Tiền công đức tại Yên Tử giao cho ai quản lý thì hiệu quả?

Từng vấp nhiều phản ứng của chư tăng, ni phật tử trên địa bàn, nhưng UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn tiến hành việc quản lý tiền công đức.

UBND tỉnh Quảng Ninh từng ban hành Văn bản số 489/UB - VX1, ngày 23/1/2017 “về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương về tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh”.

Tiếp đến, UBND TP Uông Bí, căn cứ ý kiến chỉ đạo theo Công văn 489/UB-VX1 và Thông báo số 975-TB-TU ngày 10/9/2018, của Thường trực Thành ủy về công tác quản lý tiền công đức tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn TP.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được xây dựng bằng tiền công đức, trị giá trên 100 tỷ đồng

Theo đó, giao cho Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc thu tiền công đức và nộp vào Kho bạc TP; các phòng, ban chức năng của TP chịu trách nhiệm trước UBND TP giám sát việc thu, chi nguồn tiền công đức; sư trụ trì tại Khu Di tích Yên Tử có trách nhiệm phối hợp giám sát việc thu tiền công đức tại các chùa.

Về công tác thu tiền công đức: Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử chịu trách nhiệm toàn diện về quá trình tiếp nhận công đức.

Nguồn thu từ tiền công đức sử dụng chi cho công tác tổ chức lễ hội, đầu tư xây dựng cơ bản, trùng tu tôn tạo, tu bổ di tích…

Hàng tháng, Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử báo cáo tình hình thực hiện việc thu tiền công đức; hàng năm UBND TP chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tổ chức kiểm tra thẩm định, quyết toán, thu chi công đức tại Yên Tử.

Giáo hội đang sử dụng rất hiệu quả tiền công đức

Đại đức Thích Khai Từ, ủy viên thường trực Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, trưởng ban thông tin truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, cho biết tiền công đức là tài sản của Giáo hội và từ lâu Giáo hội sử dụng rất hiệu quả nguồn tiền này.

Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã xây dựng, trùng tu, tôn tạo hàng chục ngôi chùa trong Khu Di tích Yên Tử, xây dựng chùa Đồng, Bảo tượng Phật hoàng, xây dựng cung Trúc Lâm, xây dựng trụ sở làm việc của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh lên tới hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể, hàng năm, tiền công đức còn được Giáo hội phục vụ cho công tác hoằng dương Phật pháp, đào tạo tăng, ni, làm công tác từ thiện xã hội trên địa bàn.

Còn theo quan điểm của đại diện Văn phòng Luật sư tại Hà Nội, UBND TP Uông Bí giao cho Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử quản lý toàn diện hòm công đức là không phù hợp với quy định pháp luật. Bởi, Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên, tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, tiền công đức, tiền giọt dầu tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội và của các cơ sở thờ tự Phật giáo bất khả xâm phạm, không một tổ chức, cá nhân nào có quyền niêm phong hoặc xâm phạm. Điều này cũng phù hợp với các quy định về tài sản, tiếp nhận tài sản, hưởng dụng tài sản và định đoạt tài sản quy định trong Bộ Luật Dân Sự năm 2015 và đúng với khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/tien-cong-duc-tai-yen-tu-giao-cho-ai-quan-ly-thi-hieu-qua-d135642.html