Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chậm

Theo số liệu thống kê mới đây của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) 6 tháng đầu năm mới đạt 32,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cả mức thực hiện cùng kỳ năm 2018 (đạt 33,9%).

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm mới đạt 32,4% dự toán (Ảnh TL)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã định kỳ báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Bộ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong 6 tháng cuối năm.

Đồng thời Bộ này cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới.

Riêng đối với TP. Hà Nội, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn thành phố được đánh giá là chậm, nhất là ở cấp thành phố. Theo đó, tính đến thời gian thống kê gần đây, 5 tháng, toàn thành phố mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng khoảng 31% (đạt 32,2% kế hoạch giao đầu năm).

Cũng theo đánh giá, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ có một số ít đơn vị phấn đấu được kết quả giải ngân khá, còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung. Hiện nay còn 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (giải ngân 0%), như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên... Với giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp TP, các đơn vị có kết quả giải ngân được coi là khá như quận Hà Đông (89%), huyện Đan Phượng (51%), huyện Quốc Oai (49%), huyện Thanh Oai (45%).

Qua giám sát, làm việc tại một số địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân vốn đầu tư trong đó có vốn XDCB nhưng chủ yếu là vướng mắc về tổ chức thực hiện phân bổ, giao vốn chậm, giải phóng mặt bằng kéo dài, năng lực thi công của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu...

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, tình hình giải ngân các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ODA và nguồn vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho địa phương bị chậm có nguyên nhân từ việc phân bổ và giao vốn chậm từ Trung ương. Do vậy, Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện việc phân bổ chi tiết các nguồn vốn trên nhằm bảo đảm thời gian triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn này trong năm.

Song Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-xay-dung-co-ban-van-con-cham-post65060.html