Tiêm vắc-xin là giải pháp tốt nhất để vượt qua đại dịch

Sau bảy ngày triển khai tiêm mũi đầu tiên vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam, đã có nhiều cảm xúc liên quan: Từ hồi hộp, mong chờ, vui sướng đến lo lắng và cả tự hào của những cán bộ tuyến đầu chống dịch. Những kinh nghiệm từ thực tế của các cán bộ làm công tác tiêm chủng và cơ quan quản lý cho thấy nhiều điều cần được quan tâm, chia sẻ.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế tỉnh Gia Lai. Ảnh: HOÀNG OANH

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế tỉnh Gia Lai. Ảnh: HOÀNG OANH

Sau bảy ngày triển khai tiêm mũi đầu tiên vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam, đã có nhiều cảm xúc liên quan: Từ hồi hộp, mong chờ, vui sướng đến lo lắng và cả tự hào của những cán bộ tuyến đầu chống dịch. Những kinh nghiệm từ thực tế của các cán bộ làm công tác tiêm chủng và cơ quan quản lý cho thấy nhiều điều cần được quan tâm, chia sẻ.

Đến chiều 14-3 đã có hơn 15 nghìn người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca. Ðúng như khuyến cáo từ hãng dược này, đáp ứng miễn dịch không hề nằm ngoài số ước tính, hơn 500 trường hợp có những phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt cao, cảm giác gai rét. Với những trường hợp được gọi điện hằng ngày để hỏi thông tin thì tỷ lệ báo cáo có vẻ nhiều hơn với 69% từng có một triệu chứng thông thường như sốt trên 37o5 (36%), đau tại chỗ tiêm (56%). Ðây là các triệu chứng thường gặp sau chủng ngừa của phần lớn vắc-xin, nhất là sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Phần lớn mọi người đều ổn sau khi dùng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường. Với nhiều trường hợp, hiện tượng này mất đi ngay vào sáng hôm sau, cảm giác như chưa từng có sự khó chịu như vậy. Ðiều này lý giải vì sao tỷ lệ phản ứng ghi nhận tại Việt Nam lại thấp hơn thế giới (khuynh hướng là khi qua một ngày mà ổn thì người được tiêm sẽ không báo lại cho cơ sở tiêm chủng những gì họ trải qua trừ khi được theo dõi chủ động). Tuy vậy, với 13 trường hợp phản vệ độ hai và một trường hợp độ ba, mặc dù toàn bộ đều được xử trí kịp thời và hồi phục, nhưng chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm để công tác tiêm chủng được thực hiện tốt hơn.

Khác với những loại vắc-xin trước đây dựa trên cơ chế đưa kháng nguyên vào cơ thể để cơ thể nhận diện và sinh ra kháng thể, vắc-xin phòng Covid-19 thành công được nhờ công nghệ mới nhất là để cho cơ thể tự sản xuất ra kháng nguyên rồi từ đó sinh ra kháng thể theo hình thức "vắc-xin véc-tơ" và vắc-xin mRNA. Nguyên lý của loại vắc-xin hiện đang sử dụng tại Việt Nam là dùng một loại vi-rút gây cảm lạnh (vi-rút Adeno) làm vật trung gian mang vật liệu di truyền của vi-rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đến các tế bào của người. Sau khi tiêm chủng, vi-rút Adeno sẽ tìm đến các tế bào đích và truyền vật liệu di truyền đó vào trong, tế bào có đoạn gien này sẽ tích cực sản xuất ra một loại protein gai của vi-rút SARS-CoV-2 và từ đó cơ thể sẽ điều động các tế bào miễn dịch tới tiêu diệt, nhận diện và sinh ra kháng thể. Với công nghệ mới này, đáp ứng miễn dịch sẽ rất mạnh và khả năng tạo kháng thể tốt nhưng đi kèm với nó là phản ứng sau tiêm chủng cũng sẽ mạnh hơn, tiêu tốn năng lượng cơ thể hơn và với những người có cơ địa dị ứng có thể dễ mẫn cảm hơn. Ðó là lý do nhiều người tiêm có các biểu hiện: đau tại chỗ tiêm, sốt, cảm giác ớn lạnh, đau cơ, đau đầu. Các triệu chứng ít gặp hơn như chóng mặt, buồn nôn cũng là các dấu hiệu bình thường sau tiêm chủng. Một số triệu chứng ít gặp khác cần lưu ý như tiêu chảy, đau bụng thường đến muộn, ở ngày thứ hai sau tiêm.

Một số người chủ trương bàn lùi: hay thôi không tiêm nữa cho khỏi lo ngại. Ðúng là không tiêm thì không phản ứng, nhưng cũng không có miễn dịch trong bối cảnh nhiều nước đang tích cực thực hiện các chiến dịch tiêm chủng để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng. Việt Nam không thể là một ốc đảo của thế giới nếu chúng ta do dự. Vậy tiêm sao cho an toàn? Ai tiêm thì an toàn?

Thứ nhất, cần biết rằng, nếu ai đó có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin, hoặc dị ứng với liều tiêm trước đó, họ sẽ không được phép tiêm. Những người có cơ địa dị ứng hoặc bệnh lý có sẵn cần phải tiêm tại bệnh viện với sự theo dõi y tế nghiêm ngặt. Nếu không có những vấn đề đó, những người lớn đủ điều kiện có thể cảm thấy an toàn khi xắn tay áo lên.

Thứ hai, về phía người thực hiện tiêm: Ðội cấp cứu luôn sẵn sàng và kỹ năng chống phản vệ luôn trong đầu, đây chính là chỗ dựa cho những đồng nghiệp thực hiện tiêm chủng vững tin làm việc. Chúng ta đã xử lý rất tốt những trường hợp bất lợi trong thời gian qua và tới đây chúng ta cũng sẽ vẫn làm tốt việc này. Không có thuốc hay vắc-xin nào tuyệt đối an toàn cho tất cả mọi người nhưng nếu tiêm sẽ bảo vệ người được tiêm và cả cộng đồng trước đại dịch.

Theo dữ liệu về tiêm chủng đến thời điểm hiện tại cũng như trải nghiệm thực tế của những cán bộ y tế đã sử dụng vắc-xin này thì tình hình là khá tích cực. Vẫn có hiện tượng nơi thì xảy ra khá phổ biến các trường hợp quá mẫn, nơi lại bình yên như chưa có việc gì. Kinh nghiệm cho thấy vẫn còn những trường hợp cung cấp thông tin chưa đầy đủ về tiền sử dị ứng tới bác sĩ khám sàng lọc và chỉ khi có vấn đề thì mới lần ngược lại tình huống để đánh giá. Bộ Y tế sẽ tiếp tục có những điều chỉnh cần thiết để việc khám sàng lọc được kỹ càng hơn. Và, hãy nhớ rằng, chỉ những người được tiêm chủng mới hiểu cảm giác của mình tốt nhất và thời điểm đến cơ sở y tế cũng như thông báo y tế sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác tiêm chủng, cũng như giúp tránh được những phản ứng bất lợi. Còn một mũi tiêm nữa chờ họ lần tới, vẫn chưa biết liệu những người đã được tiêm phòng có thể bị nhiễm trùng không có triệu chứng hay không và từ đó tiếp tục lây lan hay liệu vắc-xin có bảo vệ được khỏi các biến thể mới hơn của vi-rút. Ðiều này cần được theo dõi nghiêm ngặt trong thời gian tiếp theo.

Trên thế giới, cũng có một số nước tạm ngưng tiêm chủng vì có một vài thông tin bất lợi, thế nhưng cho đến giờ ngay cả nước Anh, nơi vắc-xin này được phát minh ra, chính phủ cũng đã khẳng định không có bằng chứng nào về mối quan hệ nhân quả giữa tình trạng phản ứng nặng với tiêm chủng. Ðây cũng là lý do khiến Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khuyến cáo tiêm chủng. Phản ứng sau tiêm là một phần của tiêm chủng bởi đó là cơ chế mà cơ thể đáp ứng lại khi gặp đối tượng lạ mà cũng nhờ đó ta có được miễn dịch. Nếu chúng ta hiểu rõ về bản chất, sẵn sàng đáp ứng và đáp ứng kịp thời thì sẽ không bị gián đoạn tiêm chủng cũng như gián đoạn mọi nỗ lực hướng tới trạng thái bình thường mới đúng nghĩa: du lịch quốc tế, giao lưu kinh tế... lại sôi động như trước đây. Việt Nam đã qua bao ngày mong chờ có được những liều đầu tiên vắc-xin phòng Covid-19. Và cho đến giờ, vắc-xin vẫn là giải pháp tốt nhất để vượt qua cơn khủng hoảng này.

TS, BS Phạm Quang Thái

Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/tiem-vac-xin-la-giai-phap-tot-nhat-de-vuot-qua-dai-dich-638826/