'Tiêm vitamin hạnh phúc' cho học sinh

Làm thế nào để học sinh được hạnh phúc là trăn trở của nhiều nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý, các nhà giáo. Trên thực tế, với học sinh, hạnh phúc mỗi ngày đến trường đôi khi thật giản dị.

Những điều học sinh mong muốn ở giáo viên theo khảo sát của PGS-TS Huỳnh Văn Sơn và cộng sự - Ảnh: CTV

Trong khi đó, trên thực tế, nhiều giáo viên (GV) chưa làm cho học sinh cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Đây là một trong những nhận định tại buổi tọa đàm "Hành động vì hạnh phúc học sinh" do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức vào tuần qua.

Giáo viên đừng đến trường cho... “đủ tụ” !

Ông Vương Văn Cho, chuyên gia giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Đình Hổ (TP.HCM), cho rằng với học sinh (HS), hạnh phúc là khi đến trường được thầy cô giáo quan tâm, yêu thương, tiết học gây được nhiều hứng thú. Thế nhưng thực tế cho thấy, không phải HS nào cũng có được niềm hạnh phúc đó. Họ đang phải gánh trên vai áp lực từ nhiều phía: gia đình, thầy cô.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), thừa nhận dù khẩu hiệu "Mỗi ngày đến trường học là một ngày vui" được nghe thấy thường xuyên, thế nhưng không phải GV nào cũng thực hiện được. Theo ông Phú, nhiều GV hiện nay "đến trường cho... đủ tụ", chứ chưa phải dạy vì HS. Chưa kể nhiều GV còn bám sách giáo khoa, bám khung thời gian, chưa biết cách thay đổi, tổ hợp, tái cấu trúc hoặc tích hợp để đưa ứng dụng thực tế vào, đưa lý thuyết song hành cùng thực hành, nên nhiều HS cảm thấy ngán ngẩm khi học.

Ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho biết tình trạng HS than thở vì áp lực phải "trả bài" đầu tiết còn rất nhiều. Đó cũng là một trong những lý do khiến HS cảm thấy không được thoải mái, không có được niềm hạnh phúc khi đến trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Bình Dương, cũng đề cập đến vấn đề này. Bà cho rằng GV hiện nay còn rập khuôn trong các bước lên lớp. Cứ vào lớp là bắt HS trả bài, làm HS ngán ngẩm, lo lắng. Khi HS không thuộc bài, GV cau có khó chịu, ảnh hưởng đến cả tiết dạy. "Nếu GV biết sáng tạo các bước dạy và linh hoạt hơn, có thể tranh thủ kiểm tra bài cũ trong khi giảng bài mới, thì có thể giúp HS đỡ cảm thấy bị gò bó hơn", bà Tuyết chia sẻ.

Ông Đỗ Công Đoán, Phó hiệu trưởng Trường Trung học thực hành, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng HS hiện nay cảm thấy "ngột ngạt" và khó thở vì bị GV cho bài tập về nhà quá nhiều. Chưa kể, còn có tình trạng GV do gặp những áp lực trong cuộc sống, đến lớp với tâm lý nặng nề, làm ảnh hưởng đến tiết học. Một bộ phận GV hiện nay còn tình trạng o ép, "đì" HS, khiến HS cảm thấy không được đối xử công bằng... "Những điều đó khiến HS không có được niềm vui thật sự khi đến trường", ông Đoán nói.

Có những lần mời những ca sĩ trẻ đến hát tôi chẳng nghe gì, chẳng hiểu gì. Nhưng học sinh thích thú. Miễn học sinh thích thú là tôi vui và tôi mời cho bằng được

Ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)

Hãy yêu thương học sinh như con của mình

Ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng không khó để giúp HS có được hạnh phúc. Điều quan trọng là hãy "tiêm" vitamin vui cho HS, bằng cách trở thành một người thầy có trách nhiệm, yêu thương HS như thương yêu chính con cái của mình. Hãy biến trường học thành nhà, thành nơi thân thuộc mà HS cảm thấy muốn gắn bó, muốn được đến trường hằng ngày để tận hưởng niềm vui.

Ông Phú cũng chia sẻ một "chiêu" giúp HS ở trường nơi ông quản lý cảm thấy hứng khởi, đó là hiểu được tâm lý của HS rất thích những nghệ sĩ, ca sĩ trẻ. Từ đó, ông cố gắng mời những tên tuổi được HS hâm mộ đến trường. "Có những lần mời những ca sĩ trẻ đến hát tôi chẳng nghe gì, chẳng hiểu gì. Nhưng HS thích thú. Miễn HS thích thú là tôi vui và tôi mời cho bằng được", ông Phú nói thêm.

Ngoài ra, vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, để HS hạnh phúc, thì GV cần lưu ý thêm những vấn đề như: đừng tổ chức thi đánh đố; cần nâng cao năng lực, yêu nghề; phải là người thầy có tâm có tình; biết cách tôn trọng HS; nâng cao kỹ năng ngoại ngữ và vi tính; có sự cập nhật thông tin thật nhanh nhạy.

Còn có nhiều cách để có thể "tiêm" vitamin vui cho HS, qua đó giúp HS có được hạnh phúc song hành mỗi ngày đến trường. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ý Tưởng Việt, hiến kế GV hãy xây dựng bài giảng thật hay, thật sáng tạo, để giúp HS hứng thú trong những tiết học. Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường ở Cần Thơ, mong GV hãy luôn xem HS là người bạn, hãy yêu thương và đừng chỉ trích, phê phán HS.

Vì sao xuất hiện những hành vi bạo hành trẻ?

Nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Thị Phú Quý (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo hành trẻ của người chăm sóc. Trong đó, có 5 nguyên nhân khách quan: chế độ đãi ngộ, áp lực công việc, môi trường làm việc, đặc điểm công việc, cách quản lý. Ngoài ra còn có các nguyên nhân chủ quan: không biết cách quản lý cảm xúc, chưa có kỹ năng, thái độ, nhận thức tốt, chưa có chuyên môn phù hợp.

Bà Huỳnh Cát Dung, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM, cho rằng GV hãy luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu HS, tạo cơ hội cho HS được chia sẻ, trải lòng nhiều hơn. "Có như vậy thì HS sẽ san sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Khi đó HS sẽ không còn cảm thấy cô đơn, thay vào đó sẽ cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường", bà Dung chia sẻ.

Cười và khen học sinh nhiều hơn

Bà Nguyễn Kim Duyên, Phó trưởng phòng GD-ĐT TX.Tân Uyên (Bình Dương), cho biết nếu được chọn một hành động để giúp HS hạnh phúc, bà sẽ cười nhiều hơn và khen HS nhiều hơn.

Dưới góc độ nhà quản lý, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho rằng GV nên biết cách nắm bắt sở thích, nhu cầu của HS, qua đó tìm cách để giúp HS có được những niềm vui giản đơn khi đến trường.

"Ngoài ra, để HS hạnh phúc thì cần có đội ngũ GV tận tâm, có phẩm chất đạo đức, năng lực giỏi. Chúng tôi cũng đã thay đổi hình thức tuyển GV, thay vì chú trọng vào thi kiến thức, năng lực trên bài thi viết, chúng tôi cho thi tập trung nhiều hơn các câu hỏi tình huống, mang tính thể hiện phẩm chất năng lực của GV. Để tránh tình trạng GV không đủ chuẩn đứng lớp, chúng tôi yêu cầu theo dõi thực tập rất kỹ lưỡng. Đặc biệt là mời các chuyên gia về dạy đạo đức nhà giáo cho GV. Có như vậy, chất lượng GV sẽ tăng lên và hướng đến hạnh phúc đích thực của HS", bà Thắm nói thêm.

Học sinh mong gì ?

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết ông cùng cộng sự thực hiện khảo sát vào tháng 12.2018 với 181 HS THCS ở TP.HCM. Cuộc khảo sát đưa ra những kết quả đáng chú ý.

Với câu hỏi "Cần như thế nào mới cảm thấy hạnh phúc khi đến trường mỗi ngày?", 92,8% HS mong GV cười nhiều hơn. 84% HS muốn GV nhẹ nhàng hướng dẫn khi làm sai. 82,4% HS mong GV đừng phê bình trước mặt bạn bè hoặc nơi đông người. 82,4% HS mong GV tổ chức những tiết dạy xen lẫn vui chơi, trao đổi thảo luận. 75,4% HS hy vọng GV đừng cho học thuộc lòng quá nhiều. 74% HS muốn GV đừng lặp đi lặp lại điệp khúc "đây là môn học rất quan trọng". 70,2% HS mong GV hãy có những hình thức khen thưởng, động viên nhiều hơn thay vì trách phạt. 66,3% HS "ước gì" GV bớt cho bài tập về nhà. 62,4% ý kiến muốn GV tăng cường những tiết dạy thực tế, kết hợp dã ngoại. 60% mong người lớn chấp nhận HS khi chưa trở thành người như GV, phụ huynh mong đợi.

Thanh Nam

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/tiem-vitamin-hanh-phuc-cho-hoc-sinh-1034101.html