Tiền Giang sẵn sàng đón cơ hội đầu tư mới

Tiền Giang chú trọng các dự án nuôi trồng, chế biến nông sản, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao...

Các xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Phú Quới (Tiền Giang) chăm sóc vườn rau theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Minh Hưng - TTXVN

Các xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Phú Quới (Tiền Giang) chăm sóc vườn rau theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Minh Hưng - TTXVN

Với mục tiêu sẵn sàng nắm bắt cơ hội mới, tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ.
Ưu tiên dự án hiệu quả đầu tư cao
Nhằm sử dụng nguồn lực đạt hiệu quả cao, tập trung đầu tư có trọng điểm, phù hợp lợi thế so sánh của từng tiểu vùng; đồng thời tạo sự liên kết với Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang đã có Nghị quyết về Phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, vùng phía Đông gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây là vùng có tiềm năng lớn về kinh tế biển và phát triển các loại hình công nghiệp đóng tàu, cảng biển, vận tải biển, chế biến thủy hải sản, du lịch và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Vùng phía Tây gồm thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và huyện Tân Phước có thế mạnh về sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt là vùng trồng cây ăn quả gắn liền với sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản và các dịch vụ phục vụ dọc theo trục kinh tế Quốc lộ 1, phát triển du lịch.

Vùng động lực trung tâm gồm thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập, hợp tác kinh tế với vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cơ sở định hướng phát triển đó, để tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Phạm Anh Tuấn cho biết tỉnh đang tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các dự án công nghiệp có hàm lượng tri thức cao và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tạo sự đồng bộ trong phát triển công nghiệp. Tỉnh ưu tiên lựa chọn dự án có hiệu quả đầu tư cao, phù hợp lợi thế địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tiên tiến.
Cụ thể, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tiếp theo, Tiền Giang tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao, quy mô lớn, công nghệ hiện đại, ít thâm dụng lao động; chú trọng các dự án nuôi trồng, chế biến nông sản, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại huyện Tân Phước, Châu Thành, Tân Phú Đông.
Mời gọi đầu tư lĩnh vực du lịch khai thác tiềm năng du lịch sông nước tại huyện Cái Bè, du lịch biển tại Gò Công Đông và Tân Phú Đông, du lịch sinh thái kết hợp tâm linh tại huyện Tân Phước; hạ tầng khu công nghiệp tại huyện Tân Phước và Gò Công Đông; mời gọi đầu tư lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại thành phố Mỹ Tho; lĩnh vực logistics tại huyện Gò Công Đông.
Ông Nguyễn Đình Thông, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho hay, trong cả năm 2020, Tiền Giang đặt mục tiêu thu hút 30 dự án đầu tư vào 3 vùng kinh tế - đô thị trọng điểm của tỉnh với tổng vốn đầu tư thu hút gần 11.170 tỷ đồng.

Ngoài ra, địa phương tập trung đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành một số dự án trọng điểm, phấn đấu đưa vào hoạt động ngay trong năm 2020 nhằm phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, đời sống, tạo thêm dấu ấn thu hút đầu tư nhiệm kỳ 2016 - 2020 ở cả ba vùng kinh tế - đô thị trọng điểm của địa phương.

Vợ chồng chị Võ Thị Mỹ Hạnh ở xã Yên Luông (Gò Công Tây, Tiền Giang) chăm sóc vườn dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Minh Hưng - TTXVN

Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, từ nay đến cuối năm Tiền Giang tiếp tục tập trung thực Kế hoạch hành động số 02/KH-UBND ngày 2/1/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; tập trung xem xét, cấp quyết định chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đã có nhà đầu tư quan tâm; đồng thời, đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm để sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả xúc tiến đầu tư trong phát triển kinh tế, xã hội.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng và phát hành các tài liệu xúc tiến đầu tư cung cấp kịp thời cho các nhà đầu tư có nhu cầu, nâng chất công tác hỗ trợ nhà đầu tư lập dự án đầu tư, thực hiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường... để sớm triển khai dự án sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời, việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm được tỉnh Tiền Giang chú trọng thực hiện; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo đột phá thu hút đầu tư vào tỉnh trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế- xã hội, thu hút đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Cùng với việc thu hút đầu tư, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh còn đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư công góp phần tạo tổng lực cho những bứt phá trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Tiền Giang thuộc nhóm các tỉnh thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 77%, cao thứ hai so với các tỉnh thành cả nước. Tỉnh phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công vào cuối tháng 11 năm nay. Năm 2020, nguồn vốn đầu tư công của Tiền Giang là hơn 5.715 tỷ đồng, tăng 37,4% so với năm 2019.
Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho rằng, Tiền Giang đã có các vùng trồng cây ăn trái tập trung, giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào. Đây chính là những lợi thế để nhà đầu tư như Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao quan tâm, đến khảo sát.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng cam kết tạo thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả; đảm bảo nhu cầu về điện, nước, kết nối giao thông cho doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, đồng thời, quy hoạch vùng trồng đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy.
Vì vậy, trong thời gian tới DOVECO có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản, đóng gói quả tươi xuất khầu và nhà máy chế biến rau quả tại xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang với công suất thiết kế dự kiến khoảng 200.000 tấn quả tươi xuất khẩu, 150.000 tấn sản phẩm chế biến./.

Thanh Trà - Minh Trí - Minh Hưng - Hữu Chí/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tien-giang-san-sang-don-co-hoi-dau-tu-moi/164902.html