Tiền Giang: Sẽ đầu tư trên 2.332 tỷ đồng thực hiện Dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị; nâng cao sức cạnh tranh, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo.

Vùng trồng lúa trọng điểm của huyện Gò Công Đông, Tiền Giang

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, mục tiêu áp dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa tăng thu nhập thấp nhất 30% cho nông dân so với sản xuất truyền thống. Trong Kế hoạch, tỉnh Tiền Giang sẽ xây dựng 04 địa điểm ứng dụng công nghệ cao tại 13 xã/04 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh, gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông với quy mô 36 ha, nhân rộng với quy mô 15.320 ha.

Tổng diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 là 15.356 ha, tương đương 46.068 ha gieo trồng. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án trên 2.332 tỷ đồng. Với hình thức đầu tư như mua máy móc, thiết bị công nghệ cao để thực hiện điểm trình diễn; hỗ trợ các hợp tác xã trong vùng dự án; mua lúa giống, vật tư; hỗ trợ nông dân các xã trong vùng dự án thực hiện nhân rộng…

UBND tỉnh Tiền Giang giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tổ chức thực hiện, theo dõi việc triển khai thực hiện và nhân rộng các điểm trình diễn. Tổ chức cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm để nhân rộng kết quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa. Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Đối với UBND các huyện trong vùng dự án, tổ chức vận động nhóm nông dân tự nguyện hợp tác, liên kết với nhau hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ để hỗ trợ nhau trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tạo sự liên kết chặt chẽ trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ để tập hợp sản phẩm với sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp.

UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu các tổ chức nông dân chuẩn bị cơ sở vật chất và đảm bảo đủ vốn đối ứng để thực hiện theo yêu cầu của dự án. Phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT trong quá trình thực hiện dự án và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền nhân rộng trình diễn; quản lý và sử dụng có hiệu quả các máy móc, thiết bị công nghệ cao đã được dự án đầu tư.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te/tien-giang-se-dau-tu-tren-2-332-ty-dong-thuc-hien-du-an-vung-san-xuat-lua-ung-dung-cong-nghe-cao-1259489.html