Tiền của Trung Quốc 'phủ sóng' toàn cầu như thế nào?

Tiền của Bắc Kinh không phải lúc nào cũng đi cùng những quy tắc thông thường, và cái giá phải trả đôi khi có thể quá đắt, không chỉ với các nước đi vay mà còn với Trung Quốc.

Bảy nhà máy thủy điện làm ra gần một nửa lượng điện tại Campuchia. Trung Quốc đầu tư và xây dựng tất cả số đó.Con đập này, nằm gần bờ biển phía nam Campuchia, cao khoảng 110 mét. Đây là nhà máy thủy điện lớn thứ tư về sản lượng ở đất nước này.

Sri Lanka vay hơn 1 tỷ USD từ Trung Quốc để xây dựng cảng nước sâu chiến lược này, nhưng không thể trả nợ. Cảng hiện do Trung Quốc kiểm soát với hợp đồng thuê 99 năm.

Nam Phi vay của Trung Quốc 1,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy nhiệt điện than này. Đây là một trong ít nhất 63 nhà máy như vậy trên thế giới hình thành với đồng vốn Trung Quốc. Nếu gộp chung lại, chúng gây ra ô nhiễm còn hơn Tây Ban Nha.

Zambia xây dựng sân bóng đá hơn 50.000 chỗ ngồi này với 94 triệu USD của Trung Quốc. Những công trình nói trên nằm trong số hơn 600 dự án trên khắp thế giới mà Trung Quốc hỗ trợ tài chính nhằm thu hút các đồng minh mới và phát triển các thị trường mới.

Trung Quốc tham vọng tạo ra mạng lưới toàn cầu rộng lớn về thương mại, đầu tư và hạ tầng giúp tái định hình các liên kết tài chính và địa chính trị, cũng như kéo phần còn lại của thế giới xích lại gần Bắc Kinh hơn.Tham vọng đó được xem là phiên bản hiện đại của Kế hoạch Marshall, nỗ lực của Mỹ nhằm tái thiết châu Âu sau Thế chiến 2, giúp hình thành nền tảng cho liên minh quân sự và ngoại giao lâu dài. New York Times nói rằng chiến lược của Trung Quốc táo bạo hơn, đắt đỏ hơn và cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn.

Tiền của Trung Quốc không phải lúc nào cũng đi cùng những quy tắc thông thường. Và cái giá phải trả, đối với Trung Quốc cũng như các nước đi vay, đôi khi có thể quá đắt.

Đội ngũ của New York Times đã phân tích gần 600 dự án mà Trung Quốc hỗ trợ tài chính trong một thập kỷ qua, thông qua hàng tỷ đô-la viện trợ, cho vay và đầu tư.

41 đường ống và các công trình dầu khí khác giúp Trung Quốc tiếp cận được những nguồn tài nguyên quý giá.

203 cầu, tuyến đường bộ và đường sắt tạo ra những cách thức mới để Trung Quốc vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới.

199 nhà máy điện - sử dụng năng lượng hạt nhân, khí tự nhiên, than và năng lượng tái tạo - mang lại những thị trường mới cho các công ty xây dựng và cung cấp vật tư thiết bị của Trung Quốc.

112 nước có các dự án sử dụng đồng vốn Trung Quốc. Trong khi phần lớn dự án thuộc chương trình xây dựng hạ tầng đầy tham vọng "Vành đai, Con đường", tiền của Bắc Kinh đã vượt ra khỏi những biên giới này.

Sau nhiều năm rèn giũa kỹ năng xây dựng công trình trong nước, Trung Quốc giờ đây đã triển khai chúng ở nước ngoài, bao gồm một loạt đập thủy điện.

Một số đập thủy điện mà Trung Quốc hỗ trợ tài chính hoặc xây dựng trên khắp thế giới.

Về sản lượng điện đầu ra, nhiều công trình trong số đó đã gần bằng hoặc vượt qua quy mô của công trình thủy điện Hoover nổi tiếng tại Mỹ. (Dữ liệu trong hình dưới đây lấy từ Trung tâm Tình báo Xây dựng và dự án Tài chính Năng lượng Toàn cầu của Trung Quốc tại Đại học Boston, Mỹ).

Những mục tiêu địa chính trị

Trung Quốc cần thêm bạn. Và những cây cầu theo nghĩa đen có thể giúp xây dựng những "cây cầu" theo nghĩa bóng.

Các cảng lớn ở Pakistan, Sri Lanka và Malaysia - ba nước nằm dọc một tuyến dầu mỏ và thương mại lớn từ Trung Đông và châu Phi - một ngày nào đó có thể kiêm cả vai trò căn cứ hậu cần hải quân. (Dữ liệu về hoạt động hàng hải trong hình dưới đây lấy từ Viện Năng lượng thuộc Đại học London (UCL), Anh).

Bắc Kinh đã đổ nhiều tâm sức vào láng giềng của họ, cho các nước này vay tiền để xây dựng đường sá trên quy mô lớn. Pakistan đang hết tiền để trả nợ, một ví dụ cho cái mà các nhà phân tích gọi là "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc. (Dữ liệu trong hình dưới đây lấy từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C., Mỹ).

Những tiêu chuẩn khác nhau

Trung Quốc có cách nhìn khác về những giới hạn trong vấn đề lao động và môi trường. Trong các dự án ở nước ngoài, các công ty Trung Quốc đã đưa hàng nghìn công nhân nước này đến làm việc, dẫn đến những chỉ trích rằng Trung Quốc không giúp tạo công ăn việc làm cho địa phương. Những tiêu chuẩn an toàn cũng không giống nhau.

Và Bắc Kinh tiếp tục xuất khẩu các công nghệ gây ô nhiễm như nhà máy nhiệt điện than, thậm chí ngay cả khi những dự án như vậy đã không còn phổ biến tại Trung Quốc.

Một nhà máy nhiệt điện than công suất 945 MW do Trung Quốc xây dựng gần Sihanoukville, Campuchia.

Những bước đi liều lĩnh

Các chính phủ phương Tây và các công ty đa quốc gia nói chung thường tránh né những nơi bất ổn về chính trị. Bắc Kinh không lưu tâm nhiều đến vậy khi cho những nước như Venezuela, Nigeria và Zimbabwe vay rất nhiều tiền.

Song tiền cho vay của Trung Quốc không phải cho không. Những nước gặp khó khăn về tài chính buộc phải tái đàm phán về khoản vay của họ, khiến họ nợ càng thêm nợ. Đôi khi các dự án bị đình chỉ vô thời hạn.

Ecuador đã chi hơn 1 tỷ USD để giải phóng mặt bằng xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 12 tỷ USD, vay vốn Trung Quốc. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành trong năm 2013 nhưng đã bị đình chỉ.

Địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu Pacific ở Ecuador, dự án đang phải tạm dừng.

Đông Phong (Theo New York Times)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tien-cua-trung-quoc-phu-song-toan-cau-nhu-the-nao-post893379.html