Tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ta ngày càng cấp bách. Cùng với hệ thống các trường dạy nghề trong quân đội, Trường Cao đẳng Nghề (CĐN) số 3 (Bộ Quốc phòng) đang ráo riết chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất để đáp ứng được yêu cầu này. Không dừng lại ở việc xây dựng thương hiệu, nhà trường còn tiên phong trong đào tạo nghề chất lượng cao, đón đầu xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chúng tôi tới thăm Trường CĐN số 3 khi ban giám hiệu cũng như đội ngũ giáo viên nhà trường đang tất bật chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho hai lớp đào tạo nghề chất lượng cao. Đại tá Lê Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường tự hào cho biết, thực hiện Quyết định số 1809/QĐ-BLĐTBXH ngày 9-12-2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Trường CĐN số 3 là một trong 25 trường được lựa chọn để đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm cấp quốc tế. Sau nhiều lần kiểm định chất lượng dạy nghề, Trường CĐN số 3 tự hào là một trong số 15 trường và là trường nghề đầu tiên trong quân đội được Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH cũng như phía Australia lựa chọn để đào tạo thí điểm nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao của Australia. Theo đó, nhà trường được đào tạo thí điểm hai nghề, gồm: Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp.

Chia sẻ về chương trình đào tạo chất lượng cao này, Thượng úy Nguyễn Thế Chính, giáo viên chủ nhiệm lớp Cơ điện tử đánh giá: Với khung chương trình đào tạo nghề Cơ điện tử của Australia, người học được trang bị kiến thức về điện tử để lập trình và được học về cơ khí chế tạo; bảo đảm cho học viên nắm vững mảng tự động hóa sử dụng cơ điện tử. Ví dụ, để chế tạo robot, học viên sẽ được trang bị kiến thức về điện tử để lập trình cho robot hoạt động và còn được học về cơ khí để chế tạo ra cánh tay, thân robot... Người học sẽ phối ghép hai mảng điện tử và cơ khí để hoàn chỉnh được máy móc sử dụng điện tử điều khiển cơ khí, cũng như có kiến thức tổng quan về cả hệ thống máy móc. Khi ra trường, người học có thể làm chủ được tất cả các hệ thống điều khiển tự động như: Lập trình được hệ thống CNC máy tiện, phay tự động hoặc mảng robot công nghiệp...

Với quyết tâm và sự cố gắng, đến nay, nhà trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh với 20 sinh viên/lớp cho cả hai nghề đào tạo nói trên. Điều kiện bắt buộc với đối tượng tuyển sinh là phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên, có trình độ tiếng Anh tối thiểu A2 theo khung trình độ ngoại ngữ châu Âu (CEFR) và sau 6 tháng học tiếng Anh phải đạt được trình độ tối thiểu B1 châu Âu. Học viên sau khi tốt nghiệp được cấp 2 bằng: Bằng Cao đẳng do Trường CĐN số 3 cấp và Bằng Diploma do Học viện Chisholm, bang Victoria, Australia cấp. Đặc biệt, học viên sau khi tốt nghiệp, căn cứ vào nhu cầu của phía nước bạn sẽ được tuyển dụng sang Australia để làm việc với mức thu nhập cao.

Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề số 3 hướng dẫn học viên lớp Cơ điện tử làm quen với các thiết bị.

Theo Đại tá Lê Thanh Thủy, tháng 5-2016 các chuyên gia kiểm định Australia đã về làm việc, khảo sát, đánh giá toàn bộ điều kiện đào tạo bảo đảm chất lượng của nhà trường theo hệ thống, tiêu chuẩn của nước bạn. Kết quả kiểm định cho thấy, nhà trường cơ bản đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; năng lực giáo viên; an toàn và sức khỏe nghề nghiệp... Đối với giáo viên giảng dạy các tiêu chuẩn năng lực năm học đầu tiên, nhà trường có hai giáo viên được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn đưa sang Australia đào tạo từ năm 2014 (1 giáo viên nghề Cơ điện tử và 1 giáo viên nghề Điện tử công nghiệp). Trong đợt kiểm định tháng 5-2017, hai giáo viên này được xác nhận đáp ứng tốt các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm ngành nghề theo tiêu chuẩn của Australia. Bên cạnh đó, hiện có 7 giáo viên của nhà trường đang tham gia khóa đào tạo tại Australia, sẵn sàng đáp ứng công tác giảng dạy cho kế hoạch đào tạo của toàn khóa học. Đại tá Lê Thanh Thủy rất kỳ vọng vào chất lượng đào tạo, bởi theo cam kết từ phía Australia, sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ có trình độ tương đương kỹ sư của Việt Nam và đủ điều kiện làm những công việc tương đương trình độ đại học của nước bạn.

Khi chất lượng nguồn nhân lực đang là trở ngại lớn thì đào tạo nghề chất lượng cao chuẩn quốc tế là giải pháp tối ưu đối với nước ta trong quá trình hội nhập.

Bài và ảnh: MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tien-phong-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-515678