Tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ

Đồng tiền giấy đầu tiên trong lịch sử tiền tệ Việt Nam là 'Thông bảo hội sao' (1396) do Hồ Quý Ly phát hành. Hơn 6 thế kỷ trôi qua, tiền giấy Việt Nam đã trải qua những 'thăng trầm' và biến động lớn.

Hơn 6 thế kỷ trôi qua, tiền giấy Việt Nam đã trải qua những "thăng trầm" và biến động lớn. (Ảnh minh họa)

Hơn 6 thế kỷ trôi qua, tiền giấy Việt Nam đã trải qua những "thăng trầm" và biến động lớn. (Ảnh minh họa)

Tiền giấy đầu tiên của Việt Nam?

Loại tiền có tên "Thông bảo hội sao" là loại tiền giấy đầu tiên do nhà Hồ phát hành vào năm 1396. Đó là một thời điểm rất sớm so với lịch sử tiền giấy nhưng lúc đó, chính sách ban hành tiền giấy không hề được đánh giá là tiến bộ.

Khi in xong, nhà Hồ hạ lệnh cho người đem tiền đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy tiền giấy 1 quan 2 tiền. Cấm hẳn tiền đồng không được cất giữ và tiêu riêng. Ai làm giả phải tội chết, tịch thu điền sản vào Nhà nước.

Thực tế, đến năm 1403 tức sau 7 năm ban hành, tiền giấy vẫn không được ưa dùng, và do Nhà nước cấm tiền đồng, nhân dân buộc phải trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng. Nhà nước đã phải định giá tiền giấy cho trao đổi, lập điều luật định tội không tiêu tiền giấy.

Nhà nước ngoài việc dùng pháp luật cưỡng bức còn đưa ra nhiều biện pháp khác cố làm cho đồng tiền đó được lưu hành rộng rãi trong nhân dân.

Theo đó, đồng tiền giấy này đã được đưa vào trong lưu thông một cách triệt để. Tuy nhiên, để tiền giấy ra đời và đi vào đời sống thực tế thời gian đó phải có những tiền đề kinh tế xã hội, phù hợp… Với một thực tế lịch sử chưa cho phép, chính sách tiền giấy của Hồ Quý Ly đã thất bại.

Giấy Bạc Đông Dương

Thời kỳ Việt Nam là một phần Đông Dương thuộc Pháp, đơn vị tiền tệ cả khu vực là Piastre, thường gọi là "bạc". Lúc đầu có đồng bạc Mexico nặng 27,73 gam, sau đó có đồng bạc Đông Dương nặng 27 gam.

Ngân hàng Đông Dương cũng phát hành cả tiền giấy, đó là tờ tiền giấy in hình 3 thiếu nữ với những bộ trang phục truyền thống của 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam.

Tiền giấy sau Cách mạng tháng 8/1945

Sau Cách mạng tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, tiền đồng cũng chính thức được in và lưu thông để khẳng định chủ quyền của đất nước tự do. Trước khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra đời, những tờ tiền đầu tiên đều in chữ "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mặt sau của tờ tiền thường in các hình ảnh khác về giai cấp Nông - Công - Binh. Các con số ghi mệnh giá đều được viết theo số Ả- Rập hoặc bằng chữ Hán, Lào, Campuchia. Người Việt Nam thời ấy luôn gọi tiền giấy là "giấy bạc Cụ Hồ".

Bắt đầu từ thời điểm này cho tới nay, tiền đã được thay đổi cả về hình thức, chất liệu, mệnh giá đến 7 lần.

Cụ thể, lần thứ nhấtvào ngày 15/5/1947, Chính phủ ra sắc lệnh 48/ SL cho phép lưu hành trong cả nước giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng. Đồng thời Nhà nước thực hiện thu đổi đồng bạc Đông Dương, tỷ lệ 1 đồng Việt Nam lấy 1 đồng bạc Đông Dương

Lần thứ 2 vào ngày 6/ 5/ 1951, tại Sắc lệnh số 15/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chuẩn y việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt nam để thay thế "Nha ngân khố quốc gia" và "Nha tín dụng sản xuất" trực thuộc Bộ Tài chính.

Ngay khi ra đời, theo sắc lệnh số 19/SL và 20/SL ngày 12/5/1951, Ngân hàng quốc gia Việt Nam đã chính thức phát hành đồng tiền giấy thay cho đồng tiền Tài chính, đổi 10 đồng tiền Tài chính ăn 1 đồng tiền Ngân hàng Quốc gia. Đây là một cuộc đổi tiền diễn ra tới 20 tháng, dài nhất trong lịch sử đổi tiền của ngân hàng Việt Nam,

Lần thứ 3, vì tiền Ngân hàng Quốc gia đầu tiên được in ra năm 1951 là để đổi đồng Tài chính trước đó nên hầu hết những người có tiền đổi là thuộc khu vực công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên đến tháng 2/1959, Chính phủ quyết định phân phối lại thu nhập và đã đổi tiền lần thứ 2 với tỷ lệ 1 đồng mới ăn 1.000 đồng cũ.

Với giá trị mới này, vào thời điểm từ tháng 2/1959 đến tháng 10/1960, 1 đồng Ngân hàng Quốc gia bằng 1,36 rúp (Liên Xô) và cũng tương đương 1,2 USD. Cuộc đổi tiền năm 1959 được đánh giá là "ngoạn mục" nhất trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.

Đến tháng 10/ 1961 đồng tiền Ngân hàng Quốc gia ở miền Bắc được đổi tên thành đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN VN) với cùng một mệnh giá để tránh trùng tên với đồng tiền Ngân hàng Quốc gia ở miền Nam của chính phủ Sài Gòn.

Lần thứ 4, trong 3 năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, để có một thời gian đệm cần thiết và quan trọng, 2 miền vẫn dùng 2 đồng tiền khác nhau: Miền Bắc vẫn là tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, miền Nam tiếp tục dùng tiền của chính quyền cũ. Ngày 3/5/1975, chính quyền cách mạng tiếp quản Ngân hàng Quốc gia của Ngụy quyền Sài Gòn và vẫn sử dụng đồng tiền của chế độ cũ trong lưu thông để không gây rối loạn trong lưu thông tiền tệ ở miền Nam những ngày đầu giải phóng.

Tờ bạc 200 với dòng chữ răn đe "Hình phạt khổ sai những kẻ nào giả mạo giấy bạc do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành ra".

Ngày 6/6/1975 - 5 tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT - 75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do Ông Trần Dương làm Thống đốc. Đến ngày 22/ 9/1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tổ chức cuộc đổi tiền trên quy mô toàn miền Nam để đưa đồng tiền mới lấy tên là "Tiền Ngân hàng Việt Nam" (còn gọi là Tiền giải phóng) vào lưu thông với tỷ lệ 1 đồng Ngân hàng Việt Nam bằng 500 đồng tiền của chế độ cũ và tương đương với 1 USD.

Lần thứ 5, ngày 2/5/1978, Nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố đổi tiền lần thứ 3 trên phạm vi toàn quốc, thống nhất tiền tệ cả nước với tỷ lệ 1 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền Giải phóng ở miền Nam ăn 1 đồng Ngân hàng Nhà nước mới.

Lần thứ 6, năm 1985, trước diễn biễn phức tạp của nền kinh tế và tình hình khan hiếm nghiêm trọng tiền mặt trong thanh toán, Nhà nước công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng thống nhất đổi 1 đồng tiền mới phục vụ cho cuộc cách mạng về giá cả và lương. Ngân hàng đã ban hành các loại tiền 10, 20, 50 đồng. Nhà nước lại phải công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền cũ ăn 1 đồng tiền mới.

Tiền đồng những năm 1985.

Tiền giấy Việt Nam thế kỷ XX

Các tờ tiền giấy cotton có mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng được in năm 1990, tờ 50.000 đồng được phát hành từ 15/10/1994 còn tờ 100.000 đồng từ ngày 1/9/2000. Trong khi đó, tiền xu có một vài năm xuất hiện trên thị trường nhưng không phù hợp với phong cách tiêu tiền của người Việt Nam, nên nhanh chóng bị xếp thành loại vật dụng lưu niệm.

Tiền polymer Việt Nam

Tiền polymer tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành năm 2003, có giá trị lưu hành song song với các đồng tiền cũ, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ về cơ cấu mệnh giá (thêm loại tiền có mệnh giá lớn), chủng loại. Tiền polymer có nhiều ưu điểm, như: khó làm giả, độ bền cao, không thấm nước, thích hợp sử dụng trong các thiết bị hiện đại như ATM, máy đếm tiền.

Tiền polymer 500.000 đồng có mệnh giá cao nhất.

Kể từ khi tiền polymer được đưa vào sử dụng, bắt đầu từ ngày 1/9/2007, tiền giấy mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng cũ đã hết giá trị lưu hành, và từ ngày 1/1/2013, các loại tiền cotton mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng cũng đã ngừng lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay chỉ còn các tờ tiền giấy mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng (1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng…) còn giá trị lưu hành tại Việt Nam.

Bảo Duy

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/lich-su-tai-chinh-tien-giay-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-20171128174136017.htm