân bổ vùng sản xuất nông nghiệp; Tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tái cơ cấu về quy trình và công nghệ sản xuất; tái cơ cấu trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Hỗ trợ nông dân xây dựng kênh bán hàng

UBND H.Vĩnh Cửu vừa tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân biết quảng cáo và bán hàng qua website và mạng xã hội (tạo tài khoản mạng xã hội Facebook, tạo trang fanpage quảng cáo bán hàng, bán hàng online…Từ đó có thể đăng tải các video clip về các nhà vườn, cơ sở sản xuất để quảng bá hình ảnh, sản phẩm nông nghiệp sạch, cơ sở sản xuất minh bạch. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thiết kế bao bì, nhãn hiệu hàng hóa và chủ động trong công tác xúc tiến thương mại, hướng dẫn quy trình xây dựng và quản lý các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Trong quá trình sản xuất, người nông dân cũng có những thay đổi theo hướng làm nông nghiệp sạch. Theo Phòng NN-PTNT H.Vĩnh Cửu, việc triển khai, áp dụng các ứng dụng công nghệ sinh học (sử dụng các vi sinh vật bản địa làm phân bón) trên địa bàn huyện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: nông dân đã giảm tối đa việc sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp; giảm chi phí sản xuất nông nghiệp với các công nghệ sinh học, chủ động nguồn phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng, xử lý ô nhiêm môi trường… với công nghệ sinh học.

Ngoài ra, với việc áp dụng nâng cao giá trị nông sản với công nghệ bảo quản, chế biến mới cũng góp phần tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Hay như vấn đề xử lý rác thải trở thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt, không độc hại với con người và môi trường, xử lý hiệu quả ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nước thải trên địa bàn.

Ông Hoàng Sơn Công, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, người hướng dẫn nông dân trên địa bàn H.Vĩnh Cửu sản xuất, nhân bản các loại vi sinh để chăm sóc cây trồng cho biết, qua hơn 2 năm gắn bó, ông nhận thấy việc áp dụng các công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp của nông dân Vĩnh Cửu có nhiều đổi thay, nhiều vườn trái cây theo hướng hữu cơ hình thành. Bà con đã tự tay tạo ra các loại phân bón, men vi sinh và áp dụng rất hiệu quả trong trồng trọt cũng như xử lý các vấn đề về môi trường.

* Tạo thương hiệu cho nông sản địa phương

Với phương châm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đến nay H.Vĩnh Cửu đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có tên tuổi trên thị trường như: bưởi Tân Triều, gạo sạch Bình Lục, các loại cây có múi (cam, quýt, bưởi) khu vực Phú Lý, Hiếu Liêm, xoài cấy ghép tiêu chuẩn VietGAP (xã Mã Đà)…

Nhiều nông dân điển hình trong việc áp dụng thành công các công nghệ sinh học, trong đó một số vườn được chọn làm mẫu để nông dân các địa phương khác đến tham quan, học hỏi, như vườn của anh Trần Thanh Tùng (ấp 2, xã Mã Đà) đã ứng dụng công nghệ sản xuất hữu cơ trong chăm sóc, nhân giống cây lan và làm nhà sấy năng lượng mặt trời với chi phí thấp.

Ông Nguyễn Quang Phương, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu cho biết, theo kế hoạch của UBND huyện, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để 50% các hộ nông dân trên địa bàn biết và ứng dụng men sinh học IMO (từ các vi sinh vật bản địa) trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng men sinh học IMO để làm phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật từ các phụ phẩm nông nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện.

Ông Phương cũng cho biết, huyện phấn đấu 10% các hộ nông dân, trang trại tham gia trang thông tin điện tử Nông nghiệp sạch huyện Vĩnh Cửu để minh bạch quá trình sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản địa phương; kết nối với các chuỗi, hệ thống bán lẻ, các siêu thị và doanh nghiệp trong nước, quốc tế có nhu cầu về nông sản sạch, nông sản hữu cơ, đặc sản. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cá nhân tại địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202006/tien-phong-trong-minh-bach-san-pham-nong-nghiep-huu-co-3009753/