Tiền của Đà Nẵng đầu tư cho các vùng phụ cận mà du lịch TP sẽ khai thác!

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam: Đà Nẵng muốn phát triển du lịch phải coi các vùng phụ cận cũng là 'của' Đà Nẵng chứ không phải chỉ du lịch Đà Nẵng với Đà Nẵng!

Du lịch Đà Nẵng tham vấn ý kiến các chuyên gia

Sáng 5/12, tại hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2030”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh nêu rõ, du lịch được Nghị quyết 43/NQ-TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị xác định là một trong ba trụ cột chính của Đà Nẵng.

Những năm qua, du lịch phát triển nhanh và mạnh, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân, đóng góp không nhỏ vào ngân sách TP.

Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2030” tổ chức sáng 5/12 (Ảnh: HC)

Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2030” tổ chức sáng 5/12 (Ảnh: HC)

Năm 2019, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 8,69 triệu lượt, tăng 85,7% so với năm 2015; tổng thu du lịch ước đạt 30.973 tỷ đồng, tăng 141,7% so với năm 2015.

Điểm đến Đà Nẵng từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới với nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá, môi trường an ninh an toàn, người dân hiền hòa mến khách, cơ sở hạ tầng hiện đại đồng bộ, cơ sở vật chất dịch vụ du lịch đạt chuẩn quốc tế, sản phẩm du lịch hấp dẫn…

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Chinh, bên cạnh những mặt đạt được, du lịch Đà Nẵng vẫn đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Điển hình như vấn đề cơ sở hạ tầng (sân bay có dấu hiệu quá tải, chưa có cảng biển chuyên phục vụ du lịch; ùn tắc giao thông cục bộ tại một số khu vực…); ít sản phẩm du lịch mới quy mô lớn có sức cạnh tranh.

Hoạt động vui chơi giải trí, đặc biệt là vui chơi giải trí về đêm còn hạn chế; chưa khớp nối quy hoạch du lịch trong quy hoạch chung của TP; nhân lực du lịch chưa đủ để phục vụ du khách; phối hợp giữa các ngành, giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ; chưa có cơ chế chính sách đặc thù thu hút đầu tư phát triển du lịch. Du lịch Đà Nẵng vẫn còn phụ thuộc vào một vài thị trường...

Trong bối cảnh đó, hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030” được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và những người tâm huyết với sự nghiệp phát triển du lịch của TP để cùng tìm ra các giải pháp, định hướng đúng đắn cho phát triển du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn đến.

“Đây cũng là cơ hội để chúng ta trao đổi, thảo luận một cách thẳng thắn, cởi mở về những điểm mạnh và yếu, từ đó tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp hữu hiệu để từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng!” – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nói.

Đà Nẵng có đặt vấn đề phát triển du lịch thông minh hay không?

Với tinh thần đó, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam thẳng thắn cho rằng dự thảo Đề án “Định hướng phát triển du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” do Sở Du lịch Đà Nẵng trình bày tại hội thảo “hơi tiểu tiết” và không đọng lại được những ý tưởng chính yếu, cụ thể.

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: HC)

“Đánh giá hiện trạng có những vấn đề gì thực tế đang đặt ra cho Đà Nẵng? Và tới đây TP sẽ làm những gì? Thực sự là Đề án chưa để lại được ấn tượng. Cái đó rất quan trọng. Có lẽ không cần dài, mà cần xác định rất rõ các điểm thực sự tồn tại của du lịch Đà Nẵng, nguyên nhân của nó nằm ở đâu, và định hướng tới đây làm thế nào để du lịch Đà Nẵng thực sự đáp ứng được yêu cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP!” - PGS.TS Phạm Trung Lương nói.

Theo ông Lương, du lịch Đà Nẵng cần phải xác định rất rõ bối cảnh phát triển sắp tới là gì? Hiện có những bối cảnh mới sẽ tác động rất nhiều đến du lịch Việt Nam nói chung và du lịch các địa phương, đặc biệt là các trung tâm như Đà Nẵng. Chẳng hạn tác động của cách mạng 4.0 đến kinh tế – xã hội nói chung và đặc biệt du lịch là ngành chịu tác động rất mạnh.

“Hiện nay nhiều địa phương đã nghĩ đến đề án du lịch thông minh của địa phương mình rồi, vậy thì Đà Nẵng có đặt ra vấn đề này không? Hay vấn đề phát triển một TP xanh đối với du lịch Đà Nẵng như thế nào cho xứng tầm khu vực và quốc tế? Đề án cần xác định rõ du lịch Đà Nẵng có nhắm tới thực hiện các ý tưởng này không?” – PGS.TS Phạm Trung Lương nói.

Phải coi các vùng phụ cận cũng là “của” Đà Nẵng!

Đặc biệt, theo ông Lương, Đà Nẵng cần bổ sung rõ quan điểm phát triển du lịch gắn với Nghị quyết 43/NQ-TW của Bộ Chính trị, trong đó cần xác định rõ vai trò của Đà Nẵng trong phát triển du lịch miền Trung.

PGS.TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh: “Một quan điểm chiến lược rất quan trọng là Đà Nẵng cần coi các vùng phụ cận cũng là “của” Đà Nẵng, chứ không phải chỉ phát triển du lịch Đà Nẵng với Đà Nẵng!”.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam giải thích thêm, Đà Nẵng muốn phát triển du lịch thì phải thực sự coi các vùng phụ cận cũng là “của” Đà Nẵng theo nghĩa tài nguyên du lịch của vùng phụ cận cũng sử dụng cho phát triển du lịch Đà Nẵng.

Và từ quan điểm này, ngay cả về đầu tư, Đà Nẵng cũng phải có sự phối hợp cùng các địa phương lân cận. “Tiền của Đà Nẵng nhưng đầu tư cho các nơi khác ở vùng phụ cận mà du lịch Đà Nẵng sẽ khai thác!” - PGS.TS Phạm Trung Lương nói.

Cùng với đó, ông khẳng định, vai trò thực sự của du lịch Đà Nẵng không chỉ là “điểm đến”. Theo ông, “du lịch Quảng Nam phải trở thành “điểm đến”, du lịch Huế phải trở thành “điểm đến”…, nhưng du lịch Đà Nẵng có một vai trò lớn hơn nữa, không chỉ là “điểm đến” mà còn là “cửa đến” của miền Trung”. Ông nhấn mạnh, việc xác định rõ vai trò, chức năng này là rất quan trọng.

“Các địa phương khác trong vùng là “điểm đến”, chức năng của họ là làm sao phát triển “điểm đến”, nhưng Đà Nẵng thì có đến 2 chức năng: trước hết là chức năng cửa ngõ của du lịch miền Trung, và thứ hai là chức năng điểm đến như các điểm đến khác. Xác định rõ hai chức năng này thì mới xác định được các sản phẩm, dịch vụ kéo theo phù hợp. Và để rõ hai chức năng này thì phải có chính sách cụ thể!” – PGS.TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tien-cua-da-nang-dau-tu-cho-cac-vung-phu-can-ma-du-lich-tp-se-khai-thac-post323864.info