Tiền Giang: Cán bộ bị bà bán trứng vịt 'bóc mẽ' sai phạm

Từng được Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ trao bằng cử nhân Luật ở tuổi 55, nhưng bà Phan Thị Kim Hoa (SN 1960), ngụ xã Thạnh Nhựt, H.Gò Công Tây (Tiền Giang) là người không mấy may mắn. Quanh năm gắn bó với nghề nuôi vịt, ngồi chợ bán trứng... Và cũng từ nghề này, gia đình bà lại vướng vào một vụ kiện, rồi bị ép đến tận cùng…

Bà Hoa bên 1 trong 2 thửa đất bị kê biên để thi hành án bản án oan sai - Ảnh: Thanh Huy

Khổ sở vì vụ kiện đòi nợ tiền thức ăn và lãi khủng

Nhận bằng cử nhân Luật cũng là lúc vợ chồng bà Hoa bị tòa xử ép, buộc phải trả một khoản nợ lớn trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi. Nguyên đơn là ông Huỳnh Thụy Minh Tâm, chủ đại lý thức ăn tại xã Hòa Định, H.Chợ Gạo (Tiền Giang).

Ông Tâm, bà Hoa có thời gian làm ăn với nhau khoảng 11 năm. Lúc đầu ông hứa sẽ giao thức ăn giá sỉ để bà Hoa vừa nuôi vịt đẻ, vừa làm đại lý bán lại cho người nuôi tại địa phương. Dịch cúm gia cầm lan rộng, người nuôi lỗ nặng không trả nợ cho bà, dẫn đến bà bị lún nợ đối với ông chủ đại lý.

Bị kiện, ngồi kiểm lại sổ sách bà Hoa mới tá hỏa, những năm qua ông Tâm đã âm thầm ghi nợ bằng giá bán lẻ (thay vì giá sỉ như đã cam kết). Ông này còn tính khoản lãi nhập vốn hàng tháng, do vậy số tiền lãi cứ thế phát sinh cao ngất. Qua tìm hiểu nhiều người từng làm đại lý cho ông Tâm, bà Hoa được biết họ cũng lâm cảnh nợ nần tương tự vì cách tính gian manh này.

Theo tính toán của bà Hoa: “Ông Tâm kiện đòi khoản nợ 247 triệu đồng (trong đó có 47 triệu tiền lãi). Dù cam kết bán hàng giá sỉ cho tui, nhưng thực tế ông ấy lại ghi nợ bằng giá bán lẻ tới 7.190 bao thức ăn. Chiêu này mỗi bao thức ăn bán cho tui ông Tâm lấy lãi chênh lệch khoảng 30.000 đồng”.

Qua đối chất ông Tâm xác nhận vợ ông có... cộng sai và có chuyện người làm công của ông ém tiền bà Hoa trả dần, nên tự nguyện bớt 7 triệu đồng. Cả hai cấp tòa, bà Hoa yêu cầu ông Tâm phải tính lại giá sỉ của 7.190 bao thức ăn. “Bởi trong giao dịch mua bán chủ đại lý đã có lãi rồi, thì không thể nào chấp nhận tính thêm khoản lãi số tiền còn nợ, nhập với vốn gốc hàng tháng theo cấp số nhân”, bà Hoa nói.

Bà Hoa quyết tâm kháng nghị bản án oan sai và tố cáo những sai phạm của lãnh đạo Chi cục THADS và chấp hành viên - Ảnh: Thanh Huy

Cũng theo bà Hoa: “Thẩm phán Bùi Anh Tuấn, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử rất qua loa, chỉ vỏn vẹn trong 30 phút rồi tuyên án giữ y nội dung bản án sơ thẩm, buộc tui phải trả cho ông Tâm số tiền nợ nêu trên. Ông Tâm “ém”, nói đã hủy hết sổ gốc của nhiều năm trước, chỉ cung cấp bản photo những trang cuối của sổ nợ... Chứng cứ sơ xài như vậy, nhưng tòa vẫn xử cho ông ấy thắng kiện, lạ thật!”.

Cơ quan thực thi pháp luật cố tình làm sai luật

Tỏ ra rất quyết liệt để thi hành án cho ông Tâm, từ chấp hành viên đến Chi cục trưởng, đều cố ý làm sai trái một cách bất thường. Cụ thể, ông Nguyễn Thành Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) H.Gò Công Tây đã bút ký cùng lúc hai quyết định: thi hành án theo yêu cầu và thi hành án chủ động (ký cùng ngày 17.3.2016), là trái với quy định (sau 10 ngày).

Theo Khoản 2, Điều 39 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật THADS năm 2014: “Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản…” Trong khi đó quyết định thi hành án theo yêu cầu nêu trên được tống đạt cho người phải thi hành án sau ngày ký tới 43 ngày. Riêng quyết định thi hành án chủ động tống đạt sau 635 ngày kể từ ngày ký! Liệu hai quyết định trên có còn hiệu lực?

Hai quyết định: THA theo yêu cầu và THA chủ động, được nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện ký cùng một ngày (ngày 17.3.2016), nhưng tống đạt sau 43 ngày và sau 635 ngày kể từ ngày ký - Ảnh: Thanh Huy

Chấp hành viên Nguyễn Tấn Danh, thì khi kê biên hai thửa đất của bà Hoa để thi hành án, không tuân thủ việc thu thập chữ ký của các hộ tứ cận. Ông này đã tự tiện nhờ Trưởng ấp ký giáp ranh thay dân, để hoàn tất hồ sơ một cách lấp liếm.

Bị tố cáo, ông Danh chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm tại cơ quan. Ông Chương và ông Danh đều không bị xem xét kỷ luật về những việc làm trái của mình. Hiện cả hai đã được luân chuyển công tác sang huyện khác.

Tiếp nhận đơn tố cáo của bà Hoa, Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ đạo Cục trưởng Cục thi THADS tỉnh Tiền Giang phải giải quyết theo thẩm quyền. Thế nhưng ông Đỗ Chung Thủy, Cục phó Cục THADS tỉnh Tiền Giang lại báo cáo về Thanh tra Bộ, cho rằng tố cáo của bà Hoa là không có cơ sở!

Chấp hành viên Đặng Văn Lợi (người thay ông Danh) cũng lại tiếp nối sai phạm trong việc kê biên và bán đấu giá 2 thửa đất của bà Hoa (tổng diện tích trên 5.300 m2 với giá thẩm định rẻ bèo: 501 triệu đồng). Ông Lợi khắc phục việc lấy chữ ký các hộ tứ cận với lô đất bị phát mãi (lần trước ông Danh nhờ Trưởng ấp ký thay) bằng cách thu thập chữ ký mới. Một hộ dân phản ánh lần này ông không được mời ký tên vào giấy mới, nhưng không hiểu tại sao lại xuất hiện chữ ký của mình?

Trường hợp bà Đ.T.V., do đã chuyển đổi quyền sử dụng đất cho con gái lấy chồng tại TP.HCM, nên bà không chịu ký thay. Bà rất bức xúc trước việc cơ quan chức năng huyện, cho loa truyền thanh địa phương nêu tên bà ra rả mỗi ngày về chuyện gia đình bà không ký giáp ranh. Động tác cuối cùng, Chi cục cho xe đến địa phương, áp lực bà V. phải lên xe cùng cán bộ THA đến TP.HCM, tìm cho được con gái của bà để ký giáp ranh.

Mới đây Chi cục trưởng mới được điều động đến công tác tại Chi cục THADS H.Gò Công Tây, đã có văn bản vô tình nhìn nhận những sai phạm trước đó của các cá nhân trên.

Việc Chi cục THADS ký hợp đồng với với Công ty TNHH Bán đấu giá Tây Nam (chi nhánh tại TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cũng có dấu hiệu gian dối. Cho rằng lần đấu giá đầu tiên (cuối tháng 12.2017) - nhưng thực tế lần đấu giá này không hề niêm yết công khai và không thông báo rộng rãi tại địa phương theo quy định, vậy mà Chi cục THADS huyện đã vịn vào đó, ra thông báo giảm giá trị tài sản xuống 10%, vì không có người tham gia đấu giá. Như vậy 2 thửa đất của bà Hoa bị bán đấu giá lần 2, giảm chỉ còn 450 triệu đồng!

Dư luận tại xã Thạnh Nhựt đặt câu hỏi: “Vì động cơ gì mà những cán bộ THA am hiểu pháp luật cố ý làm trái đủ mọi kiểu, rồi lại bao che nhau như vậy?”. Thông tin từ bà Hoa, dù liên tục vi phạm pháp luật bị tố cáo, nhưng cơ quan THADS H.Gò Công Tây vẫn thông báo sẽ tiến hành bán đấu giá lần 2, hai thửa đất trên vào ngày 30.10. Hiện bà đang gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng Trung ương.

Gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan tố tụng Trung ương, mới đây bà Hoa được hồi đáp từ Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM. Theo thông báo số 543/TB-VKS-DS, Viện KSND cấp cao đã yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang chuyển hồ sơ vụ án trên để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. TAND tỉnh Tiền Giang đã có công văn hồi đáp với nội dung: “TAND tỉnh đã chuyển hồ sơ vụ án cho TAND cấp cao, nhưng cơ quan này chưa hoàn trả”.

Thanh Huy

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/tien-giang-can-bo-bi-ba-ban-trung-vit-boc-me-sai-pham-99856.html