Tiền hỗ trợ ăn trưa chưa đến đủ với trẻ mầm non

Sáng 30-11, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

Phòng học khang trang cho trẻ mầm non ở Hà Giang

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), tổng số trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi thuộc đối tượng được hỗ trợ ăn trưa trên cả nước là 989.851 trẻ, chiếm tỷ lệ 20,9% tổng số trẻ 3-5 tuổi được đến trường.

Hiện mới có 37/59 tỉnh, thành phố (còn 4 tỉnh chưa hoàn tất thẩm định đối tượng) chi trả xong chế độ hỗ trợ ăn trưa, tỷ lệ chi trả đạt 75,6% kinh phí dự toán cả nước. Đáng nói, một số địa phương mới hỗ trợ ăn trưa cho trẻ ở các cơ sở công lập, bỏ quên trẻ đang học tại các cơ sở ngoài công lập, vốn cũng là một trong những đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Trước thực tế này, bà Lý Thị Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, yêu cầu sở GD-ĐT các địa phương thường xuyên rà soát số lượng trẻ được hưởng chế độ hỗ trợ ăn trưa để không bỏ sót; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cân đối kinh phí cấp bù hàng năm để có kế hoạch chủ động thực hiện chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Bộ Tài chính cân đối nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện chi trả chính sách cho các đối tượng đã được quy định trong nghị định, kịp thời bổ sung kinh phí cho các địa phương chi trả hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng.

Liên quan đến bài toán thiếu giáo viên mầm non, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 30-9-2018, tổng số giáo viên mầm non đang làm việc theo hình thức ký hợp đồng lao động trên cả nước là 52.238 người. Nhưng dù đã tận dụng đội ngũ ngoài biên chế, cả nước vẫn thiếu 65.000 giáo viên mầm non. Nhiều nơi như Cà Mau, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Giang đang duy trì tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn 40% so với quy định.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, giáo viên không chịu nổi áp lực nên bỏ nghề. Để giải quyết khó khăn này, ông Đinh Văn Phương, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết trước mắt, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ nhiều đề xuất quan trọng như xếp lương cho giáo viên đã ký hợp đồng lao động phù hợp thời gian công tác, không áp dụng chủ trương tinh giản 10% biên chế đối với giáo viên mầm non, có chính sách tuyển dụng giáo viên đặc thù ở 17 tỉnh, thành phố có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tien-ho-tro-an-trua-chua-den-du-voi-tre-mam-non-562603.html