Tiền bạc trong các mối quan hệ có phải là vấn đề khó nói?

Đôi lúc người ta rất bối rối khi đề cập tới tài chính giữa vợ và chồng, giữa hai người yêu nhau và cả với bạn bởi tiền bạc là vấn đề rất khó đề cập. Một mối quan hệ cởi mở là khi người ta chủ động tế nhị tự thu xếp ổn thỏa với nhau về vấn đề tiền bạc mà không cần nói thẳng ra.

Vợ chồng chị Thanh Mai đều làm công nhân. Quê anh tận miền Trung, gia cảnh thuộc diện trung bình, bố mẹ làm nông nghiệp, lại nuôi hai em học đại học. Chính vì vậy mà chồng chị thường bớt xén lương thưởng để gửi về giúp đỡ gia đình.

Ban đầu chị Mai im lặng vì thấy việc đó cần và đúng, nhưng càng về sau, anh chồng càng đẩy hết gánh nặng cơm áo lên vai vợ, còn mình chỉ chăm chăm giúp đỡ gia đình. Chị thấy không vui và bày tỏ quan điểm với chồng. Anh cho là chị ích kỷ, không có trách nhiệm, không coi gia đình chồng là gia đình mình. Hai vợ chồng bắt đầu xảy ra mâu thuẫn và hục hặc nhau về vấn đề tiền bạc.

 Trong mối quan hệ vợ chồng, tiền bạc cần được phân minh

Trong mối quan hệ vợ chồng, tiền bạc cần được phân minh

Rất nhiều người nói rằng tiền bạc không quan trọng. Tiền không mua được tất cả. Điều đó không sai nhưng chưa đủ. Đúng là tiền không mua được tất cả, nhưng nếu không có tiền thì chúng ta sẽ không làm được rất nhiều việc mình cần và mong muốn. Người ta chỉ thấy tiền không quan trọng khi đồng tiền đó không phải của họ, không thuộc về họ. Chứ đã là mồ hôi, nước mắt thì nó thuộc dạng đặc biệt quan tâm.

Không có gì sai khi quan tâm một người, người ta thường quan tâm đến tài chính của họ. Quan điểm của rất nhiều người, nghèo không phải là điều gì đó quá xấu, nhưng để cho mình nghèo hèn thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Tiền bạc là sự hấp dẫn gắn kết, nhưng tiền bạc cũng chính là mối hiểm họa để người ta tầm thường đi trong mắt nhau nhiều nhất.

Thái Ngọc là một cô gái xinh xắn nhưng lại không được lòng bạn bè. Đồng nghiệp ai cũng ngán ngại khi phải gặp, hoặc có việc gì đó phải liên quan đến cô. Biết rằng thời buổi này đồng lương công chức thì eo hẹp mà có bao nhiêu thứ phải chi tiêu, giá cả lại tăng vèo vèo. Thế nhưng việc Thái Ngọc thường xuyên lờ đi việc đóng góp với mọi người trong các cuộc thăm viếng hay liên hoan tập thể khiến bạn bè rất bất bình. Nhưng vậy còn có thể châm chước, đằng này ngay cả bữa ăn trưa, hay cà phê sáng chung với mọi người cô cũng ít khi móc ví mình ra.

Trong tình hình thu nhập sàn sàn như nhau ở cùng một đơn vị, có lẽ nên sòng phẳng trong vấn đề tài chính kiểu như ăn đồng chia đủ khi cùng tham gia vào một sự kiện tập thể nào đó như liên hoan, du lịch… là một sự thẳng thắn, cởi mở, dễ chịu nhất nên áp dụng.

Tiền bạc là sự gắn kết cần thiết trong các mối quan hệ, nhưng tiền bạc cũng mang đến nhiều hệ lụy nếu như bạn không biết cách sử dụng chúng

Trong tình yêu đôi lứa, tiền bạc còn “tỏ ra nguy hiểm” hơn nhiều. Người ta thường vờ vịt: tiền bạc không mua được tình yêu. Thật đúng, nhưng tình yêu cũng không thể nuôi dưỡng bằng khí trời. Qua lâu rồi cái thời một túp lều tranh hai trái tim vàng. Yêu nhau và chung sống, có cả tỷ thứ cần đến tiền bạc, nụ hôn chỉ ngọt lịm và si mê khi cơm áo gạo tiền tạm ổn thỏa.

Tuy nhiên, các cô gái hãy thận trọng khi tiêu tiền của người khác. Nên nhớ “Đời chả có bữa trưa nào là miễn phí”. Không ai muốn mất tiền suông mà không hề vụ lợi về mình. Biết từ chối những món lợi lớn về mặt tài chính, từ người yêu đôi khi lại tránh được những phiền lụy không đáng có.

Một cuộc tình ấm êm, một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, ngoài phúc phận thì phần không nhỏ phụ thuộc vào sự độc lập về tài chính của bạn. Tất cả không bỗng tự dưng mà có, bạn phải cật lực học hỏi và lao động thôi.

Cuối cùng, xin đừng thương mại hóa các mối quan hệ. Nếu bạn không đủ độ tinh tế và thiếu tôn trọng người khác khi đề cập đến tiền bạc thì rất dễ làm tổn thương những người yêu quý bạn.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/tien-bac-trong-cac-moi-quan-he-co-phai-la-van-de-kho-noi-161902.html