Tiến bộ kỹ thuật bảo quản cá ngừ

Nhờ cải tiến khâu bảo quản, sản phẩm cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định sau mỗi chuyến biển có chất lượng cao hơn, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Đưa cá từ hầm bảo quản lên bong tàu để đưa đi tiêu thụ

Theo ngư dân Văn Công Việt (SN 1964) ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định), hầu hết những tàu chuyên đánh bắt CNĐD đã chuyển sang nghề câu tay kết hợp ánh sáng, nhanh đánh bắt có cá nên chuyến biển được thu ngắn lại. Trước đây mỗi chuyến biển kéo dài đến 45 ngày tàu thì nay không có chuyến nào kéo dài quá 20 ngày. Thêm vào đó, tàu thuyền của ngư dân bây giờ to, mới hơn, hầm bảo quản được bố trí bài bản, đáp ứng được yêu cầu giữ tươi cho cá trong suốt chuyến biển.

“Sau khi đánh bắt được cá, ngư dân mổ, móc hết ruột cá ra, rửa sạch sẽ rồi nhét đá xay vào bụng, vào mang cá, cho cá xuống hầm bảo quản, con cách con 10cm đá xay nên cá giữ được độ tươi lâu. Chiếc tàu 900CV của tui dài 20m, mỗi chuyến biển phải mua 20 triệu tiền đá lạnh mới đủ ướp cá”, ngư dân Văn Công Việt nói.

Đó là cách bảo quản truyền thống mà ngư dân đánh bắt CNĐD áp dụng đại trà. Còn cách bảo quản mà Nhật Bản chuyển giao cho ngư dân được thực hiện bài bản hơn. Chất lượng CNĐD xuất tươi đáp ứng được cả thị trường khó tính Nhật Bản.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, sau khi xử lý các bước làm ngất và xả tiết cá, phá hủy não và thần kinh tủy sống, cắt mang và loại bỏ nội tạng, cá được rửa sạch và ngâm hạ nhiệt. Công đoạn này là mấu chốt quyết định chất lượng của cá.

“Cá được rửa bằng nước biển có nhiệt độ nhỏ hơn 20 độ C, sau đó được ngâm hạ nhiệt thân cá trong hỗn hợp đá lạnh và nước biển với tỷ lệ 80 đá, 20 nước biển, luôn khuấy đều nước ngâm trong hầm hạ nhiệt; bổ sung đá và đảm bảo nhiệt độ trong hầm ngâm nhỏ hơn 3 độ C.

Trong quãng thời gian 60 phút kể từ khi đưa vào ngâm cá, ngư dân cần thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của cá và có biện pháp giảm nhiệt nhanh để đảm bảo thân nhiệt dưới 26 độ C, nhằm chống hiện tượng thịt cá bị cháy. Khi thân nhiệt của cá đảm bảo dưới 5 độ C, đưa cá ra khỏi hầm ngâm và tiến hành muối cá trong hầm bảo quản”, ông Vinh trình bày cụ thể quy trình bảo quản CNĐD.

Cá ngừ đạt chất lượng loại A đủ tiêu chuẩn xuất nguyên con sang Nhật Bản

Cũng theo ông Vinh, hầm bảo quản được phủ lớp đá xay dày 30cm dưới đáy, xếp 1 lớp cá 1 lớp đá, 1 hầm không xếp quá 3 lớp cá. Bụng và mang cá được nhét đầy đá xay, bọc cá bằng nhựa dẻo rồi xếp cá nằm thẳng, bụng úp xuống dưới. Cá được xếp trở đầu để tiết kiệm thể tích hầm, khoảng cách giữa 2 con từ 20 - 30cm, trên phủ lớp đá dày 30cm. Nếu có điều kiện, dùng thùng xốp đựng mỗi thùng 1 con cá để cá sẽ được bảo quản tốt hơn. Sau khi áp dụng cho 25 tàu hoạt động trong mô hình thí điểm câu CNĐD theo kiểu Nhật trong chuỗi liên kết, chất lượng được nâng cao trông thấy.

"Năm 2016 Bình Định có 36 con CNĐD đạt chất lượng loại A đủ điều kiện xuất nguyên con sang Nhật Bản. Tháng 1/2017 tỷ lệ cá đạt loại A tiếp tục chiếm cao, tỷ lệ cá đạt loại B (fillet) ngày càng tăng, chiếm trung bình 83% so với tổng lượng khai thác. Thực tế này đã cho ngư dân tăng cao thu nhập”, ông Vinh cho hay.

ĐÌNH THUNG - MẠNH TUẤN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tien-bo-ky-thuat-bao-quan-ca-ngu-post217967.html