Tiện ích và thiết thực trong cuộc chuyển đổi số

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an xây dựng thành công là một trong 3 dữ liệu tài nguyên lớn của Quốc gia. Trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến nay, những 'trái ngọt' từ cuộc cách mạng số của ngành Công an đã hiện hữu, mang lại những hiệu quả thiết thực cho xã hội và người dân chính là đối tượng thụ hưởng lớn nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng các đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày công nghệ chuyển đổi số của lực lượng CAND. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng các đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày công nghệ chuyển đổi số của lực lượng CAND. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Lấy người dân làm trung tâm

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu đến năm 2023 xây dựng lực lượng CAND “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Bộ Công an đã xác định tăng cường phát triển, ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các mặt công tác công an, nhất là công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và chủ động, tích cực tham gia lộ trình thực hiện mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chính thức được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân Việt Nam được số hóa, bổ sung, cập nhật thường xuyên hằng ngày từ cơ sở bởi hàng vạn cán bộ cảnh sát khu vực, công an xã trên toàn quốc. Từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đã cấp mã số định danh cá nhân đối với công dân toàn quốc (với người được cấp thẻ căn cước công dân thì mã số định danh cá nhân chính là số thẻ căn cước công dân; đối với người chưa được cấp thẻ, đã thông báo bằng văn bản đến cho công dân có kèm theo mã QR)...

Tiếp nối thành công đó, đầu năm 2022, Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 - còn gọi là Đề án 06.

Trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, với mục tiêu ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bước đầu đã đem lại những hiệu quả rõ rệt như: Triển khai hệ thống phần mềm quản lý công dân vùng dịch và phần mềm tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 tại trang web suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; ứng dụng xác thực điện tử VNEID (do Bộ Công an xây dựng). Xây dựng chức năng khai thác thông tin dân cư trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để xác định được đúng đối tượng, số lần hỗ trợ, xác nhận lĩnh trợ cấp tại nơi cư trú theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Khai thác phục vụ công tác quản lý người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Phát hiện, bắt giữ đối tượng truy nã. Khai thác phục vụ công tác quản lý đối tượng, nhất là đối tượng hoạt động lưu động, đối tượng là người nước ngoài cư trú và hoạt động tại Việt Nam.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và căn cước công dân, lực lượng Công an đã cung cấp cho người dân nhiều tiện ích rất thiết thực về định danh nhân thân, sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt... và trong thời gian tới sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều tiện ích khác phục vụ đời sống của người dân, góp phần xây dựng công dân số, xã hội số, kinh tế số.

Bộ trưởng Tô Lâm đã lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của ngành Công an.

Với 74 triệu thẻ căn cước công dân được gắn chip điện tử đã được cấp và được tích hợp nhiều thông tin như: Thông tin cá nhân, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, thẻ ATM. Khi đó người dân đi khám bệnh, giao dịch hành chính hay ngân hàng chỉ cần dùng một loại giấy tờ.

Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ cho lực lượng Quân đội, Công an và các lực lượng khác góp phần bảo vệ tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện trọng đại của đất nước, các tuyến biên giới, biển đảo và các khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh.

Đồng thời, phục vụ công tác quản lý của lực lượng Quân đội, lực lượng Công an, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh. Bên cạnh đó, ứng dụng VNeID đã tích hợp tiện ích gửi tin báo tố giác tội phạm trực tuyến mà không cần phải đến Cơ quan công an cũng đã giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm tội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Vượt khó để về đích đúng thời hạn

Xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, sản xuất và cấp căn cước công dân là một nhiệm vụ có khối lượng công việc khổng lồ. Lực lượng Công an đã bố trí công an xã chính quy 100% số xã, thị trấn, đồng thời phải bố trí nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin thực hiện quản trị, vận hành Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư tại các cấp công an.

Trước những khó khăn đó, Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp đưa ra các giải pháp như: Tiếp tục bổ sung nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao; phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin chuyên sâu, các chứng chỉ quốc tế như CCNA, CEH, CHFI, OCA, OCP..., lớp đào tạo chính hãng phục vụ quản trị vận hành Trung tâm dữ liệu cho đội ngũ cán bộ tại cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Có thể thấy, Đề án 06 về ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong chuyển đổi số quốc gia là đề án rất quan trọng, có quy mô lớn. Bộ Công an với vai trò là đơn vị chủ trì và triển khai nhiệm vụ đã quyết liệt từ chủ trương, quyết tâm trong hành động, đảm bảo tiêu chí “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm cũng như lực lượng CAND trên cả nước đã triển khai một khối lượng lớn các công việc và đã đạt được những kết quả tích cực.

Cùng với hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ công an trên khắp mọi miền đất nước, cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm dữ liệu Quốc gia đã gác lại niềm hạnh phúc riêng để lao vào công việc, chạy đua với thời gian, bảo đảm hoàn thành tiến độ của đề án nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm vẫn còn nhớ như in những đêm dài thức trắng để tranh thủ từng giờ, từng phút hoàn thành công việc. Hình ảnh màu áo xanh chiến sĩ ngày đêm đến với người dân ở những thôn, xã vùng sâu, vùng xa, đưa người già, neo đơn, người tàn tật đến địa điểm cấp căn cước lưu động, những em bé mắt lim dim ngủ trong vòng tay người chiến sĩ khi mẹ đang làm thủ tục cấp căn cước... đã trở thành những khoảnh khắc thật đẹp, thật xúc động trong chiến dịch cấp căn cước công dân.

Trong năm 2023, ngành Công an sẽ cung cấp các dịch vụ, tiện ích như tích hợp tài khoản định danh điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia để công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Sử dụng VNEID trong bảo hiểm y tế, giáo dục, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, quản lý thị trường, quản lý thuế, tài khoản sàn giao dịch điện tử, nền tảng mạng xã hội, xác thực bản quyền video, sản phẩm số... Mở tài khoản thanh toán, ví điện tử, xác thực sinh trắc cho các giao dịch điện tử có giá trị...; Cấp tài khoản định danh cho tổ chức và người nước ngoài theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; Thực hiện bỏ phiếu, bầu cử điện tử, khảo sát, lấy ý kiến người dân; Chấm điểm tín dụng trong hoạt động tài chính, tiêu dùng; Kết nối với hợp đồng điện tử, thuế điện tử để quản lý thương mại điện tử, thuế điện tử; Ứng dụng trong hợp đồng điện tử phục vụ các hoạt động ký kết hợp đồng điện tử phục vụ hoạt động thương mại điện tử hướng tới phục vụ truy thu, quản lý thuế trong thương mại điện tử; Nhập thông tin, gửi yêu cầu và nhận kết quả xác thực, hiển thị thông tin đối với các loại giấy tờ của các bộ, ban, ngành; Kết nối đến các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cung cấp dịch vụ xác thực thông tin, chia sẻ thông tin phục vụ phát triển kinh tế số; Cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Cho phép người dân kiểm tra hồ sơ y tế và hẹn lịch khám với bác sĩ.

Phong Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/tien-ich-va-thiet-thuc-trong-cuoc-chuyen-doi-so-i679857/