'Tiền của phật tử công đức, tại sao sư Thích Thanh Toàn đòi lấy làm của riêng mình?'

'Đây là tiền công đức của các phật tử nhưng vị này lại lấy làm của riêng… đó là tham sân si. Đạo đức nhà phật không chấp nhận việc này. Của dân phải trả cho dân, tiền đó được đưa ra để làm việc tu bổ tôn tạo thắng cảnh, thiền môn phải trả cho thiền môn chứ tại sao lại đòi lấy làm của riêng mình?'

Sư Thích Thanh Toàn và "khối tài sản" trị giá 200- 300 tỷ đồng

Sư Thích Thanh Toàn và "khối tài sản" trị giá 200- 300 tỷ đồng

Sau khi bị tố “gạ tình” một nữ phóng viên, trước áp lực của dư luận, tại cuộc họp chiều 5/10, Đại đức Thích Thanh Toàn (trụ trì chùa Nga Hoàng, Tam Đảo) đã xin xả giới hoàn tục vì "không xứng đáng làm một người đệ tử xuất gia".

Mặc dù đã xin xả giới hoàn tục nhưng sư Toàn lại xin giữ lại tài sản cá nhân gồm đất đai, trang trại để “nuôi các cháu ăn học và làm từ thiện cho bệnh viện”. Vị sư này cho biết, “nếu tính tài sản bây giờ cũng khoảng 200-300 tỷ đồng”.

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, GS Trần Lâm Biền cho rằng, khi còn giữ vai trò là sư trụ trì chùa Nga Hoàng (Chùa Địa Ngục), sư Thích Thanh Toàn không đi buôn, không làm gì… mà chỉ “dựa vào tôn giáo để lấy tiền từ phật tử”.

“Tiền đó không phải để cho sư ăn chơi, nhảy múa. Phật tử muốn đóng góp cúng dường cho nhà phật”, và GS Trần Lâm Biền khẳng định “tiền đấy của nhà phật chứ không phải của sư”.

“Anh lấy đâu ra số tiền đấy, nếu anh nói tiền dân cho riêng, anh nói cụ thể ra, chúng tôi đi hỏi người đấy? Có phải họ cho anh riêng hay họ cho anh để làm việc nhà phật? Nếu của nhà phật thì không thể nói là của anh. Giờ anh xin xả giới, thì số tiền ấy, tài sản ấy anh phải trả lại cho tổ chức khác”, GS Trần Lâm Biền bày tỏ.

GS Trần Lâm Biền

Bình luận về việc sư Toàn cho rằng “xả giới với tài sản đang có khoảng 200- 300 tỷ đồng sẽ thoải mái ăn chơi, có thể lấy được vợ”, GS Trần Lâm Biền bức xúc khẳng định “không được đâu, hãy lao động chứ đừng lấy tiền công đức làm việc đó”.

Đặc biệt, với việc xin lại số tài sản mà theo lời vị sư Toàn lúc chưa xả giới nói trị giá 200- 300 tỷ đồng, GS Trần Lâm Biền cho rằng vị sư này đã vi phạm nghiêm trọng tới đạo đức nhà phật, vi phạm chính sách pháp luật nhà nước.

“Đây là tiền công đức của các phật tử nhưng vị này lại lấy làm của riêng… đó là tham sân si. Đạo đức nhà phật không chấp nhận việc này. Của dân phải trả cho dân, tiền đó được đưa ra để làm việc tu bổ tôn tạo nơi danh lam thắng cảnh, thiền môn, phải trả cho thiền môn chứ tại sao lại đòi lấy làm của riêng mình?”, GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

Còn với quy định của pháp luật, GS Trần Lâm Biền khẳng định, không có chính sách của nhà nước cho phép “tiền công đức thành tiền cá nhân”.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng đặt vấn đề, sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra? Đi vào chùa với hai bàn tay trắng mà hoàn tục lại có tiền, thế thì phải chăng nơi này là nơi kiếm tiền? Sư thầy không buôn bán thì chỉ có tiền của chúng sinh đóng góp cho nhà chùa thông qua sư thầy.

Do đó, sư Toàn có nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc tài sản của mình. Nếu sư Toàn không hề có tài sản thừa kế, không kinh doanh gì trong thời gian tu tập mà có sinh lời, tài sản mua bằng tiền cúng dường, tiền công đức của Phật tử, thì phải chuyển lại cho chùa.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tien-cua-phat-tu-cong-duc-tai-sao-su-thich-thanh-toan-doi-lay-lam-cua-rieng-minh-post315934.info