Tiền Giang: Vì sao số bản án bị sửa, hủy ở mức cao?

Đặc biệt có nhiều bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử.

Dù công tác xét xử của Tòa án 2 cấp ở tỉnh Tiền Giang luôn được quan tâm, nâng cao chất lượng nhưng tỉ lệ bản án bị hủy, bị sửa trong 6 tháng qua vẫn ở mức cao và tăng nhiều so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt có nhiều bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử.

Tòa án nhân dân Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) xét xử vụ án có đến 28 bị cáo

Tòa án nhân dân Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) xét xử vụ án có đến 28 bị cáo

Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tòa án 2 cấp trong tỉnh có đến 6 bản án bị sửa (trong đó cấp tỉnh 2 bản án, cấp huyện, thành, thị có 4 bản án). Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 8 bản án bị hủy (cấp tỉnh 4 bản án, cấp huyện, thành, thị 4 bản án).

Nguyên nhân dẫn đến nhiều bản án bị hủy, bị sửa là do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử và thẩm phán không đánh giá chứng cứ khách quan, thiếu sót trong thu thập tài liệu chứng cứ, án sơ thẩm tuyên không tính đến người có nghĩa vụ và quyền lợi có liên quan, bản án vi phạm thủ tục tố tụng…

Cá biệt như vụ án “Thành Cổ Mộ” tại Thị xã Cai Lậy, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo 2 năm tù giam, nhưng sau khi kháng cáo Tòa án phúc thẩm tuyên 2 năm tù cho hưởng án treo. Bản án phúc thẩm này bị Tòa án Cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh hủy, bảo lưu án sơ thẩm, gây bức xúc trong nhân dân.

Tòa án nhân dân Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) xét xử vụ án có đến 28 bị cáo

Ông Huỳnh Xuân Long, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian tới Tòa án 2 cấp tỉnh Tiền Giang sẽ đưa ra nhiều biện pháp khắc phục tình trạng án bị sửa, bị hủy, nâng cao chất lượng xét xử.

Cụ thể, Ban Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh đề ra một số giải pháp. Thứ nhất tổ chức rút kinh nghiệm đối với các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, của Hội đồng xét xử. Mỗi năm Tòa án tổ chức 2 lần hội nghị rút kinh nghiệm đối với thẩm phán Tòa án nhân dân 2 cấp. Các bản án bị hủy, sửa ngay lập tức yêu cầu các đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời, tránh những sai sót tương tự xảy ra. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, phê bình và xử lý các trường hợp thẩm phán có bản án bị hủy theo quy định của Tòa án nhân dân Tối cao về xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/tien-giang-vi-sao-so-ban-an-bi-sua-huy-o-muc-cao-1071140.vov