Tiền kiểm sang hậu kiểm: Tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp

Khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cơ quan quản lý sẽ vất vả, khó khăn hơn để vừa bảo đảm thực hiện chức năng quản lý lại có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Ảnh: PV

Tuy nhiên “khó vẫn phải triển khai”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ KHCN) tại buổi giao lưu trực tuyến do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 8.12.

Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ KHCN đã có những nỗ lực đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu-vốn được coi là những thủ tục đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Theo Thông tư 07/2017 chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan.

Cũng theo Bộ KHCN, trước đây có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30.000 lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Trước yêu cầu cắt giảm ít nhất 50% số lượng hàng hóa trong danh mục hàng hóa nhóm 2 trước tháng 6.2018, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết đây là một chỉ tiêu đặt ra rất nhiều thách thức đối với tất cả các bộ, ngành.

Cùng đó, trong thời gian qua, Bộ KHCN đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ cùng 12 bộ, ngành rà soát, xem xét, trao đổi các biện pháp quản lý cũng như những vướng mắc không chỉ của DN mà của cả chính cơ quan quản lý chuyên ngành để cùng đưa ra cách thức giải quyết.

Qua đó, một số bộ, ngành đã có những thay đổi tích cực như Bộ Xây dựng cắt giảm một số nhóm hàng vật liệu xây dựng hay Bộ Công Thương đã bước đầu đưa các nhóm sản phẩm tiền kiểm sang hậu kiểm…

Trên thực tế, nhiều sản phẩm sau một thời gian được kiểm soát chặt chẽ bằng các biện pháp tiền kiểm, DN có ý thức dần lên và giảm tỉ lệ các sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn thì các cơ quan cũng cần phải cân nhắc để có thể điều chỉnh, giảm bớt gánh nặng cho DN.

Bên cạnh đó, đối với những hàng hóa mà chi phí cơ quan quản lý Nhà nước và DN bỏ ra để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành quá lớn so với rủi ro có thể gây ra cho xã hội, cho người tiêu dùng, Bộ cũng đề xuất loại khỏi danh mục.

“Công tác kiểm tra sẽ không giảm bớt đi, mà đơn giản thay vì phải kiểm tra tất cả các công đoạn trước khi thông quan thì nay được chuyển sang sau thông quan. Đồng nghĩa, DN vẫn phải bảo đảm các bằng chứng kỹ thuật chứng minh sản phẩm đáp ứng quy chuẩn nhưng lại tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí lưu kho bãi…”, ông Linh nhấn mạnh.

Minh Hạnh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tien-kiem-sang-hau-kiem-tao-nhieu-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-580447.ldo