Tiêm vaccine Covid-19 là biện pháp quan trọng để ngăn dịch bùng phát

Để ngăn dịch Covid-19 tiếp tục lây lan, Việt Nam cần nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng. Cách duy nhất để làm được điều này là trên 70% người dân tiêm vaccine Covid-19.

Ngày 29/4 chấm dứt giai đoạn hơn 1 tháng Việt Nam không có ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Trước đó, nước ta kiểm soát dịch tốt, số bệnh nhân mới đều là người nhập cảnh. Nhiều người dân có tâm lý e ngại, không tiêm vaccine Covid-19.

Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng công sức chống dịch của Việt Nam suốt thời gian qua, nhất là khi Bộ Y tế đã ghi nhận người nhiễm biến chủng từ Ấn Độ và nguy cơ dịch rình rập ở biên giới Tây Nam Bộ.

Hệ quả khi y tế dự phòng "vỡ trận"

Theo báo cáo Triển khai tiêm vaccine Covid-19 ngày 16/4 của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), nhiều tỉnh chưa phê duyệt Kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 (đợt 2). Công tác triển khai tiêm chủng chiến dịch tại một số địa phương chưa đạt tiến độ mong muốn.

Đến 16h ngày 29/4, hơn 500.000 người tại 51 tỉnh, thành phố được tiêm chủng. Một số tỉnh Tây Nam Bộ chưa triển khai tiêm vaccine.

Đặc biệt, trong đợt 1, vaccine Covid-19 của AstraZeneca là loại mới nên các cơ sở y tế thận trọng trong quá trình triển khai nên một số địa phương triển khai còn dè dặt, ngắt quãng và bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

Nhiều người e ngại vaccine AstraZeneca dường như không được coi trọng tại nước ngoài. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), bày tỏ quan điểm rằng điều này là không nên.

 PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng người dân không nên e dè, từ chối tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: Phạm Thắng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng người dân không nên e dè, từ chối tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: Phạm Thắng.

Theo Phó giáo sư Phu, vaccine AstraZeneca đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), Mỹ, cũng như châu Âu thẩm định, cấp phép. Chúng cũng được đưa vào COVAX Facility (cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine phòng Covid-19 do WHO khởi xướng) và tiêm rộng rãi trên thế giới.

Đặc biệt, vaccine của AstraZeneca có thể bảo quản ở nhiệt độ phù hợp cùng mức giá phù hợp điều kiện của các nước đang phát triển. Những tác dụng của vaccine này được ghi nhận nên chúng vẫn được tiêm.

Ông Phu cho hay thực tế chống dịch của các nước cho thấy kể cả những quốc gia có nền y học phát triển, hiện đại như Anh, Mỹ..., hay cả những nước có ngành y tế còn khó khăn, nếu để y tế dự phòng vỡ trận, số ca mắc cao thì những người nhập viện sẽ nhiều. Khi đó, hệ thống điều trị không còn khả năng chống đỡ. Đáng lo là những người già, người mắc bệnh nền..., khi nhiễm virus sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Việt Nam có lợi thế hơn các nước là chưa có nhiều ca bệnh. Nhưng khi số ca mắc tăng lên, ngành y tế sẽ không còn khả năng chi viện cho tuyến dưới, các tỉnh cũng không chi viện được cho nhau vì lúc đó tất cả đều trên cùng "mặt trận". Nếu vỡ trận y tế dự phòng, chắc chắn sẽ vỡ trận điều trị. Điều này xảy ra không loại trừ các nước có nền y học tiên tiến, phát triển. Thực tế đang chứng minh như vậy.

Cùng quan điểm với Phó giáo sư Phu, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định: “Nguy cơ bùng phát dịch còn nhiều và sẽ kéo dài đến khi nào nước láng giềng ổn định thì chúng ta mới yên tâm. Trong thời gian này, chúng ta cần nhanh chóng tiêm vaccine Covid-19 để người nguy cơ cao có miễn dịch".

Vaccine Covid-19 mà Việt Nam đang sử dụng để tiêm phòng cho người dân là do AstraZeneca sản xuất. Ảnh: Chí Hùng.

Tác dụng phụ sau tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia

Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, khẳng định người dân vẫn cần tiêm chủng vaccine Covid-19, ngay cả khi chúng ta đang kiểm soát dịch tốt. Bởi Việt Nam chỉ có thể tạo được miễn dịch cộng đồng khi trên 70% người dân được tiêm vaccine. “Không có vaccine thì rất khó để kiểm soát dịch trong bối cảnh hiện nay”, bác sĩ Cơ nhấn mạnh.

Theo Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, hiện nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện quyết liệt đồng thời tất cả biện pháp trong chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Vì vậy, ông khẳng định ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được các phản ứng, tai biến sau tiêm vaccine Covid-19.

Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine AstraZeneca tại Việt Nam là khoảng 33%, thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất. Hầu hết đều là những phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị thêm.

Đây là dấu hiệu thường gặp không chỉ với vaccine Covid-19 mà còn ở các loại khác như phòng ngừa bệnh sởi, ho gà, uốn ván…

Các bác sĩ của Bệnh viện quận 11 (TP.HCM) tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: Chí Hùng.

Hệ thống giám sát cũng ghi nhận khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm. Họ đều đã được xử trí đúng theo quy định. Sức khỏe của những người này đều ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.

Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia đánh giá mức độ phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với các vaccine khác ngoài Covid-19. Theo Bộ Y tế, với vaccine 5 trong 1 được tiêm ở Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, tỷ lệ phản ứng sau tiêm cũng trên 50%.

Một phản ứng phụ khác khiến nhiều người dân e dè với vaccine Covid-19 đó là rối loạn đông máu. "Tuy vậy, số lượng người bị là rất thấp và so sánh giữa rủi ro và lợi ích của tiêm vaccine Covid-19 phòng bệnh thì lợi ích phòng bệnh sẽ lớn hơn rất nhiều", Phó giáo Phu nói.

Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, cũng khẳng định hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Vì vậy, chương trình tiêm chủng của Việt Nam vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Với phương châm “tiêm đến đâu an toàn tới đó”, Bộ Y tế cũng ban hành phác đồ rõ ràng để toàn bộ cán bộ y tế ở mọi cấp đều có thể xử trí.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân cần thực hiện triệt để 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó, 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Người thuộc nhóm được tiêm vaccine Covid-19 nên tiêm đầy đủ các mũi.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, cần lập tức báo với chính quyền địa phương. Bởi người nhập cảnh trái phép mắc Covid-19 không được phát hiện ra kịp thời, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Điều này hết sức nguy hiểm.

Phân tích chính của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III từ Anh, Brazil và Nam Phi, được công bố trên tờ The Lancet, xác nhận vaccine AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19, không có trường hợp nặng hay nhập viện xảy ra sau 22 ngày sau liều đầu tiên.

Kết quả chứng minh hiệu lực của vaccine đạt được 76% sau một liều đầu tiên. Hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vaccine tăng lên 82%.

Vaccine AstraZeneca đã được cấp phép có điều kiện hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở gần 50 quốc gia, trải dài trên bốn châu lục bao gồm Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia Mỹ Latinh, Ấn Độ, Maroc và Vương quốc Anh.

Cần làm gì để phòng dịch Covid-19 vào dịp nghỉ lễ? Chuyên gia khuyến cáo khi đến những nơi đông đúc, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế trung thực.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiem-vaccine-covid-19-la-bien-phap-quan-trong-de-ngan-dich-bung-phat-post1209879.html