Tiền đâu đầu tư cho ngành điện?

Trao đổi với ĐTTC, ông TRẦN VIẾT NGÃI (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho biết tình trạng thiếu điện trong trung và dài hạn của Việt Nam sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành điện hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức và những điểm nghẽn của ngành chưa được tháo gỡ.

Thiếu điện trầm trọng từ 2020

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, mới đây Bộ Công Thương đã cảnh báo việc thiếu điện trong 1-2 năm tới. Thực trạng này của ngành điện sẽ ảnh hưởng ra sao đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế?

Ông TRẦN VIẾT NGÃI: - Theo Bộ Công Thương, đến năm 2020, sản lượng điện thương phẩm của phương án cơ sở 235 tỷ kWh và phương án cao 245 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm trong giai đoạn 2016-2020 của các phương án tương ứng 10,34%/năm và 11,26%/năm. Riêng giai đoạn 2019-2020, các nhà máy điện được đưa vào vận hành khoảng 6.900MW, trong đó nhiệt điện than 2.488MW, thủy điện 592MW, năng lượng tái tạo khoảng 3.800MW. Toàn bộ hệ thống này có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc.

Tuy nhiên, do nguồn nhiệt điện chạy dầu phải huy động với sản lượng tương ứng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020. Do đó, nên từ năm 2020 sẽ thiếu điện, trong đó miền Nam được cho sẽ thiếu điện trầm trọng, khi mức thiếu hụt được dự báo tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn phát triển kinh tế, bởi chính thiếu điện có thể là nguyên nhân kéo lùi tốc độ tăng trưởng. Tình hình này đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ, với sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Chính phủ, là cơ quan có thẩm quyền quyết định về các giải pháp tháo gỡ.

- Ông có thể nói rõ hơn những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu điện?

- Thực ra tình trạng thiếu điện trong ngắn và trung hạn đã được giới chuyên gia và những người làm trong ngành điện nhìn ra, cho thấy sự thiếu quan tâm đúng mức từ các cấp về vấn đề này. Hay nói cách khác, sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành, đặc biệt là cấp cao nhất đối với lĩnh vực đầu tư cho ngành điện chưa thực sự sát sao, chặt chẽ. Ngoài ra, những bất cập trong cập nhật thông tin để xem thực trạng ngành điện hiện nay ra sao, năng lực, tiềm năng như thế nào, các dự án đã và sắp triển khai vướng mắc ra sao… đã khiến việc tháo gỡ vướng mắc cho ngành điện hiện nay vẫn còn rất hạn chế.

Theo tổng sơ đồ ngành điện đã điều chỉnh, đến năm 2030 cả nước cần khoảng 130.000MW, tức mỗi năm cần bổ sung khoảng 7.000MW, đồng nghĩa cần khoảng 12-13 tỷ USD để đầu tư phát triển các dự án nhà máy phát điện mới. Đây là thách thức lớn nhất đối với ngành điện hiện nay. Nên giải pháp đầu tiên là tập trung giải quyết được vấn đề nguồn vốn.

Từ nay đến năm 2030 ngành điện cần khoảng 130 tỷ USD để phát triển nguồn điện.

Hiện tại đầu tư lớn nhất cho ngành điện vẫn là 3 tập đoàn Điện lực, Dầu khí và Than - Khoáng sản. Song 3 tập đoàn này đều thiếu vốn để đầu tư. Sự thiếu vốn này một phần do ngân sách nhà nước không có hoặc do đang tập trung chi cho phát triển những ngành khác như GTVT, nông nghiệp… còn năng lượng hầu như chi ngân sách không đáng kể. Thêm vào đó, việc huy động vốn từ các nguồn của 3 đơn vị này gần như không thể thực hiện được do gặp nhiều vướng mắc.

- Có ý kiến cho rằng nhiệt điện than là giải pháp trong ngắn và trung hạn để bù đắp cho sự thiếu hụt điện. Quan điểm của ông thế nào?

- Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW. Dự kiến, đến năm 2030 sẽ tăng lên 65 nhà máy. Các nhà máy nhiệt điện hiện nay đều đầu tư theo công nghệ hiện đại và siêu thời hạn, nên lò đốt rất tốt, lượng khí thải và khói bụi thải ra không đáng kể.

Các khí độc hại như CO2, SO2 cơ bản đều được xử lý. Dự kiến sẽ đạt khoảng 30.000MW điện than, theo tôi đây là con số chưa phải là nhiều. Do đó, tôi cho rằng việc làm nghiêm trọng hóa vấn đề ô nhiễm chưa chính xác. Chúng ta phải nhìn nhận ở góc độ khoa học và kinh tế thực sự, nhất là khi năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, năng lượng tuần hoàn hiện nay còn nhiều hạn chế, sản lượng và công suất không đáng kể, không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Huy động vốn cửa nào cũng tắc
- Vốn đầu tư đang được xem là thách thức lớn nhất cho ngành điện hiện nay, vậy cụ thể là gì thưa ông?

- Khi các tập đoàn, công ty lớn được Nhà nước giao thực hiện các dự án buộc phải vay vốn nước ngoài hoặc từ các ngân hàng trong nước. Nếu vay nước ngoài buộc phải có bảo lãnh từ Chính phủ, trong khi để kiểm soát nợ công, Chính phủ đã tạm ngừng bảo lãnh đối với các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước. Bởi nợ công của Việt Nam đang tiệm cận mức trần 65% GDP theo luật định. Điều này có nghĩa, trong vài năm tới dư địa tài khóa cho vay trực tiếp Chính phủ hoặc vay có bảo lãnh Chính phủ được tính vào giới hạn nợ công sẽ rất hạn chế, trong đó có cả lĩnh vực đầu tư cho ngành điện.

Năm ngoái, Tập đoàn Điện lực (EVN) được Fitch đánh giá tín nhiệm tích cực, ở mức BB - viễn cảnh ổn định. Về danh nghĩa, chỉ số đánh giá này có thể mang lại cho EVN cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế không cần dựa vào Chính phủ, cũng như giúp nhà đầu tư tư nhân cảm thấy yên tâm hơn về tính bền vững tài chính của EVN khi ký kết các hợp đồng mua bán điện (PPA) dài hạn. Nhưng thực tế điều này vẫn không dễ dàng.

Đối với nguồn vốn huy động trong nước, do quy mô các dự án ngành điện lớn lên đến hàng tỷ USD, nên rất khó để đáp ứng được vốn đầu tư. Bên cạnh đó, theo quy định, hạn mức cho vay của ngân hàng đối với các dự án đầu tư ngành điện không quá 25% tổng vốn đầu tư. Đây chính là “vòng kim cô” đối với ngành điện, đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Ngoài các dự án nhiệt điện than, điện khí, nay đã có cả nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), nhưng các thông tin về các dự án nhà máy điện khí LNG vẫn còn rất mơ hồ.

Thí dụ, Nhà máy điện khí LNG ở Bạc Liêu, vừa qua Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương khi nào triển khai, vận hành và khai thác. Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Chính chúng tôi hoạt động trong ngành điện cũng khó tìm được câu giải thích sao cho thỏa đáng. Bởi nhà đầu tư trình bày vốn điều lệ của họ chỉ có 2USD. Một dự án lớn hàng tỷ USD mà vốn điều lệ chỉ 2USD quả là khó hiểu. Do đó Bộ Công Thương chưa có cơ sở để trình Chính phủ về dự án này.

Bên cạnh đó, dự án điện khí LNG ở Cà Ná do nước ngoài đầu tư hiện cũng chưa rõ ràng. Dù truyền thông nói là nhà đầu tư tiềm năng, nhưng thực tế kinh nghiệm của nhà đầu tư này về điện khí LNG như thế nào, năng lực ra sao, tiềm lực vốn thế nào, vẫn còn rất mơ hồ, chưa có gì cụ thể.

- Những khó khăn của ngành điện có thể san sẻ cho khu vực tư nhân, thí dụ các dự án điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, thưa ông?

- Từ nhiều năm trước, các dự án năng lượng ở Việt Nam có sự tham gia của tư nhân, như nhà máy điện Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3, đường ống khí Nam Côn Sơn và Mông Dương. Tổng cộng 4 dự án này chiếm 6,7 tỷ USD, được thực hiện theo hình thức BOT, tức nước ngoài nắm quyền sở hữu đa số, vay nợ thương mại quốc tế dài hạn và được hưởng lợi từ cam kết và bảo lãnh của Chính phủ để bảo vệ các công ty tham gia tránh rủi ro. Song nhìn chung, sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực đầu tư năng lượng của Việt Nam vẫn còn hạn chế so với các nước khác trong khu vực.

Một trong những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư tư nhân không mặn mà đầu tư do giá bán điện trên thị trường của Việt Nam hiện nay quá thấp, nguy cơ thua lỗ cao. Đã từng có một số nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh vào Việt Nam tìm hiểu về thị trường điện, song họ đều phải bỏ dở vì bỏ ra lượng vốn đầu tư lớn, trong khi đầu ra (giá bán điện) lại quá thấp sẽ lỗ. Hiện chỉ trông chờ vào 2 đơn vị chủ đạo đầu tư cho ngành điện là Tập đoàn Than - Khoáng sản và EVN. Nhưng nếu 2 đơn vị này không được quan tâm để vực dậy trong thời gian tới, việc thiếu điện sẽ rất nghiêm trọng.

Giải pháp nào?

- Để tháo gỡ vướng mắc cho ngành điện cũng như giải quyết vấn đề thiếu điện, theo ông cần những giải pháp gì?

- Thứ nhất, về giải pháp ngắn hạn, cần có ngay kế hoạch giữ nước ở các hồ thủy điện để mùa khô không bị cạn nước, đảm bảo chạy và phát điện đúng công suất. Năm 2019 do hạn hán nhiều, sản lượng điện của các nhà máy thủy điện bị hao hụt lớn, ước tính 10 tỷ kWh. Ngoài ra, phải nhập khẩu khí LNG để kịp thời bổ sung cho các nhà máy điện khí LNG ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Cà Mau.

Các nhà máy này nếu không có nhiên liệu khí bổ sung để vận hành, dự kiến sẽ tụt hàng tỷ kWh mỗi năm. Bên cạnh đó, cần mở rộng các nhà máy thủy điện nhỏ ở Hòa Bình, Trị An… để bổ sung nguồn điện. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về tiết kiệm điện, đổi mới công nghệ sản xuất để tiết kiệm, làm giảm căng thẳng áp lực thiếu điện.

Thứ hai, về dài hạn, sớm tháo gỡ điểm nghẽn về vốn để ngành điện có thể huy động được vốn đầu tư. Đơn cử, các ngân hàng thương mại hiện bị kìm hãm bởi giới hạn trần đối với khách hàng vay, đây sẽ là trở ngại đối với các dự án năng lượng lớn. Điều này có thể giải quyết thông qua các quỹ chia sẻ rủi ro. Các quỹ này giúp thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thông qua chia sẻ các rủi ro liên quan tới cho vay vào lĩnh vực năng lượng, nhờ đó giảm bớt rủi ro liên quan của ngân hàng.

- Xin cảm ơn ông.

Thiếu điện là nguyên nhân góp phần kéo lùi tốc độ tăng trưởng. Để tháo gỡ điểm nghẽn, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ, với sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Chính phủ.

Lưu Thủy (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tien-dau-dau-tu-cho-nganh-dien-74960.html