Tiền Giang sẽ là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư 2018 do UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức tại TP.Mỹ Tho ngày 9/8.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Huế

Nhiều lợi thế

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Tiền Giang có vị trí chiến lược, đắc địa hàng đầu của vùng ĐBSCL, thuận tiện của đường bộ và đường thủy, hành lang kinh tế điểm giao hòa kết nối cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, tỉnh Tiền Giang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp đặc biệt là sản xuất trái cây và du lịch sinh thái. Tiền Giang cũng có sẵn các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh như nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu dành cho chế biến và nguồn lao động dồi dào.

Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh Tiền Giang cũng có nhiều cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế, là một trong 3 địa phương tại vùng ĐBSCL có tốc độ phát triển kinh tế cao (8%/năm). Thực tế, thời gian qua lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và luôn đồng hành cùng DN môi trường kinh doanh được cải cách mạnh mẽ, số DN tăng nhanh so với các tỉnh ĐBSCL.

Đánh giá cao sự đoàn kết thống nhất trong công tác lãnh đạo và sự phát triển toàn diện của tỉnh Tiền Giang trong thời gian gần đây đặc biệt là môi trường kinh doanh, cũng như hiệu quả của đợt xúc tiến đầu tư của tỉnh Tiền Giang lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các DN nên nắm bắt thời cơ đầu tư mạnh mẽ để phát triển hoạt động sản xuất, doanh của mình cũng như cùng xây dựng tỉnh Tiền Giang phát triển

“Các DN không nên chậm trễ trong việc triển khai các dự án đầu tư vào Tiền Giang vì Tiền Giang đang phát triển rất năng động. Với mức dư nợ tín dụng tương đương 63% của nền kinh tế, dư địa tăng trưởng cho các DN tại địa phương này còn rất nhiều”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết trong những năm gần đây tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh liên tục tăng cao. Năm 2016-2017, Tiền Giang nằm trong top 3 tỉnh có tăng trưởng GRDP cao nhất ĐBSCL, bình quân 8%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, giá trị GRDP đạt 2.356 tỷ đồng, xếp thứ 2 vùng ĐBSCL.

Theo lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Tiền Giang có hai “báu vật” tặng ngay cho các nhà đầu tư là nguồn nhân lực và vị trí thuận lợi. Tỉnh đang có nguồn nhân lực trên 1,3 triệu lao động có chất lượng khá tốt với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 47%. Hiện nay mỗi năm trên toàn tỉnh có khoảng 10.000 sinh viên ra trường. Đây là sẽ nguồn cung ứng lao động dồi dào cho các DN.

Tiền Giang có vị trí địa lý rất thuận lợi vừa là cửa ngõ của ĐBSCL vừa kết nối thuận lợi với TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kết nối với các tỉnh lân cận có đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương, các quốc lộ 1,50,60,30; đường thủy có sông Tiền, sông Xoài Rạp, kênh Chợ Gạo đều là những tuyến giao thông huyết mạch rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Tiền Giang cũng là "vương quốc" trái cây, đồng thời là nơi tập trung nguồn lương thực, thủy sản phong phú của vùng ĐBSCL. Cảnh quan thiên nhiên, phong tục tập quán và văn hóa khá đa dạng, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư có dự án tiêu biểu từ đầu năm đến nay.

Cam kết tạo thuận lợi tối đa cho DN

Liên quan đến những ưu đãi cụ thể dành cho DN, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cam kết thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo các quy định pháp luật. Ngoài các chính sách chung, tỉnh còn quy định riêng một số chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể là, chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư với các dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế TNDN, thuế XNK…

Tại hội nghị, UBND tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư dự án cho 31 dự án tiêu biểu đã thu hút được từ đầu năm 2018 đến nay với tổng vốn đầu tư 15.650 tỷ đồng.

Cùng với đó, Tiền Giang cũng mời gọi các DN đầu tư vào 19 dự án trọng điểm của tỉnh trên các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, hạ tầng thương mại… với tổng vốn đầu tư 16.360 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các DN đầu tư, phát triển kinh doanh ổn định, lâu dài …

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Tiền Giang, bên cạnh việc phát huy các kết quả sẵn có cần tích cực hơn nữa trong việc giải quyết các điểm nghẽn phát triển đặc biệt về quỹ đất cho DN. Cùng với đó thực hiện tốt công tác quy hoạch; tiếp tục đối thoạivới người dân nhiều hơn để giải quyết vướng mắc tồn tại trong khiếu nại, đền bù giải phóng mặt bằng những năm qua để lại, rà soát lại các bất cập còn tồn tại trong nhân dân, giảm bớt sự căng thẳng giữa chính quyền và nhân dân;

Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho DN người dân, nhất là trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Giải quyết các tồn đọng về thủ tục hành chính, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng.

Bên cạnh đó phát triển các DN công nghệ cao cần chú trọng phát triển DN giải quyết nhiều việc làm để thu hút bớt lao động từ sản xuất nông nghiệp...

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Chính phủ sẽ luôn tạo mọi điều kiện về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư và DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tien-giang-se-la-dong-luc-phat-trien-cua-vung-dong-bang-song-cuu-long.aspx