Tiền bán cây sưa 100 tỷ đồng sẽ được sử dụng như thế nào?

Do cây sưa đỏ 100 tỷ đồng ở thôn Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) không phải là tài sản của Nhà nước mà thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư nên số tiền bán sưa sẽ được người dân toàn quyền sử dụng.

Những người dân ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đang phấn khởi khi biết thông tin UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho người dân nơi đây được bán đấu giá cây sưa từng được định giá 100 tỷ đồng, có tuổi đời trên 130 năm.

Niềm vui là vậy nhưng người dân thôn Phụ Chính vẫn băn khoăn: Không biết quy trình bán cây sưa sẽ thế nào? tiền bán cây sưa 100 tỷ được sử dụng ra sao?

Cây sưa đỏ tại thôn Phụ Chính từng được định giá 100 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề trên, ngay khi nhận được chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã có văn bản gửi UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND huyện này chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính thực hiện lập hồ sơ khai thác cây sưa 100 tỷ theo quy định.

“Việc khai thác, sử dụng số gỗ sưa, cây sưa còn lại tại thôn Phụ Chính do cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính quyết định, nhưng phải kiểm tra xem chùa Phụ Chính có thuộc di tích lịch sử cấp Quốc gia hay cấp TP Hà Nội quản lý hay không? Nếu là di tích cấp Quốc gia hoặc cấp TP quản lý phải xin ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội”, - văn bản nêu rõ.

Cây sưa nằm trong khuôn viên chùa thôn Phụ Chính. Ngôi chùa này không thuộc di tích cấp Quốc gia, cấp thành phố.

Hiện cây sưa đang bị khô mục, mối mọt, sâu gặm nhấm nhiều chỗ trên gốc và thân.

Trong diễn biến liên quan, sáng 11/10, trao đổi với PV Kiến Thức ông Lê Minh Tuyên - Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính thuộc thực vật quý hiếm được quy định tại nghị định 32/2006/NĐ-CP, trùng tên với cây sưa ở trên rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính không phải được trồng trong rừng tự nhiên mà ở chùa thôn Phụ Chính, ngôi chùa này cũng không thuộc di tích lịch sử cấp Quốc gia và của TP Hà Nội nên không thuộc sự quản lý, không là tài sản của Nhà nước mà thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính.

Theo ông Tuyên, nếu cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đều đồng thuận việc bán cây sưa đỏ thì có thể hoàn toàn đem đấu giá cây sưa theo quy định pháp luật.

Nếu bán đấu giá cây sưa, cán bộ thôn Phụ Chính sẽ phải họp dân lại rồi làm biên bản thống nhất chọn ra những người có uy tín trong thôn làm đại diện thực hiện việc bán sưa. Tiếp đó, đại diện thuê một đơn vị tổ chức đấu giá bán và có trách nhiệm báo cáo với chính quyền.

Việc tổ chức bán đấu giá gỗ sưa sau khai thác phải thực hiện công khai theo đúng trình tự quy định của pháp luật, sau khi hoàn tất các thủ tục bán đấu giá cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính phải thông báo cho Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) xác nhận khối lượng gỗ và đóng dấu búa Kiểm lâm theo quy định tại Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 1/6/2006 của Bộ Nông nghiệp & PTNT để tiêu thụ.

Số tiền bán cây sưa 100 tỷ sẽ được người dân thôn Phụ Chính phục vụ lợi ích của cộng đồng chứ không cho vào ngân sách Nhà nước.

Mạnh Hưng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tien-ban-cay-sua-100-ty-dong-se-duoc-su-dung-nhu-the-nao-1128563.html