Tiền ảo của Venezuela Giải pháp cho khủng hoảng?

Venezuela đang có kế hoạch tung ra một loại tiền tệ kỹ thuật số mới gọi là 'petro', đất nước Nam Mỹ này kỳ vọng đây là một cách để cải thiện tình hình kinh tế thảm khốc hiện nay.

Tuy nhiên, liệu việc này có trở thành cứu cánh cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Venezuela không? Hay chỉ góp thêm một phương tiện cho những hoạt động phi pháp như tham nhũng và rửa tiền?

Kế hoạch không rõ ràng

Tổng thống Nicolás Maduro công bố kế hoạch về đồng petro lần đầu tiên vào tháng 12-2017. Được bảo đảm bằng trữ lượng dầu mỏ lớn của quốc gia, đồng tiền ảo này được kỳ vọng sẽ thay thế cho đồng nội tệ đang gặp khó khăn của Venezuela. Đồng bolivar đã bị phá giá khủng khiếp trong những năm gần đây, nó đã trở nên vô giá trị đến nỗi bọn tội phạm đang sử dụng chính những tờ tiền này để in giả các loại tiền tệ khác.

Hồi tháng trước, Chính phủ Venezuela tuyên bố việc bán trước petro đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư, và đã huy động được 5 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều tuyên bố của chính phủ về đồng tiền ảo này vẫn bị giới chuyên môn nghi ngờ bởi nhiều thông tin kỹ thuật về nó vẫn còn chưa rõ ràng hoặc thông lượng.

Bản chất không rõ ràng của kế hoạch này đã làm dấy lên nghi ngờ rằng petro có thể được sử dụng để tạo điều kiện cho tham nhũng trong các tầng lớp ưu tú của Venezuela và là công cụ rửa tiền thu được từ các hoạt động tội phạm của họ.

Kho báu chiến tranh

Michael McCarthy, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Mỹ Latinh và Nghiên cứu Latino thuộc Đại học Mỹ, chỉ ra rằng việc ra đời petro đi kèm với bối cảnh phát triển kinh tế và chính trị đã ảnh hưởng đến động lực tham nhũng ở Venezuela.

"Tôi nhìn nhận điều này trong bối cảnh rộng lớn hơn của chế độ đang trải qua cuộc khủng hoảng thanh khoản, và sự sụt giảm về thanh khoản là bối cảnh tức thời của một cuộc bầu cử, trong đó chính phủ luôn quan tâm tới các nhà tài trợ và yêu cầu đóng góp tài chính để xây dựng một kho báu chiến tranh", ông McCarthy nói.

Khả năng tiếp cận đồng USD của Venezuela đã bị cắt giảm mạnh vào tháng 8-2017, khi Mỹ ban hành một loạt lệnh trừng phạt mới chống lại nước này. Thiếu tiếp cận ngoại tệ đã ảnh hưởng đến khả năng nhập khẩu hàng hóa cơ bản của Venezuela như thực phẩm và dược phẩm, làm trầm trọng thêm những vấn đề khan hiếm đã kéo dài nhiều năm qua.

Tình trạng thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu khiến người dân Venezuela ngày càng bất mãn lớn, và chính quyền Maduro có thể muốn dùng đồng petro như một dòng tiền nhanh, có thể tạm thời làm giảm bớt những vấn đề này trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Tổng thống Maduro ra mắt đồng petro.

Thực tế, petro sẽ được bán thông qua hệ thống trao đổi ngoại hối DICOM của nước này, cho thấy chính phủ đang tìm cách huy động USD, euro và các loại ngoại tệ khác có thể được sử dụng để mua hàng nhập khẩu. Hơn nữa, chính phủ hiện đang chào bán petro với mức chiết khấu sẽ hết hạn vào ngày 20-5 tới đây, ngày bầu cử.

Tình trạng khan hiếm hàng hóa cơ bản ở Venezuela đã làm phát sinh thị trường chợ đen liên quan đến các quan chức và giới tinh hoa. Những mạng lưới bất hợp pháp này có thể được sử dụng để phân phối hàng nhập khẩu mua bằng tiềm năng đầu tư đồng petro.

Ông McCarthy lưu ý chính quyền Maduro vào tháng 1-2018 đã chấm dứt tỷ giá hối đoái DIPRO được nhà nước hỗ trợ, được các tầng lớp tinh hoa sử dụng để được trợ cấp USD có thể được bán với lợi nhuận khổng lồ trên thị trường chợ đen. Ông McCarthy nói: "Họ cần cung cấp cho những người trong chế độ những nguồn khác để lấy tiền mặt hoặc tìm cách để kiếm tiền nhanh”.

Ứng dụng mờ ám

Katlyn Woods, một nhà phân tích của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), nói với InSight Crime bà tin đồng tiền ảo petro có thể được sử dụng cho các giao dịch ngầm, trong đó có rửa tiền.

Bà Katlyn Woods chỉ ra rằng petro có thể được sử dụng cho các hoạt động rửa tiền qua thương mại, trong đó tiền bẩn được chuyển đi khắp thế giới bằng cách thao túng giá hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo bà Woods, việc sử dụng đồng tiền số như petro cho các hoạt động như vậy sẽ bổ sung thêm "một lớp đệm cho hoạt động rửa tiền", khiến các cơ quan chức năng khó phát hiện.

Ngoài ra, một cách khác là dùng nó để mua bán các loại tiền tệ kỹ thuật số khác. Hiện tại có hơn 1.500 đồng tiền số được bán trên hơn 9.000 giao dịch, không phải tất cả đều được giám sát. Trao đổi petro cho các loại tiền tệ kỹ thuật số khác ở các thị trường này có thể cung cấp một con đường để rửa tiền.

Tuy nhiên, bà Woods cho biết vẫn còn nhiều ngờ vực về việc liệu thị trường tiền tệ số có thực sự chấp nhận đồng petro hay không, đặc biệt là kể từ khi Chính phủ Mỹ cảnh báo mua petro có thể bị coi là cung cấp tín dụng cho Chính phủ Venezuela, có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với quốc gia này.

Trò chơi niềm tin

Có lẽ trở ngại lớn nhất để thu hút đầu tư lâu dài vào dầu mỏ là danh tiếng quốc tế của Chính phủ Venezuela - bao gồm việc không trả nợ cũng như các cáo buộc nghiêm trọng về tham nhũng và đàn áp chính trị. Bà Woods nói: "Tôi không thấy những người muốn đầu tư vào Venezuela trừ khi có một số khuyến khích ở đó. Cách duy nhất để họ thu hút mọi người là họ phải làm cho nó hấp dẫn bằng cách nào đó."

Một cách để thu hút lợi ích quốc tế, bà Woods “mách nước”, là đưa ra một chương trình "đầu tư quốc tịch", như một số nước Caribê đã bắt đầu thực hiện. Ý tưởng là các cá nhân người nước ngoài có thể mua được quốc tịch Venezuela bằng cách mua một lượng petro nhất định. Tuy nhiên, hiện không có chương trình như vậy ở Venezuela. Hiện có hàng ngàn công dân Venezuela đang tìm mọi cách chạy trốn khỏi nước này, cho thấy hứa hẹn về quốc tịch trong quốc gia bị khủng hoảng sẽ không hấp dẫn lắm.

Mặc dù petro được bảo đảm nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên của Venezuela, nhưng những người mua tiềm năng có thể vẫn hoài nghi do sự suy giảm nghiêm trọng năng suất của ngành dầu mỏ Venezuela. Francisco Monaldi, giáo sư về chính sách năng lượng Mỹ Latinh tại Đại học Rice, đã viết: "Tại một quốc gia phụ thuộc hơn 90% thu nhập vào lượng dầu xuất khẩu và sản lượng dầu đang sụp đổ, ai thực sự muốn có một đồng petro?”.

Giáo sư Monaldi đã so sánh petro với đồng sucre "khét tiếng", một loại tiền tệ ảo được đưa ra vào năm 2010 được sử dụng để tạo thuận lợi cho các chương trình bất hợp pháp khác, trong đó có các hoạt động rửa tiền tinh vi. Monaldi cho rằng "petro sẽ là một cách khác để thực hiện các giao dịch mờ ám, trong đó một số ít cá nhân sẽ thu lợi trên tổn thất của người dân Venezuela".

Tương lai bất định

Dự án đồng petro chưa được hình thành, và nhiều câu hỏi chưa được trả lời về các chi tiết kỹ thuật của đồng tiền số đã làm cho việc đánh giá đầy đủ các ứng dụng hình sự tiềm ẩn của nó rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu đồng petro có thể thu hút được nhiều khoản đầu tư, sẽ càng có vấn đề. "Nếu petro thu hút được đầu tư và tăng giá như bitcoin, điều đó có thể nguy hiểm bởi vì bạn sẽ có Venezuela với hàng triệu đô la tiền ảo", bà Woods nói.

Hơn nữa, bà Woods nói thêm, chính quyền địa phương ở đất nước Mỹ Latinh này thường thiếu đào tạo và chuyên môn cần thiết để xác định và ngăn chặn các giao dịch mờ ám liên quan đến tiền tệ số. Như đã thấy trong trường hợp của "Danh sách trùm ma túy" của Mỹ, việc thiếu năng lực này có thể cản trở các nỗ lực chống lại dòng chảy tài chính bất hợp pháp - mối quan tâm chính của petro.

Vinh Trang

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/tien-ao-cua-venezuela-giai-phap-cho-khung-hoang-487507/