Tiền mất tật mang vì nhờ lang vườn chữa bệnh

Thời gian gần đây, nhiều người bệnh basedow phải đến bệnh viện điều trị tình trạng bỏng rát, hoại tử da thậm chí có nguy cơ tử vong do đắp thuốc lá, cao dán của những 'lang vườn' để điều trị bệnh.

Basedow là một bệnh cường giáp, xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến từ độ tuổi 20 đến 50 và thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân basedow là: Mệt mỏi, gầy sút, tay run, mạch nhanh, cổ to, mắt lồi. Các phương pháp điều trị bệnh basedow phổ biến gồm có: Phương pháp nội khoa (thuốc kháng giáp trạng tổng hợp), điều trị bằng Iod 131 và phẫu thuật. Thế nhưng có rất nhiều bệnh nhân basedow lại tin tưởng vào những lời giới thiệu của bạn bè, người thân đến các cơ sở khám, chữa bệnh của nhiều vị "lang vườn", uống thuốc nam, dán cao lên cổ để điều trị. Hậu quả là mất tiền mà bệnh không hề thuyên giảm, các vết đắp thuốc trên da xảy ra tình trạng bỏng rát, hoại tử da, để lại di chứng là những vết sẹo lớn, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý. Có những trường hợp nhập viện trong tình trạng cấp cứu; ý thức lơ mơ, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, phải đặt nội khí quản, thở máy, nguy cơ tử vong cao do không được điều trị đúng phương pháp, kịp thời.

Bác sĩ Trần Văn Đồng (Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Lê Thị Th. (sinh năm 1985, quê Thanh Hóa), mắc basedow đã gần 10 năm. Bệnh nhân đã từng đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, nhưng bệnh nhân không điều trị theo chỉ dẫn của các bác sĩ mà lại nghe theo lời giới thiệu của người quen đến cơ sở khám, chữa bệnh tự phát tại Hải Dương... để uống, đắp các loại thuốc nam lên vùng cổ. Chính những loại thuốc này đã gây bỏng rát, hoại tử nghiêm trọng vùng da cổ của người bệnh. Sau khoảng 5-10 ngày, tại vị trí đắp thuốc, vùng da bị hoại tử bong ra, rơi xuống và được các thầy lang quả quyết rằng đã “bóc được bướu, tan được chân”. Đáng nói, chi phí cho những lần chữa bệnh nói trên không hề rẻ. Mỗi bệnh nhân phải ăn ở, điều trị tại nhà riêng của các thầy lang từ 5 đến 10 ngày (từ ngày đắp thuốc cho đến ngày bong da), với chi phí trên dưới 10 triệu đồng. Bệnh nhân Lê Thị Th. đã nhập viện tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng người gầy yếu (chỉ nặng còn 38kg), mạch nhanh, cổ to, nhiều vết sẹo lớn nhăn nhúm, mắt lồi, tay run. Hiện bệnh nhân đang được điều trị và đã có những biến chuyển tích cực.

Để tránh tình trạng tiền mất tật mang, bác sĩ Trần Văn Đồng khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng, tránh tiền mất, tật mang.

MINH ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/tien-mat-tat-mang-vi-nho-lang-vuon-chua-benh-536623