Tiền lương vẫn còn bình quân, chưa linh hoạt!

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công vừa chủ trì hội thảo 'Cải cách chính sách tiền lương - kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam'.

Lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cải cách chính sách tiền lương là một vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động và tác động trên nhiều phương diện đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải được cân nhắc kỹ nhiều mặt, cả về nội dung cải cách và lộ trình thực hiện.

Năm 1960, sau khi hoàn thành cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Nhà nước đã thực hiện cải cách tiền lương lần thứ nhất. Đến năm 1985, thực hiện cải cách tiền lương lần thứ hai “cải cách giá - lương - tiền”, mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Năm 1993, thực hiện cải cách tiền lương lần thứ ba và từ năm 2004, tiếp tục hoàn thiện chế độ tiền lương trên cơ sở mở rộng quan hệ tiền lương, thu gọn một bước hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ tháng 12-1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần, lương tối thiểu vùng đối với khu vực DN được điều chỉnh tăng cao hơn theo định hướng chỉ đạo của Trung ương. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn những hạn chế, bất cập. Mặc dù đã trải qua nhiều lần cải cách nhưng tiền lương nhìn chung còn thấp, vẫn còn bình quân, chưa linh hoạt, chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể, vị trí việc làm, hiệu quả công việc, chưa tạo động lực đủ mạnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tài năng, cống hiến, tận tâm, tận lực với công việc.

Chênh lệch thu nhập giữa những người làm công, ăn lương còn khá cao, còn nhiều khoản thu nhập ngoài lương, phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý, vùng miền. Việc quản lý tiền lương, thu nhập còn chưa thực sự công khai, minh bạch, cơ chế kiểm soát thu nhập còn kém hiệu quả.

Tình trạng sử dụng chi phí hoạt động hành chính để bổ sung thu nhập của người lao động khá phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, phát sinh những tiêu cực, lãng phí trong quản lý tài chính, sử dụng kinh phí, ngân sách Nhà nước. Đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách quá lớn và ngày càng tăng, tạo sức ép lớn và khó khăn cho cải cách cơ cấu ngân sách Nhà nước. “Tác động đòn bẩy của tiền lương đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và phát triển thị trường lao động còn hạn chế”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: cải cách chính sách tiền lương là một vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động.

Sẽ bàn tại Hội nghị T.Ư 7

Phó Thủ tướng cũng nhận định, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, cải cách tiền lương là nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp. Vì, giữa tiền lương với nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác có mối quan hệ hữu cơ như giải quyết việc làm, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh, tinh giản biên chế, cơ cấu lại NSNN và khu vực sự nghiệp công, sự bất công bằng trong phân phối thu nhập giữa người làm công hưởng lương với bộ phận dân số còn lại...

“Để cải cách tiền lương thành công đòi hỏi phải thiết kế hệ thống tổng thể, hài hòa và phù hợp trên các phương diện, cả về kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và đồng thuận về chính trị trên cơ sở bảo đảm lợi ích chung cả trước mắt và trung, dài hạn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu cải cách đã đến lúc chín muồi, đây vừa là áp lực, vừa là động lực, Trung ương đã thông qua Nghị quyết 18 và 19 với nhiều quyết sách mạnh mẽ như giảm 10% biên chế các đơn vị. Đến năm 2021 cơ bản đạt được mục tiêu này. Dự kiến vấn đề này sẽ được bàn tại Hội nghị T.Ư 7 (sẽ diễn ra vào tháng 5-2018), trong đó sẽ trình hai đề án: Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức (CBCC), lực lượng vũ trang và khu vực sản xuất kinh doanh”; Đề án “Cải cách chính sách BHXH của Việt Nam”.

GĐ Văn phòng ILO tại Việt Nam – ông Changhee Lee cho rằng, để hài hòa lợi ích chung, Việt Nam cần tiến hành đồng thời việc điều chỉnh mức lương tối thiểu và mức lương cơ sở để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

TS Jinho Jeong, chuyên gia Viện Nghiên cứu lao động Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc cũng có hai hệ thống thang bảng lương là hệ thống chức nghiệp và hệ thống việc làm. Tuy nhiên, Hàn Quốc chia hệ thống công chức thành công chức thông thường và công chức đặc thù.

Công chức đặc thù là công chức cao cấp, từ cấp thứ trưởng trở lên, áp dụng bản lương riêng, còn dưới cấp thứ trưởng trở xuống áp dụng một mức lương chung dành cho công chức thông thường với bậc lương từ 1 đến bậc 9. Khác với Việt Nam, từ bậc 9 đến bậc 6, công chức ở Hàn Quốc mỗi năm được tăng 1 bậc lương.

Theo TS Jinho Jeong, khi điều chỉnh lương khu vực công, cần cân nhắc tính phức tạp của nhiệm vụ và mức độ trách nhiệm, mức giá và chi phí sinh hoạt của người dân nói chung để đảm bảo tiền lương có thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần cân nhắc mức độ công bằng với tiền lương khu vực tư cũng như cân bằng giữa công chức, viên chức ở các hạng ngạch khác nhau.

TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ nhìn nhận, trong thực tế, cán bộ công chức, viên chức không thể sống bằng lương. Cách tính lương khu vực công cũng đang bộc lộ những yếu kém làm đảo lộn thứ tự, ví dụ từ sau khi bỏ lương chức vụ từ năm 1995 đến nay, một số thủ trưởng, lãnh đạo lại có mức lương thấp hơn nhân viên.

Ông Đinh Duy Hòa cho rằng, cách tính tăng lương theo bậc, dựa vào thâm niên sẽ không tạo được động lực cho đội ngũ công chức, viên chức. Lương của công chức, viên chức vẫn còn thấp, theo ông Hòa là do bộ máy còn quá lớn, số lượng công chức, viên chức quá đông trong khi ngân sách Nhà nước dành cho cải cách tiền lương còn nhiều khó khăn.

Để cải cách tiền lương, theo ông Hòa, cần xác định rõ mục tiêu hiện nay là tiến tới lương công chức, viên chức sẽ đảm bảo cho họ gần đủ, đủ sống hay đủ sống và có dư, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể. Trước tiên Nhà nước phải tinh giản, cải cách được bộ máy hành chính hiện tại và thực hiện trả lương xứng đáng cho những người làm việc, cống hiến thực sự. “Tuy nhiên, đây là việc không hề đơn giản”, ông Hòa nói.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, trên thực tế, lương của công chức, viên chức thấp, nhưng các khoản phụ cấp lại nhiều, nên cần chính sách “tiền lương hóa” các khoản phụ cấp hiện nay và gộp các khoản phụ cấp thành 5 nhóm chính, thay vì 20 nhóm như hiện nay.

Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, cải cách tiền lương là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như phòng chống tham nhũng, bảo đảm sự liêm chính, nghiêm minh trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Phương Thảo - Nguyễn Lực

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tien-luong-van-con-binh-quan-chua-linh-hoat-108882.html