Tiền Giang - Bến Tre ứng phó xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt

Tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang tăng cường các biện pháp chủ động ứng phó nhằm giảm thiệt hại do khan hiếm nguồn nước ngọt và hạn mặn.

Hiện nay, qua đo đạc, lấy mẫu nước trên sông Tiền của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang cho thấy, mực nước tại đầu nguồn sông Tiền thấp hơn cùng kỳ năm trước 0,96m. Trong đó, tại TP. Mỹ Tho thấp hơn cùng kỳ năm trước là 0,32 mét. Đáng lưu ý là khu vực sông Tiền cách biển 20km vào thời điểm này độ mặn của năm ngoái là 0‰ nhưng hiện nay độ mặn trên 2‰.

Hồ nước ngọt đầu tiên của Bến Tre có sức chứa gần 1 triệu m3

Hồ nước ngọt đầu tiên của Bến Tre có sức chứa gần 1 triệu m3

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, từ cuối tháng 11/2019, độ mặn 4‰ xâm nhập vào đất liền cách các cửa sông chính từ 28 - 30 km. Độ mặn 4‰ sẽ tiếp tục lấn sâu vào đất liền tăng dần lên từ cuối tháng 12/2019, kéo dài đến tháng 5/2020. Trong đó, độ mặn xâm nhập sâu nhất sẽ xuất hiện trong các ngày đầu tháng 3/2020 với khoảng cách 50 - 56km.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, mới đây, tỉnh đã đưa vào sử dụng dự án Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri. Đây là hồ chứa nước ngọt đầu tiên của tỉnh Bến Tre, tổng vốn đầu tư khoảng 86 tỷ đồng, có sức chứa gần 1 triệu m3 nước ngọt thô, phục vụ sinh hoạt cho hơn 200.000 người dân vùng ven biển.

Bên cạnh đó, Bến Tre cũng vừa thống nhất chủ trương triển khai thực hiện dự án Khôi phục và nâng cấp sông Ba Lai với tổng phí đầu tư trên 800 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa, tổng khối lượng nạo vét gần 19,2 triệu m3. Việc nạo vét sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, có nguồn nước ngọt và trữ ngọt theo yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Tiền Giang đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng đang gấp rút triển khai thực hiện, để sớm hoàn thành các dự án thủy lợi trọng điểm tại địa bàn tỉnh như: Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre; 2 dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre, giai đoạn 1; dự án Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng…

Còn tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, trước tình trạng sạt lở gia tăng, tỉnh Tiền Giang đã tranh thủ mọi nguồn lực để gia cố đê biển Gò Công, đê biển Tân Phú Đông. Trong đó, việc bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển Gò Công đồng nghĩa với việc bảo vệ, ổn định sản xuất cho khoảng 35.000ha đất nông nghiệp và 600.000 người dân khu vực dự án ngọt hóa Gò Công. Riêng vùng đê biển Tân Phú Đông sẽ bảo vệ sản xuất cho hơn 20.000ha đất nông nghiệp và khoảng 46.000 người dân trước biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, tỉnh Tiền Giang vừa mới đầu tư 24 công trình thủy lợi nội đồng ở huyện Gò Công Ðông, phục vụ gần 2.500ha lúa và hoa màu trong mùa khô. Nếu xảy ra hạn mặn gay gắt, địa phương sẵn sàng cho đắp 51 đập ngăn mặn ở đầu kênh trên địa bàn 8 xã ven đê, bảo vệ 4.398ha lúa và hoa màu. Ngoài ra, địa phương đã lên phương án triển khai 195 điểm bơm chuyền hai cấp để cứu lúa ở những khu vực canh tác xa kênh chính.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/tien-giang-ben-tre-ung-pho-xam-nhap-man-va-thieu-nuoc-ngot-1274376.html