Tiền ngân sách Nhà nước: Công bằng không có nghĩa là cào bằng

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nói rằng, hiếm ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ là mỗi tỉnh, thành phố có một dự án. Nợ công, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, không dàn trải. Công bằng không có nghĩa là cào bằng.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 29/10, về đầu tư công trung hạn , đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khẳng định: việc đổi mới là cần thiết, đúng đắn, những nỗ lực của Chính phủ về vấn đề này trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, khi đánh giá kế hoạch thực hiện đầu tư công thì từ đầu tư dàn trải trở nên quen thuộc.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai.

“Thực tế hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết về đầu tư công trung hạn, với tổng mức đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án. Ở rất nhiều dự án tại địa phương dở dang, thiếu vốn là rất lớn. Đặc biệt với nguồn trái phiếu chính phủ, 64 tỉnh, thành phố, mỗi tỉnh, thành phố được phân bổ 1 dự án, trong khoảng 260.000 tỷ đồng”, đại biểu Mai nói.

So sánh kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của Việt Nam rất lớn.

“Hiếm ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ là mỗi tỉnh, thành phố có một dự án. Kinh nghiệm các nước cho thấy, nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước hầu như chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, toàn xã hội. Như ở Australia đầu tư vào sân bay, ở Hàn Quốc thì tư nhân làm đường cao tốc.

Mong muốn của các địa phương là chính đáng, cần thiết, nhưng nợ công, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, không dàn trải. Công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số địa phương được đầu tư", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, cần thay đổi nguồn lực, thay đổi trật tự ưu tiên ở các văn bản pháp luật. Đề xuất dự án có sự liên kết của nhiều địa phương, để lan tỏa. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác quy hoạch. Nhà nước chỉ thực hiện đầu tư ở ngành mà tư nhân không thể, không muốn đầu tư. Cần xem lại hiệu quả đầu tư của các dự án hoàn thành.

Đại biểu Mai cho biết, xét kết quả đầu ra, không phải dự án nào cũng hiệu quả.

“Chúng ta không có câu trả lời về sự hiệu quả cao, thấp hay không hiệu quả. Ngay từ khi lựa chọn dự án thì phải đánh giá đầu ra và hiệu quả. Tăng cường công tác giải trình và giám sát. Việc đánh giá những bất cập ngày hôm nay là tạo tiền đề cho những bước hiệu quả trong thời gian tới”, bà Mai nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hiện nay giải ngân đầu tư công vừa qua vẫn chậm dần đều.

“Chúng ta vẫn nói bài học thành công là phải đầu tư không dàn trải, tập trung vào các dự án sắp hoàn thành, song điều đáng buồn là “nghịch cảnh vẫn xảy ra” khi dự án tràn lan khắp nơi. Có 2 vấn đề cần khắc phục sớm. Đó là việc chưa có tiêu chí lựa chọn dự án mà chúng ta mới dừng lại các nguyên tắc về lĩnh vực ưu tiên, còn tiêu chí cụ thể dự án được đưa vào ưu tiên để phân bổ thì chưa. Thứ hai là cần sớm công khai bộ tiêu chí này để những ai quan tâm theo dõi, giám sát”, đại biểu Cường nói.

Ông nhấn mạnh, nếu có bộ tiêu chí thì không còn tình trạng phân bổ tràn lan khiến nguồn lực bị phân tán, dự án cần tiền thì lại không có khả năng giải ngân.

"Chính phủ cần công bố tiêu chí xếp hạng ưu tiên, như vậy mới tránh tình trạng phân bổ vốn đầu tư tràn lan, sẽ không còn tranh luận nên rót vốn vào nhà hát 1.500 tỷ hay bệnh viện như vừa qua", ông Hoàng Văn Cường cho biết.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng cho rằng, hai năm còn lại phương án phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ươngtrong chính sách đầu tư công trung hạn còn chậm, dàn trải, kém hiệu quả, tạo cơ chế xin-cho.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tien-ngan-sach-nha-nuoc-cong-bang-khong-co-nghia-la-cao-bang-1136844.html