Tiền điện nhiều tháng giống nhau: Tính sao để khách không thiệt?

Theo chuyên gia, đây là sai sót của nhân viên ghi điện nên công ty điện lực phải chịu số tiền thiệt hại, không để cho khách hàng chịu thiệt.

Thời gian qua, một số khách hàng phản ánh hóa đơn tiền điện họ phải trả trong nhiều tháng giống hệt nhau, dẫn đến nghi ngờ về sự chính xác, có hay không chuyện nhân viên chốt công tơ hàng tháng, tự phiên số...

Lý giải hiện tượng này, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, có thể do nhân viên không gặp được khách hàng nên ghi chỉ số như vậy để tạm tính và điều này là được phép.

"Sau khi gặp được khách hàng, họ sẽ tiến hành kiểm tra để xem xét có phải truy thu hoặc thoái hoàn các trường hợp đó không", đại diện EVN nói.

Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia ngành điện cho biết, việc áng chừng hay tạm tính chỉ số điện tiêu thụ sẽ không chính xác số điện dùng thực tế của hộ gia đình.

Ngành điện lực cho biết, nhiều trường hợp khách hàng ở vùng sâu vùng xa dùng dưới 15kWh thì nhân viên ghi được được phép 3 tháng tới ghi chỉ số một lần để tiết kiệm chi phí đi lại của cán bộ nhân viên. Với các khu vực khác là 2 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, có trường hợp như ở Tiền Giang, hóa đơn lại giống nhau tới 6 lần; còn ở Ninh Bình cũng có trường hợp ghi chỉ số 3 tháng liên tiếp giống nhau. Điều đó cho thấy có sai sót của "nhà đèn" trong quá trình ghi chỉ số tiêu thụ điện.

Dù lãnh đạo EVN khẳng định sẽ kiểm tra lại để xem xét có phải truy thu hay thoái hoàn các trường hợp có hóa đơn tiền điện giống hệt nhau trong nhiều tháng, tuy nhiên, điều khiến người dân băn khoăn là tiền điện trong các tháng đó sẽ được tính lại như thế nào? Làm sao để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng khi giá bán lẻ điện sinh hoạt được xây dựng theo bậc thang chia làm 6 bậc, tính theo lũy tiến?

Hóa đơn tiền điện nhiều tháng giống hệt nhau của một khách hàng tại Tiền Giang. Ảnh: NLĐ.

Hóa đơn tiền điện nhiều tháng giống hệt nhau của một khách hàng tại Tiền Giang. Ảnh: NLĐ.

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện và TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện-Điện tử (thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội) cùng cho biết, trong trường hợp khách hàng sử dụng công tơ điện tử thì khó xảy ra trường hợp trên, bởi với loại công tơ này, nhân viên ghi điện có thể không cần đến hiện trường vẫn có thể biết được lượng điện năng tiêu thụ của khách.

Theo đó, công tơ điện tử có tích hợp chức năng đọc chỉ số công tơ từ xa bằng sóng vô tuyến, màn hình hiển thị bằng LCD và kỹ thuật đo đếm hiện đại, có độ chính xác cao, chống gian lận, đồng thời còn có khả năng cảnh báo ngược pha. Công tơ có thể tính hợp thêm tính năng đọc chỉ số từ xa qua sóng vô tuyến RF bằng máy tính cầm tay (Handheld Unit).

Cho nên, các ý kiến khẳng định, các trường hợp nhận hóa đơn tiền điện giống nhau nhiều tháng liên tiếp sử dụng công tơ cơ.

"Theo thống kê của ngành điện, hiện trên 50% khách hàng sử dụng công tơ điện tử và phấn đấu đến năm 2025 hoàn toàn là công tơ điện tử. Công tơ điện tử không cần người nào phải trèo lên cột điện để đọc chỉ số công tơ mà các dữ liệu sẽ được truyền về máy tính của trung tâm dịch vụ và lưu trữ chính xác. Có thể biết chính xác hàng ngày, hàng tháng... khách hàng sử dụng bao nhiêu kWh nên hoàn toàn có thể đối chiếu lại được.

Ngược lại, nếu khách hàng sử dụng công tơ cơ thì không thể biết được những tháng trước đó khách hàng đã sử dụng chính xác bao nhiêu kWh vì công tơ cứ quay lũy tiến và không lưu lại như công tơ điện tử", PGS.TS Lê Văn Doanh giải thích.

Bởi đặc điểm của công tơ cơ như vậy nên theo TS Trần Văn Thịnh sẽ xảy ra hai trường hợp:

Thứ nhất, nếu nhân viên ghi điện tạm tính chỉ số điện tiêu thụ của khách hàng theo kiểu: một, hai tháng đầu dùng ít, các tháng còn lại dùng nhiều thì vẫn chừng ấy số điện, khách hàng phải trả nhiều tiền hơn do nguyên tắc giá điện bậc thang 6 bậc, tính lũy tiến, tháng nhiều dùng nhiều điện hơn thì phải chịu lũy tiến cao hơn.

Thứ hai, nếu nhân viên ghi điện tạm tính chỉ số điện tiêu thụ của khách hàng các tháng đều bằng nhau thì khách hàng có thể được lợi hơn.

"Do đây là lỗi của nhân viên ghi điện nên cần phải bảo vệ quyền lợi cho khách hàng bằng cách tính chia đều cho các tháng. Đây là cách tính đơn giản nhất và đảm bảo khách hàng không bị thiệt. Trường hợp số tiền ít hơn con số điện lực đã tính cho khách hàng thì khách hàng nộp thêm, còn bị tính nhiều hơn thì điện lực phải trả lại khách", TS Trần Văn Thịnh cho biết.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Doanh cho rằng, bởi đây là lỗi cẩu thả của ngành điện nên đương nhiên ngành điện không thể đi "cãi nhau" với khách hàng mà phải nhận lỗi và phải tính toán để khách hàng không bị thiệt.

"Trong bất kỳ dịch vụ nào mà để khách hàng phải phàn nàn đó là lỗi của công ty điện lực. Đích thân lãnh đạo công ty/chi nhánh điện lực phải đứng ra xin lỗi khách hàng và nhân viên ghi điện sai sót phải bị xử lý, mất thi đua", ông Doanh nhấn mạnh.

Để đảm bảo quy trình kinh doanh minh bạch, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN có quy định một cán bộ nhân viên chỉ được ghi chỉ số liên tiếp trong 6 tháng, sau đó luân chuyển sang tuyến khác, không có việc làm quen với địa bàn nhằm đảm bảo công bằng trong ghi chỉ số.

Với việc sai sót trong ghi chỉ số, cập nhật cơ sở dữ liệu, phát hành thông báo, lập hóa đơn… tức là sai quy trình kinh doanh, ông Lâm khẳng định sẽ tiếp tục nâng cao hiện đại hóa hệ thống điện và xử lý hành chính để nâng cao trách nhiệm công vụ công nhân viên, quản lý trên cơ sở cài đặt giám sát chỉ số.

Quá trình lập hóa đơn nếu vẫn phát hiện các trường hợp tăng trưởng đột biến thì phải kiểm tra, phúc tra lại lần 2. Hợp lý mới lập hóa đơn thông báo cho khách hàng.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/tien-dien-nhieu-thang-giong-nhau-tinh-sao-de-khach-khong-thiet-3409696/