Tiền ở đâu thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia?

Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho sự phát triển đất nước. Vấn đề là phải bảo đảm tài chính, tức phải trả lời câu hỏi tiền ở đâu, nếu không, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ khó khả thi!

Nên giữ 6 vùng hay 7 vùng?

Bổ sung phương hướng phát triển đô thị ven biển, hải đảo

Về phương hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, Quy hoạch tổng thể quốc giacần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù của các địa phương và các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Bên cạnh đó, cần làm rõ nội dung tổ chức phân bố dân cư trong cấu trúc đô thị quốc gia được lựa chọn; nghiên cứu đánh giá tác động của xu hướng di dân ngày càng cao đến các vùng đô thị lớn. Làm rõ vai trò, mối quan hệ, phạm vi ranh giới giữa vùng đô thị lớn đối với các vùng kinh tế trọng điểm và vùng động lực được đề xuất tại quy hoạch; giữa hệ thống các đô thị trọng điểm, cực tăng trưởng gắn với không gian của 8 hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế Bắc - Nam; bổ sung nội dung phương hướng phát triển đối với hệ thống đô thị ven biển và hải đảo…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Một trong những nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tổng thể quốc gia) được quan tâm là định hướng phân vùng và liên kết vùng (định hướng phát triển không gian quốc gia).

Theo báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia, nếu giữ 6 vùng như hiện nay bảo đảm tính kế thừa. Đây là phương án phân vùng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng. Bên cạnh đó, các địa phương trong mỗi vùng cơ bản tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, dân cư, có một số mối quan hệ nhất định với nhau…

Tuy vậy, việc chia làm 6 vùng như hiện nay là đặt nặng tính đồng nhất về điều kiện tự nhiên so với tính liên kết kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong mỗi vùng. Khoảng cách một số vùng quá dài như vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Để khắc phục điều này, Báo cáo quy hoạch nêu ra 3 phương án phân vùng với 7 vùng kinh tế - xã hội, nhiều hơn một vùng so với hiện tại (trong đó có phương án tách vùng trung du và miền núi phía Bắc thành 2 vùng là Đông Bắc và Tây Bắc).

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia nên giữ theo 6 vùng như hiện nay để thống nhất với văn kiện của của Đảng và Bộ Chính trị. Tuy nhiên, với những vùng lớn như Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nên tách làm 2 tiểu vùng ở mỗi vùng. PGS.TS.KTS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đồng tình với ý kiến này.

Tuy vậy, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để Chính phủ tổng kết và đánh giá lại các vùng trong cả nước xem bố trí, liên kết đã hợp lý chưa. “Quy hoạch phải làm rõ phân bổ 6 vùng có hợp lý không để có cơ sở đề xuất thay đổi nếu cần. Nếu thấy phân vùng như hiện nay chưa ổn mà vẫn cứ hì hục làm sẽ cực tốn kém”, ông Thiên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thiên, việc chia tách một số vùng thành các tiểu vùng là cơ sở để kiến tạo vùng sau này, bởi nếu các vùng quá dài, quá rộng sẽ khó liên kết với nhau. Không nhất thiết phải đặt các địa phương giống nhau vào một vùng mà đôi khi điểm khác biệt sẽ tạo nên lợi thế cho sự liên kết. Đặc biệt, hiện vùng kinh tế trọng điểm phía Nam suy giảm tốc độ tăng trưởng dù nhân lực đổ vào có chất lượng tốt hơn, công nghiệp tập trung - điều này cần được đánh giá kỹ.

Phải xác định rõ nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia
Nguồn ITN

“Không thể giữ tầm nhìn ven bờ”

Về mặt không gian, hình thể nước ta rất nhiều biên giới và vùng biển, trong khi phần nội địa đất liền ít. Chuyên gia cho rằng, trên cơ sở đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần tính đến việc bố trí kinh tế quốc gia để tận dụng được cơ hội và khắc chế được những tiêu cực, nhất là về cửa khẩu và cảng biển.

Theo báo cáo quy hoạch, cả nước hiện có 44 cửa khẩu biên giới. Tuy nhiên, TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp Bộ Công thương cho rằng, hiện quy hoạch chưa rõ định hướng phát triển thời gian tới.

Đối với không gian biển, Quy hoạch đã đề cập song theo đánh giá vẫn còn khá mờ nhạt. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, khi đặt tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải có "tầm nhìn đại dương" chứ không chỉ là kinh tế biển Đông. Những ngành nghề liên quan đến kinh tế biển hiện nay chủ yếu vẫn còn thô sơ và trên cạn, còn những ngành nghề dưới biển chưa có tầm nhìn tương xứng. “Những nước gần biển đều đang muốn vươn ra đại dương. Việt Nam không thể chỉ giữ tầm nhìn ven bờ đến tận năm 2050 mà cần thay đổi tầm nhìn để thực hiện khát vọng trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển đến năm 2050”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nói.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng xác định phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng lớn… Song, theo TS. Dương Đình Giám, việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên là định hướng lâu dài, trong đó cũng phải có các định hướng ngắn hạn. Tuy vậy, quy hoạch lại không rõ định hướng đến năm 2030. Theo ông Giám, trong 10 năm tới, phát triển công nghiệp phải lấy trục là nông nghiệp. Theo đó, phải gắn với phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hóa chất (cụ thể là tập trung cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật), và công nghiệp chế biến.

Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch lưu ý, cần làm rõ hơn quy hoạch nguồn nhân lực và tài lực. Bởi trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, chúng ta xác định đầu tư lớn để xây sân bay, đường sá... Vấn đề quan trọng là phải bảo đảm tài chính, tức phải trả lời câu hỏi tiền ở đâu? Nếu không làm rõ được vấn đề này, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ khó khả thi!

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/tien-o-dau-thuc-hien-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-i300785/