Tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp

'Quy trình chẩn đoán và phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt' do Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Phân viện Thú y miền Trung và các cộng sự thực hiện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp. Quy trình này đã đạt giải nhất tại hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật năm 2018 - 2019.

“Quy trình chẩn đoán và phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt” do Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Phân viện Thú y miền Trung và các cộng sự thực hiện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp. Quy trình này đã đạt giải nhất tại hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật năm 2018 - 2019.

Hiện nay, bệnh sán lá sinh sản trên vịt phân bố khắp các vùng, miền trên cả nước, ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Tại Nam Trung Bộ, tỷ lệ vịt nhiễm sán lá sinh sản chiếm khoảng 30,41% tổng đàn vịt. Tuy nhiên, đến nay, các công trình nghiên cứu về bệnh này còn khá hạn chế, chủ yếu mang tính chất điều tra, chưa có quy trình chẩn đoán, phòng và điều trị mang lại hiệu quả cao.

 Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân đang nghiên cứu quy trình trong thí nghiệm.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân đang nghiên cứu quy trình trong thí nghiệm.

Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân và các cộng sự đã nghiên cứu thành công “Quy trình chẩn đoán và phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt”. Đây là quy trình được tạo ra từ kết quả của đề tài khoa học cấp bộ “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, dịch tễ học bệnh sán lá sinh sản trên vịt tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và đề xuất biện pháp phòng trị” và hiện đã được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi tổng kết trao giải hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao “Quy trình chẩn đoán và phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt”. Đây là sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế cao, các sở, ngành liên quan cần triển khai quy trình rộng rãi cho các hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn tỉnh áp dụng, qua đó góp phần vào phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nhiễm sán lá sinh sản trên vịt tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa khá cao, từ 29 đến 30% tổng số đàn vịt. Vịt nhiễm 2 loài sán lá sinh sản gồm Prosthogonimus cuneatus và sán P.ovatus. Vật chủ trung gian chứa ấu trùng 2 loại sán nói trên là ốc Bithynia siamensis và các loài chuồn chuồn ngô. Nguyên nhân do vịt ăn phải chuồn chuồn hoặc ấu trùng chuồn chuồn ngô chứa nang kén sán. Thời gian từ khi vịt nuốt phải ấu trùng đến khi phát triển thành sán trưởng thành là 19 ngày. Khi mắc bệnh này, vịt có những biểu hiện như: Ăn ít, rụng lông, ủ rũ, đi đứng không thăng bằng, mắt nhắm, hay nằm, niêm mạc màu đỏ. Bệnh ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả chăn nuôi, giảm đẻ hoặc ngừng đẻ, vỏ trứng mỏng, mềm và dễ vỡ, tỷ lệ vịt bị nhiễm sán chết khá cao…

Theo nhóm nghiên cứu, sau khi xác định vịt mắc bệnh sán lá sinh sản, người nuôi cần cách ly vịt ốm ra khỏi bầy và giữ ở một khu vực riêng để điều trị với quy trình sau: Sử dụng thuốc tẩy sán Fenbendazole có liều lượng 16mg/kg thể trọng hoặc thuốc tẩy sán Praziquantel có liều lượng 10mg/kg thể trọng (dùng 2 lần cách nhau 24 giờ); kết hợp sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn Genta-Tylo, ampicillin, amocillin, kanamycin… Song song với quá trình điều trị, người nuôi dùng các loại vitamin, B-complex… để nâng cao sức đề kháng cho vịt. Tiến sĩ Tân khuyến cáo, sau điều trị, người nuôi cần nhốt vịt 3 ngày để chúng thải hết mầm bệnh; thu gom, chôn sâu phân, rác thải cùng hóa chất Cloramin B; phun thuốc Iodine hoặc Cloramin B 1,25% để diệt trứng sán còn lưu lại trên bề mặt nền nơi điều trị. Để phòng bệnh cho vịt, người nuôi cần định kỳ tẩy sán cho vịt bằng thuốc Fenbendazol hoặc praziquantel bằng cách trộn thuốc vào thức ăn.

Hiện nay, quy trình được áp dụng tại một số tỉnh, thành như: Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa. Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: “Đây là quy trình mới, lần đầu ứng dụng tại Khánh Hòa, các bước thực hiện đơn giản, dễ áp dụng, không yêu cầu trang thiết bị hiện đại nhưng có độ chính xác cao. Từ đó, có những biện pháp can thiệp kịp thời, giảm thiểu tỷ lệ vịt bệnh, hạn chế sự phát tán mầm bệnh ra môi trường, nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi”.

KHÁNH HÀ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201909/tien-bo-ky-thuat-moi-trong-nong-nghiep-8129838/