Tiến Minh: 'Vé dự Olympic đã nằm trong tầm tay'

Tay vợt cầu lông số một Việt Nam khẳng định anh gần như cầm chắc tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020 sau khi tiến sâu vào những giải đấu tham dự trong thời gian gần đây.

Sau khi dừng bước tại tứ kết giải cầu lông quốc tế Vietnam Open 2019, tay vợt Nguyễn Tiến Minh đã chia sẻ với Zing.vn về nguyên nhân thất bại của đội Việt Nam tại giải đấu trên sân nhà, cũng như kế hoạch thi đấu sắp tới.

- Theo Tiến Minh, đâu là lý do khiến các tay vợt Việt Nam đều dừng bước khá sớm tại giải đấu trên sân nhà?

- Tôi thấy chuyện này bình thường. Vietnam Open là giải quốc tế tương đối lớn so với thế giới, trình độ các tay vợt tham dự giải thuộc nhóm đầu hoặc thứ 2 của các quốc gia. Các nước đầu tư nhiều và đặc biệt luôn có vận động viên kế cận. Trong khi đó, cầu lông Việt Nam chỉ có vài gương mặt, nên khó để tiến sâu. Điều này thực sự cần thay đổi.

Tôi cảm thấy đánh giải Vietnam Open khá tốt, nhưng có vẻ chưa thể hiện được hết 100% phong độ. Tôi đã 2-3 lần vào đến tứ kết nhưng chưa lần nào vào được bán kết nên cũng rất buồn. Tôi không biết tại sao nữa, năm sau sẽ cố gắng hơn.

Tiến Minh thất vọng khi dừng bước tại tứ kết Vietnam Open.

Tiến Minh thất vọng khi dừng bước tại tứ kết Vietnam Open.

- Với số điểm Tiến Minh đã tích lũy được, cơ hội dự Olympic của anh là như thế nào?

- Đến lúc này, tôi hoàn toàn yên tâm có thể giành vé tới Olympic. Chuyện đó tôi nghĩ là trong tầm tay. Tuy nhiên, thực sự đó không phải là mục tiêu của tôi lúc này.

Mục tiêu của tôi là vô địch những giải như Vietnam Open, Super Series 100, 200, 300... Còn chuyện đủ điểm để dự Olympic, tôi nghĩ đã nắm 80-90% tấm vé.

- SEA Games vẫn luôn là giải đấu được cho là kém duyên của Tiến Minh dù có nhiều người quan tâm. Sự chuẩn bị cho SEA Games sắp tới của anh là như thế nào?

- Tôi nghĩ SEA Games nhiều khi còn khó hơn Vietnam Open. Chúng ta cần xem các nước như Indonesia, Thái Lan có cử những vận động viên hàng đầu đi hay không. Nếu họ cử những vận động viên hàng đầu tham dự, trình độ của họ nằm trong top 20 thế giới. Như vậy, tôi sẽ khó có thể đạt kết quả cao.

Phong độ của tôi cũng không được như ngày trước. Không phải là tôi kém duyên với SEA Games. Rõ ràng, trình độ của các nước đối thủ, nếu họ cử VĐV hàng đầu thi đấu, tôi hoàn toàn dưới cơ hẳn. Tuy nhiên, không phải nói như vậy là tôi bi quan. Trong thi đấu, tôi sẽ cố gắng hết sức, biết đâu sẽ có bất ngờ nào đấy.

Trước SEA Games, tôi sẽ dự một số giải Challenge để củng cố số điểm và cũng muốn vô địch vài giải nhỏ, cải thiện thứ hạng. Nhờ vậy, tôi mới đủ điều kiện tham dự những giải lớn như Super 300 hoặc hơn.

Dù 36 tuổi, Tiến Minh vẫn là đầu tàu của cầu lông Việt Nam.

- Tại giải lần này, trường hợp của Carolina (cựu số một thế giới người Tây Ban Nha) có ê-kíp hùng hậu từ truyền thông, HLV, đội ngũ y tế. Trong khi đó, Tiến Minh và Vũ Thị Trang đi thi đấu hầu như chỉ có 2 người, nhiều lúc có thêm HLV đi cùng. Liệu đây có phải là trăn trở của các VĐV đỉnh cao Việt Nam?

- Chuyện này cũng diễn ra nhiều năm rồi, tôi không muốn nhắc đến nữa. Nói chung, nền thể thao Việt Nam cũng phải san sẻ cho nhiều môn, chứ không thể đòi hỏi cho cá nhân được. Chúng ta không thể so sánh với nước ngoài về điều này. Tôi thi đấu được tới lúc này, lọt vào vòng này cũng đã thành công. Chuyện đầu tư ra sao, tôi không tự xử lý được.

- Sau Tiến Minh, cầu lông Việt Nam đang có khoảng trống quá lớn. Theo anh, các tay vợt trẻ còn thiếu điều gì để đạt tới đẳng cấp như của anh?

- Đội tuyển đang tập luyện dưới sự dẫn dắt của HLV người Indonesia. Ông ấy là người rất giỏi và nghiêm khắc. Tôi hy vọng các tay vợt sẽ theo kịp giáo án. Để các tay vợt tiến bộ cũng cần nhiều yếu tố, cơ địa mỗi người khác nhau, không phải ai cũng có thể theo được giáo án như vậy. Tôi hy vọng tay vợt trẻ Hải Đăng có thể vượt qua và tiến bộ nhiều. Tuy nhiên, ban huấn luyện cũng cần chờ xem, chưa thể nói trước được điều gì.

Rất khó để các tay vợt Việt Nam hiện tại đánh bại được những vận động viên thuộc top 50 thế giới. Để làm được điều này, vận động viên phải đam mê, cũng như phải có sự đầu tư lớn. Bản thân các tay vợt có tiến bộ đi nữa cũng chưa chắc đã có được chiến thắng, bởi đối thủ còn được đầu tư mạnh mẽ hơn.

Ở các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia hay Singapore, họ đầu tư cho đội tuyển cầu lông gấp 100 lần nước ta. Trong khi đó, chưa chắc họ đã vô địch nổi giải đấu lớn nào. Không phải tôi bi quan, nhưng cầu lông Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Hải Đăng đang là tay vợt trẻ hàng đầu của cầu lông Việt Nam.

- Hải Đăng là một trong những tay vợt trẻ xuất sắc. Anh có đánh giá như nào về tay vợt này?

- Hải Đăng là tay vợt tốt của cầu lông Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế là em ấy đã 20 tuổi rồi. Nếu so với trong nước, Đăng rất tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn ra các nước khác, như Thái Lan đã có những VĐV 20 tuổi hoặc trẻ hơn vào top 50 thế giới, Hải Đăng bây giờ vẫn đứng hạng mấy trăm thế giới. Đó mới chỉ là riêng Thái Lan, còn nhiều nước trên thế giới đã vượt xa chúng ta.

Tuy nhiên, Hải Đăng vẫn là vận động viên tiềm năng. Tôi hy vọng tới đây sẽ có sự hỗ trợ của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, sở thể thao thành phố để em ấy và đội có những chuyến đi du đấu, tập huấn nước ngoài, cải thiện thành tích. Hải Đăng hiện vẫn còn trẻ. Thuận lợi của Đăng là đánh tay trái. Những tay vợt thuận tay trái có lối đánh khó chịu. Tôi hy vọng trong thời gian tới Hải Đăng sẽ có nhiều tiến bộ.

Cảm ơn anh.

Nhìn lại pha cầu giúp Tiến Minh lập kỷ lục thế giới Pha cầu với 116 lần chạm vợt giữa Nguyễn Tiến Minh và Jen Hao Hsu ở đầu set 2 trận bán kết giải cầu lông Singapore Open vào tháng 7/2018 trở thành pha cầu dài nhất thế giới.

Quang Thịnh - Tiến Đạt

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tien-minh-ve-du-olympic-da-nam-trong-tam-tay-post987510.html