Tiêm tránh thai không làm tăng nguy cơ nhiễm HIV

Đó là kết quả của một nghiên cứu tên Echo về biện pháp tiêm tránh thai mà nhiều phụ nữ châu Phi sử dụng. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy, tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV tại châu lục này cao hơn nhiều so với tưởng tượng.

30 năm tranh cãi về tiêm tránh thai

Tại nhiều nước châu Phi với tỷ lệ nhiễm HIV cao, phụ nữ chủ yếu sử dụng DMPA-IM, hay còn được gọi là Depo-Provera – một liệu pháp tiêm nội tiết tố để tránh thai mỗi 3 tháng một lần.

Tuy nhiên, trong suốt 3 thập kỷ qua, phương pháp này vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi. Đặc biệt, vào năm 2011, khi tạp chí y khoa Lancet công bố bằng chứng cho thấy sử dụng thuốc tiêm nội tiết tố progestogen để tránh thai sẽ làm tăng gấp đôi khả năng nhiễm HIV.

Vào năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo các cặp vợ chồng nên sử dụng bao cao su. Tuy nhiên, ở một số cộng đồng, việc này không phải lúc nào cũng có thể “thương lượng”.

Tiếp sau đó, năm 2015, một nghiên cứu sâu hơn được công bố trên tạp chí Lancet cho thấy, phụ nữ tiên tránh thai có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn 40%. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu này cũng nhấn mạnh, những mối nguy hiểm từ biện pháp tránh thai phải được cân bằng với nguy cơ người phụ nữ phải mang thai ngoài ý muốn, vì điều này cũng gây nguy hiểm cho cuộc sống của họ. Sau đó, vào năm 2017, WHO cho biết, phụ nữ cần được thông báo về những nguy cơ này.

Ở khi vực châu Phi cận Sahara, gần 60% các ca nhiễm HIV mới là phụ nữ. Con số này càng dóng lên lời kêu gọi về các biện pháp mới vừa có thể tránh thai, đồng thời ngăn ngừa nhiễm HIV và được kiểm soát bởi chính những người phụ nữ.

Phương pháp tránh thai bằng tiêm nội tiết tố vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi trong suốt 30 năm qua.

Phương pháp tránh thai bằng tiêm nội tiết tố vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi trong suốt 30 năm qua.

Xua tan nỗi lo mắc căn bệnh thế kỷ

Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt mang tên Echo (Bằng chứng cho các lựa chọn tránh thai và hậu quả HIV) đã chấm dứt 30 năm lo lắng và tranh cãi trên. Nghiên cứu mới này cũng đã được công bố trên tạp chí Lancet.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện so sánh tỷ lệ nhiễm HIV ở những người phụ nữ sử dụng tiêm nội tiết tố với những người sử dụng DCTC (các dụng cụ tránh thai) hoặc cấy ghép. Nghiên cứu này liên quan đến hơn 7.800 phụ nữ ở Eswatini, Kenya, Nam Phi và Zambia.

“Thử nghiệm ngẫu nhiên của chúng tôi không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về nguy cơ nhiễm HIV trong số các phương pháp tránh thai được đánh giá. Tất cả các phương pháp đều an toàn và hiệu quả cao trong việc tránh thai”, Giáo sư Jared Baeten, đến từ Đại học Washington (Mỹ), cho biết.

Hiện tại, WHO đã có thể xem xét hướng dẫn về việc tiêm tránh thai và thông báo rằng, phụ nữ không còn phải lo lắng về thuốc tiêm hay phải lựa chọn giữa khả năng mang thai ngoài ý muốn và nỗi sợ nhiễm HIV nữa.

Tỷ lệ nhiễm HIV ở những phụ nữ trong nghiên cứu Echo lên đến 3,8%, là hồi chuông cảnh báo cho một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.

Khủng hoảng sức khỏe cộng đồng vì HIV

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn đáng kể so với tưởng tượng ở phụ nữ miền nam châu Phi, khi tỷ lệ nhiễm HIV ở những phụ nữ trong nghiên cứu này lên đến 3,8%. Thậm chí, tỷ lệ này còn tồi tệ hơn ở phụ nữ dưới 25 tuổi. Tỷ lệ nhiễm HIV này còn cao hơn tỷ lệ “rủi ro đáng kể” 3% mà WHO đề ra để kích hoạt việc sử dụng PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm), một loại thuốc chống virút hàng ngày giúp chống phơi nhiễm.

Ông Warren Warren - Giám đốc điều hành của tổ chức vận động HIV toàn cầu AVAC nói: “Một mặt, thử nghiệm đã chỉ ra rằng, thuốc tiêm tránh thai là an toàn. Nhưng mặt khác, nó đã đưa ra một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng phụ nữ và trẻ em gái ở phía đông và nam châu Phi vẫn có nguy cơ nhiễm HIV rất cao. Tỷ lệ nhiễm HIV tổng thể gần 4% trong nghiên cứu đã cho thấy, phụ nữ trong khu vực đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”.

Tiến sĩ Rachel Baggaley, thuộc bộ phận HIV và viêm gan của WHO, cho biết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh các nỗ lực phòng chống HIV tại các quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao, đặc biệt đối với những người phụ nữ trẻ. Những điều này nên bao gồm việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV và một loạt các lựa chọn phòng ngừa HIV trong các chương trình dịch vụ tránh thai”.

“Những người phụ nữ tham gia thử nghiệm trong nghiên cứu này là chị em, con gái, các bà mẹ của chúng tôi. Đây là một lời cảnh tỉnh để đưa công tác phòng chống HIV đến mọi phòng khám kế hoạch hóa gia đình, bao gồm cả PrEP và bao cao su nữ với sự hỗ trợ của các nhà cung cấp”, bà Lillian Mworeko - Giám đốc điều hành của Cộng đồng Phụ nữ Quốc tế sống chung với HIV / AIDS Đông Phi chia sẻ.

Yvette Raphael - thành viên của nhóm cố vấn cộng đồng toàn cầu cho nghiên cứu Echo, lên tiếng: “Phụ nữ cần nhiều lựa chọn tránh thai kết hợp với bảo vệ họ khỏi HIV hơn. Việc hạn chế sự lựa chọn của phụ nữ cho các biện pháp tránh thai là không ổn. Chúng tôi hy vọng, kết quả nghiên cứu này sẽ thúc đẩy hành động và đặt phụ nữ lên hàng đầu. Phụ nữ muốn có nhiều lựa chọn hơn”.

Trà Li The Guardian

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/tiem-tranh-thai-khong-lam-tang-nguy-co-nhiem-hiv-post60665.html