'Tiền nhờ đổi điểm' hay 'tiền cảm ơn'? Ôi, tiếng Việt của tôi!

Chả lẽ đưa nhau cả tỉ bạc 'tiền vụ lơi' mà lại không có mục đích vụ lợi là gì thì nó sao sao ấy. A, hay gọi nó là 'tiền cảm ơn' nhỉ? Ôi, tiếng Việt của tôi!

Vừa qua tại Sơn La, cơ quan an ninh điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Trần Xuân Yến, cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng 8 bị can trong vụ án gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, một đồng nghiệp của tôi trong bài “Nhận tiền tỉ để nâng điểm nhưng 'không phải nhận hối lộ” đã phản ánh khá đầy đủ về vụ việc này. Song, dẫu rằng sự việc rất buồn nhưng cũng không khỏi… bật cười về những điều bài báo phản ánh mà chỉ riêng cái tít bài báo đã nói lên sự “bật cười” này. Xin được nhắc lại một lần nữa: “Nhận tiền tỉ để nâng điểm nhưng 'không phải nhận hối lộ”.

Theo bài báo thì có tới gần 100 nhân chứng, người liên quan nhưng duy nhất một người bị kết luận đưa hối lộ. Đó là bà Lò Thị Trường nhờ nâng điểm cho con trai là Lù Mạnh Hùng. Bà Trường hứa hẹn, thỏa thuận và đưa trước cho ông Huynh số tiền 300 triệu đồng.

Bài báo còn cho biết: “Theo kết luận điều tra bổ sung, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) khai đã nhận "đặt hàng" từ ông Trần Văn Điện giúp nâng điểm cho 4 thí sinh. Sau khi có kết quả điểm thi, ông Điện đến nhà đưa cho bà Nga 1 túi nilông đựng tiền và nói "gia đình thí sinh cám ơn". Sau khi ông Điện về, bà Nga mở ra đếm các tập tiền được 1,040 tỉ đồng.

Tuy nhiên ông Điện giữ nguyên lời khai trước đây là không hứa hẹn, thỏa thuận, đưa tiền cho bà Nga mà chỉ chuyển thông tin của 4 thí sinh để nhờ "xem điểm".

Hành vi của bà Nga có dấu hiệu của tội "nhận hối lộ", tuy nhiên ông Điện và người thân của các thí sinh không thừa nhận, không có tài liệu nào khác để chứng minh nên cơ quan điều tra xác định chưa đủ căn cứ để quy kết tội "nhận hối lộ" mà chỉ xác định số tiền này là tiền vụ lợi cần phải tịch thu theo quy định của pháp luật”.

Người viết bài này không phải phóng viên theo dõi pháp luât, cũng không phải luật sư nên không biết trong luật có cái gọi là “tiền vụ lợi” hay không và như thế nào thì được coi là “tiền vụ lợi” nên không khỏi “bật cười” vì sự kém cỏi của mình.

Có lẽ trong trường hợp này, nên gọi thẳng ra cho dễ hiểu. Ví dụ như đó là tiền “bốc bạc bỏ tay người” hay “tiền nhờ đổi điểm”, hoặc gọi nó là “tiền mua bán điểm” chẳng hạn thì những cái đầu kém cỏi như tôi sẽ hiểu ra ngay.

Chứ chả lẽ đưa nhau cả tỉ bạc “tiền vụ lơi” mà lại không có mục đích vụ lợi là gì thì nó sao sao ấy. A, hay gọi nó là “tiền cảm ơn” nhỉ? Ôi, tiếng Việt của tôi!

Bỗng chợt thấy thương cái cô họ Lò, có khi là người dân tộc vốn thật thà trót nhận đưa tiền rồi hứa “cảm ơn” nên giờ mỗi một mình mang tội?!

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tien-nho-doi-diem-hay-tien-cam-on-oi-tieng-viet-cua-toi-d111584.html