Tiền Giang chủ động phòng, chống hạn, mặn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, là địa phương tiếp giáp với biển, chính vì vậy tình trạng mặn đã xâm nhập ở 3 hướng, đó là theo sông Vàm Cỏ Tây vào các huyện Tân Phước và Châu Thành, theo sông Tiền và sông Hàm Luông…

Mùa khô hạn năm nay, diễn biến mặn ở Tiền Giang có chiều hướng phức tạp hơn, độ mặn tăng cao đột biến, xâm nhập sớm hơn so cùng kỳ năm 2016 khoảng 1 tháng, lấn sâu vào nội đồng và luôn duy trì ở mức cao, vượt qua đỉnh mặn lịch sử năm 2016 và ảnh hưởng đến tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh.Trên cơ sở kinh nghiệm phòng, chống hạn, mặn của năm 2016, tỉnh Tiền Giang đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường lấy gạn nước ngọt qua cống Xuân Hòa để trữ nước trên các kênh trục, xây dựng và vận hành 9 trạm bơm điện để hạ thấp mực nước trên các kênh trục nhằm gia tăng lượng nước lấy qua công trình đầu mối cống Xuân Hòa, thực hiện nạo vét khai thông dòng chảy các tuyến kênh bị bồi lắng.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức 415 điểm bơm chuyền, thực hiện phân vùng để điều tiết nước tưới cho cây trồng, nhất là cây lúa vụ đông xuân.Nhờ có những giải pháp này nên chỉ có hơn 2.200 ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng năng suất do xuống giống sau lịch thời vụ trong hơn 24.447 ha xuống giống toàn vùng. Kết quả này được xem là thành công đối với vụ đông xuân năm 2019 -2020 khu vực phía Đông.

Nông dân Tiền Giang đào kênh trữ nước ngọt bảo vệ cây ăn trái.

(Ảnh: K.V)

Với hơn 36 nghìn ha cây ăn trái ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1A của tỉnh này gặp khó khăn về nước tưới, từ ngày 11/3, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành phương án 64 về vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng và phục vụ sản xuất các cây ăn trái khác ở các địa phương phía Tây tỉnh Tiền Giang.

Thực hiện phương án này, Tiền Giang đã tổ chức 37 điểm cấp nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng và phục vụ sản xuất các cây ăn trái khác ở các huyện phía Tây; các địa phương đã tiếp nhận trên 100 nghìn m3 nước ngọt, và đã phân phối trên 80 nghìn m3 cho hơn 12 nghìn hộ dân.Do chủ động có kịch bản ứng phó, ngay từ khi mặn chưa xuất hiện, tỉnh Tiền Giang đã có văn bản xin Bộ Giao thông Vận tải chủ trương đắp đập giữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Do đắp đập trên kênh Nguyễn Tấn Thành và 9 đập phụ giữ ngọt khác nên Tiền Giang đã cơ bản bảo vệ được nguồn nước ngọt cung cấp cho hơn 800 nghìn dân và cấp nước tưới cho hơn 80 nghìn ha đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Long An.

Ngoài ra, việc đắp đập giữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành còn góp phần bảo vệ nguồn nước ngọt cho nhà máy nước của tỉnh Long An đặt trên kênh Nguyễn Văn Tiếp. Việc tổ chức khoan nhiều giếng cũng đã chủ động cấp nguồn nước và xây dựng trạm bơm cấp nước từ kênh Sáu Ầu - Xoài Hột cho Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức; mở khoảng 100 vòi nước công cộng cấp nước miễn phí cho các hộ dân ở ven biển, ven sông chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung hoặc xây dựng 4 tuyến ống chuyển tải để chuyển nước về khu vực các huyện, thị phía Đông…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết thêm, tỉnh đã xây dựng kịch bản ứng phó cho từng khu vực, từng vùng dự án cụ thể trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã vận hành các trạm bơm và tổ chức bơm chuyền trữ nước trên các kênh nội đồng và vận động nhân dân tích cực bơm trữ tối đa trên ruộng, ao.

Vùng dự án Bảo Định, tỉnh đã kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn, đắp các đập, các cống; vùng kiểm soát lũ, ngành chuyên môn kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, mặn trên sông Tiền, sông Năm Thôn và phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh để kịp thời cảnh báo cho người dân trong công tác phòng, chống…Nhờ các giải pháp chủ động trên, có thể thấy, Tiền Giang đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, những khó khăn về hạn, mặn gay gắt của năm 2020 từng bước được khắc phục…/..

K.V

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/tien-giang-chu-dong-phong-chong-han-man-554632.html