Tiền muôn bạc vạn cũng không bằng sự an nhiên trong tâm hồn

Con người mỗi ngày đều không khỏi lo lắng những chuyện cơm áo gạo tiền, tâm can không mấy khi an tĩnh, trong tư tưởng hầu như chỉ một chữ 'tiền'.

Con người sống ở đời, mỗi ngày đều không khỏi lo lắng những chuyện cơm áo gạo tiền, tâm can không mấy khi được an tĩnh, trong tư tưởng hầu như chỉ một chữ “tiền”. Tiền bạc vốn là vật ngoài thân, thế nhưng từ xưa đến nay những người đặt tiền lên trên tất cả nhiều không sao đếm xuể. Rốt cuộc tiền bạc đến từ đâu, bản chất của nó là gì?

Hãy dang rộng vòng tay yêu thương với đồng loại và muôn loài, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc đích thực.

Hãy dang rộng vòng tay yêu thương với đồng loại và muôn loài, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc đích thực.

Người chết vì tiền, chim chết vì mồi

Những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội facebook lại được dịp xôn xao trước phát ngôn gây sốc từ trang cá nhân có tên “Thảo Thắng”. Nguyên văn có những câu như này: “Cứ ăn và phá. Trường kỳ bao năm nay. Mỗi 1 năm báo bố 20 ty (tỷ?)… 5 năm liên tiếp báo 5 lần con số như thế…”.

Kèm theo đoạn văn trên là những hình ảnh chụp cuộc sống xa hoa của cô gái cùng người bố - được cho là chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty có tiếng. Ở một diễn biến khác, bố cô gái - ông Nguyễn Mạnh Th - đã bác bỏ những thông tin đang gây xôn xao dư luận.

“Tôi cướp đâu ra 20 tỉ mỗi năm mà chi cho con gái như vậy. Thân tôi còn chưa lo xong nữa là lo cho người khác”. Về những thông tin và hình ảnh tài sản đắt tiền được con gái chia sẻ trên mạng xã hội, vị lãnh đạo giãi bày: “Nó trẻ con, hồ đồ, đồng bóng. Nó thích tôn vinh nó lên để nó khoe khoang chứ có gì đâu”…

Ở đây không bàn đến sự đúng sai trong câu chuyện trên mà chỉ nói đến chữ “tiền” và sự tiêu tiền. Quả thực nếu có việc “đốt” 20 tỷ mỗi năm thì phần lớn những người dân bình thường không dám nghĩ đến. Những năm qua, dư luận đã không ít lần choáng váng trước mức độ ăn chơi của những “cậu ấm cô chiêu” người Việt. Thậm chí đã hình thành nên hẳn một nhóm Rich Kids – “Hội con nhà giàu Việt Nam”.

Nhìn cuộc sống xa hoa bên những du thuyền, siêu xe, nhà hàng sang trọng, quần áo hàng hiệu… của những người này, khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi: tiền ở đâu mà nhiều thế? Và biết bao nhiêu người trong chúng ta cũng thèm khát có một cuộc sống như vậy. Tiền tiêu không phải nghĩ - phải chăng là mơ ước đương nhiên của mỗi chúng ta?

Nhưng rút cuộc thì tiền nhiều để làm gì? Câu hỏi thực lòng nhưng cũng chát đắng của “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ trong phiên tòa xử ly hôn với bà xã Lê Hoàng Diệp Thảo có đủ để mỗi chúng ta “ngộ” ra điều gì đó! Trong phiên tòa xét xử ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo vào ngày 20/2, cả hai đã tranh luận gay gắt về vấn đề chia tài sản.

Khi bà Thảo đề nghị ông Vũ cấp dưỡng cho mỗi người con 5% cổ phần của ông, ông Vũ đã không đồng ý và lớn tiếng: “Tiền nhiều để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”. Ông Vũ, bà Thảo có bao nhiêu tiền? Tạm đưa ra con số đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Theo đó, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng chi phối hầu hết doanh nghiệp còn lại. Khối tài sản chung gồm tiền mặt, ngoại tệ, vàng là 2.000 tỉ đồng. 2 người còn có hệ thống nhà máy và dự án bất động sản có giá trị đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng.

Trong đó, 4 nhà máy được đặt tại TP.HCM, Bình Dương, Buôn Ma Thuột và Bắc Giang. 13 bất động sản chung có tổng giá trị 725 tỉ đồng. Các dự án bất động sản là Thành phố cà phê Buôn Ma Thuột, Dự án khu du lịch cụm thác Dray Sap thượng, Nhà khách Trung Nguyên, Khu du lịch sinh thái M’Drăk. Trong đó, hiện ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỉ đồng và bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỉ đồng.

Tất cả cổ phần, dự án bất động sản, nhà máy của doanh nghiệp dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu có trị giá 5.654 tỉ đồng. Tổng số tài sản chung theo số liệu mà phía ông Vũ cung cấp bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản có tổng trị giá gần 8.400 tỉ đồng. 8.400 tỉ đồng – là nhiều hay ít? Và nó có đủ mang đến hạnh phúc hay không? Mỗi chúng ta hay thử tự dừng lại 1 phút để suy ngẫm, trả lời.

Để tiền dưới chân hay trên đầu?

Sau đây là ý kiến của Tiến sĩ Kinh tế Vũ Hoàng Linh - ĐHQG Hà Nội: “Tiền nhiều để làm gì?” (…) ngoài việc gợi nên tâm lý thỏa mãn của đám đông về “người giàu cũng khóc” (tên 1 bộ phim truyền hình của Mexico hay Brazil từng đình đám ở Việt Nam 20 năm trước).

Thật ra bình thường chẳng có mấy ai thực sự nghĩ tới câu hỏi này. Đơn giản, có rất ít người thực sự có nhiều tiền và trong số những người được coi là có nhiều tiền, lại càng hiếm người thực sự nghĩ là họ nhiều tiền vì khi đó cái khung tham chiếu của họ thường là những người giàu hơn họ nhiều lần. Thế nên với đám đông thì câu “Tiền nhiều để làm gì?” là câu hỏi tu từ hoặc câu hỏi tình huống nhiều hơn là câu hỏi thực sự mà ai cũng có lúc phải nghĩ đến.

Câu trả lời thì chắc mỗi người có thể có cho riêng mình. Nhưng tựu trung, tôi nghĩ tiền nhiều hay ít thì đó chỉ là phương tiện để có được tự do và hạnh phúc, dù đó là ai. Tiền nhiều thì sẽ có nhiều điều kiện hơn để đạt được cái đó với đa số nhân loại. Không tiền thì rất khó, nhưng cũng không phải không thể (ví dụ các nhà sư Phật giáo hay Jaina giáo đi theo hướng loại bỏ nhu cầu, giảm nhu cầu vật chất tới mức tối thiểu và qua đó, đạt được tự do và hạnh phúc).

Nhưng với đa số mọi người thì nghèo khổ đồng nghĩa với bất hạnh và phụ thuộc, dễ mất phẩm giá. Nhưng tiền nhiều cũng không phải là con đường dẫn tới tự do và hạnh phúc khi bạn phụ thuộc vào nó và thậm chí thành nô lệ cho nó.

Các nhà tâm lý học Mỹ nghiên cứu mối quan hệ giữa giàu có và hạnh phúc hay sự thỏa mãn và thấy rằng mối quan hệ này tỷ lệ thuận tới một mức nào đócó thể gọi là mức thu nhập tới hạn. Và ở trên mức thu nhập này (ở Mỹ là 70 ngàn đô/năm) thì tiền bạc với hạnh phúc không có mối quan hệ rõ ràng theo chiều hướng như thế nào. Người sống tự do cũng không nhất thiết phụ thuộc vào tiền.

Nói như Mạnh Tử, người quân tử là người mà cảnh nghèo khó không làm cho họ trở nên hèn kém, cuộc sống giàu sang không khiến họ trở nên trụy lạc. Hay nói như Marcus Aurelius, triết gia phái Khắc kỷ đồng thời là hoàng đế La Mã vào thế kỷ thứ 2, thống trị cả một đế quốc mênh mông trải ra trên ba châu lục thì ở nơi thôn dã hay trong chốn cung đình thì một triết nhân vẫn có thể thực hành lối sống đúng đắn của mình (cho dù ông thừa nhận là làm điều đó ở trong cung điện với vô số cám dỗ, mưu xảo và giả trá khó hơn nhiều so với thực hiện cách sống đó ở nơi đồng nội)…”.

Có câu nói đại ý như thế này: đặt tiền bạc dưới chân, nó sẽ đưa bạn đến bất cứ đâu. Còn ngược lại, đặt tiền ở trên đầu thì sức nặng của nó sẽ đè bạn xuống. Câu nói ấy đúng hay sai? So với bài “đồng dao” quen thuộc mà chúng ta vẫn đọc: “Tiền là tiên là phật/là sức bật của lò xo/là thước đo của lòng người/là tiếng cười của tuổi trẻ/là sức khỏe của tuổi già/là cái đà danh vọng/là cái vọng che thân/là cán cân công lý…” thì ta nên sống thế nào?

Bao nhiêu tiền để mua nổi một giây?

Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn. Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện và đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp làm gì với số tiền kia.

Anh ta bèn nài nỉ:

– Tôi sẽ chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần Ngài cho tôi sống thêm một năm.

– Không được.

Thần Chết lắc đầu.

– Vậy tôi đưa Ngài một nửa.

Ngài cho tôi sống thêm nửa năm nữa, được không? Anh ta tiếp tục van xin.

– Không được. Thần Chết vẫn không đồng ý.

Anh ta vội nói:

– Vậy… tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?

– Không được. Thần Chết vừa nói vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.

Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng:

– Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy. Lần này, Thần Chết gật đầu.

Anh ta run rẩy viết một dòng:

– Xin hãy ghi nhớ: “Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày”. Bạn thấy đấy, giá trị của cuộc sống không nằm ở đồng tiền. Giá trị của cuộc sống nằm ở những năm tháng chúng ta đang trải qua, ở những điều mà chúng ta đã trải nghiệm.

Vậy mà rất nhiều người trong chúng ta lại đang hoang phí thời gian mình có. Có lẽ không ngoa khi nói rằng cuộc sống hiện nay là cuộc sống của tiền bạc. Đa số mọi người đều coi tiền bạc là trọng tâm của đời mình, sống để kiếm tiền. Vui ở tiền bạc mà buồn cũng ở tiền bạc. Có tiền là có tất cả mà mất tiền là mất tất cả.

Nhưng liệu có đúng như vậy không? Đã bao giờ các bạn đặt câu hỏi tại sao vẫn có rất nhiều người dù vô cùng giàu có nhưng cũng vô cùng đau khổ chưa? Và ngược lại, có rất nhiều người dù chẳng có gì nhưng rất hạnh phúc?

Thậm chí, trên thực tế, tất cả những bậc giác ngộ, những người được coi là hạnh phúc nhất, là ước muốn của cả nhân loại, ví dụ như Đức Phật, lại không hề sở hữu một chút tiền bạc nào. Có vẻ như tiền bạc không phải là con đường đưa đến hạnh phúc, hoặc ít nhất, nó không phải là con đường dành cho tất cả mọi người.

Trong cuốn sách Hạnh phúc không nằm trong ví, tác giả Ryunosuke Koike, một nhà sư Nhật Bản đã trình bày và lý giải về lối sống “Hạnh phúc không cần tiền bạc” cũng như lý giải tại sao việc theo đuổi tiền bạc không những không đem lại hạnh phúc mà còn đem lại đau khổ cho chúng ta.

Tuy nhiên, không phải cuốn sách khuyến khích chúng ta từ bỏ tất cả, sống một cuộc sống nghèo khổ, đè nén các ham muốn, mà đúng hơn, nó đem lại cho chúng ta một cách nhìn chân thực về tiền bạc để từ đó chúng ta có thể sử dụng tiền với đúng mục đích của nó, đó là đem lại hạnh phúc cho chúng ta.

Tìm sự an lạc trong tâm hồn

Mark Boyle từng là một người đàn ông thành đạt trong xã hội. Cuộc sống của ông, khi đó, có lẽ cũng là mục tiêu của rất nhiều bạn trẻ nước Anh: có được một công việc tốt, kiếm nhiều tiền, và mua sắm những vật dụng xa hoa để chứng tỏ với mọi người rằng mình “thành công”… Và quả thực, Mark đã làm được điều đó. Ông là nhà quản lý của một công ty thực phẩm lớn tại Anh quốc, sở hữu chiếc du thuyền đắt tiền, và tận hưởng cuộc sống của một người không thiếu thứ gì.

Thế nhưng, từ một người đang có trong tay tất cả, Mark lại quyết định từ bỏ cuộc sống tiện nghi để bắt đầu lối sống không tiền bạc. Tại sao ngay giữa xã hội phương Tây coi trọng tiện nghi và vật chất, ông lại có quyết định như vậy? Câu chuyện bắt đầu từ năm cuối đại học khi Mark đang theo học ngành kinh doanh tại Viện Công nghệ Galway Mayo (GMIT) ở Mountbellew, Ireland.

Tình cờ được xem bộ phim về Mahatma Gandhi, nhà lãnh đạo phong trào độc lập không bao lực của Ấn Độ, Mark đã luôn ghi nhớ trong lòng câu nói của Gandhi rằng: “Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này”.

Nhiều năm sau đó, trong một buổi tối đàm đạo với người bạn, Mark chợt nhận ra rằng: những vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt ngày nay, như chiến tranh, suy thoái kinh tế, hay hủy hoại môi trường,… mỗi một trong số đó chỉ giống như hạt nước nhỏ bé giữa cả một đại dương đã bị ô nhiễm, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ một gốc rễ sâu xa. Gốc rễ ấy, có thể nói, là lối sống thực dụng, vị kỷ, và hưởng thụ vô độ của con người. Và tiền bạc chính là công cụ để thực hiện điều ấy.

Vì vậy, vào 11/2008, thay vì cố ép bản thân làm một nhà môi trường hay một nhà hoạt động xã hội, Mark lại trở thành người đàn ông không tiền bạc. Mặc dù gặp phải nhiều lời phản đối và chỉ trích lúc đầu, nhưng quyết định ấy không chỉ mở ra cho Mark một chân trời mới, mà còn truyền cảm hứng cho hàng nghìn người trên thế giới.

Có người cho rằng: Nếu không có tiền thì sẽ sống ra sao? Ăn uống như thế nào? Mark chia sẻ: “Thức ăn là miễn phí, và đúng là như vậy. Cây táo sẽ không hỏi xem bạn có đủ tiền hay không khi hái quả của nó. Chúng ta là loài duy nhất, trong số hàng triệu loài trên hành tinh này, bị lừa dối đủ để nghĩ rằng người ta cần phải có tiền để ăn.

Và điều tồi tệ hơn là, tôi thường thấy mọi người đi ngang qua ‘cây thức ăn miễn phí’ trên chính con đường họ mua thức ăn, được nhập khẩu tới siêu thị từ mọi nơi trên thế giới”.

Rời xa những gì là “tiêu xài” và “hưởng thụ”, Mark Boyle luôn hướng đến một cuộc sống hài hòa và trân trọng tự nhiên: “Nếu chúng ta nuôi trồng thực phẩm của chính mình, chúng ta sẽ không lãng phí một phần ba số đó giống như những gì ta đang làm hiện nay.

Nếu chúng ta tự làm bàn và ghế, chúng ta sẽ không thẳng tay ném chúng ra ngoài mỗi khi thay đổi cách trang trí nội thất. Và nếu chúng ta phải tự làm sạch nước uống, có lẽ chúng ta sẽ không sử dụng nước sạch để dội xuống nhà vệ sinh”…

Và sau rất nhiều chiêm nghiệm, Mark nhận ra rằng ngay cả cái gọi là “kinh doanh có đạo đức” cũng vẫn là chưa đủ để sửa chữa sai lầm của con người. Ngành công nghiệp thực phẩm hữu cơ mặc dù giúp chúng ta có được một cuộc sống mang tính sinh thái hơn, nhưng vẫn gây tổn hại đến môi trường tự nhiên.

Quá nhiều rác thải từ bao bì bằng nhựa, thức ăn dư thừa, và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chỉ là một vài trong số rất nhiều hệ quả đang xảy ra.

“Nếu không khí tràn đầy hai lá phổi của tôi bị ô nhiễm, nếu các chất dinh dưỡng trong đất sản xuất thực phẩm cho tôi trở nên cạn kiệt, hay nếu như các mạch nước tạo nên 60% cơ thể tôi cũng bị nhiễm độc, thì sức khỏe của tôi sẽ theo đó mà tàn hoại”, Mark Boyle viết.

Có lẽ ai cũng biết điều ấy, nhưng chỉ khi tạm lắng lại để quan sát cách chúng ta vẫn đối xử với tự nhiên, bạn sẽ nhận ra rằng: Mỗi chúng ta cũng là một mắt xích trong hàng chuỗi hành động đang trực tiếp hay gián tiếp hủy hoại môi trường sống của chính mình.

Thật khó có thể tưởng tượng rằng Mark Boyle đã duy trì cuộc sống không bạc tiền suốt gần 10 năm qua. Bạn có thể cho rằng Mark phải trải qua cảnh cơ hàn và thiếu thốn. Nhưng sự thật là, những gì ông có được đều thật tuyệt vời. “…tôi phát hiện rằng hai năm qua là đầy đủ nhất cuộc đời tôi. Tôi có nhiều bạn bè trong cộng đồng hơn bao giờ hết; tôi không hề ốm đau kể từ khi bắt đầu việc này; và tôi chưa bao giờ cảm thấy mạnh khỏe hơn. Tôi đã nhận ra rằng, tình bạn, chứ không phải tiền bạc, mới là an toàn thật sự. Hầu hết đói nghèo ở Tây phương đều chỉ là vấn đề tâm lý”, Mark viết.

“Tuy vậy, bài học lớn nhất của tôi lại là, trong tất cả mọi thời điểm khi tôi ở ngoài kia làm những điều bé nhỏ, thì hết loài này đến loài khác lại rơi vào tuyệt chủng nhanh hơn bao giờ hết; rừng, đại dương, sông ngòi đều bị cạn kiệt ở mức độ không thể chấp nhận được; bất công trong xã hội tăng theo cấp số nhân, để rồi đặt tiền bạc vào tay những kẻ có thể sẽ không sử dụng nó cho lợi ích chung”…

Sau nhiều năm sống không tiền bạc, Mark đã rút ra bài học gì? Ông chia sẻ: “Hơn bất cứ điều gì khác, tôi khám phá ra rằng sự an toàn của mình không nằm ở tài khoản ngân hàng, mà là ở sức mạnh của mối quan hệ với mọi người, với cây cối, và với động vật xung quanh.”

Trường Giang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/tien-muon-bac-van-cung-khong-bang-su-an-nhien-trong-tam-hon-d105453.html