Tiêm phòng cho đàn vật nuôi và những trở ngại

Tiêm phòng cho đàn vật nuôi là hoạt động được tổ chức thường xuyên, định kỳ, mỗi năm thực hiện 2 đợt: đợt 1 vào tháng 2 và tháng 3, đợt 2 vào tháng 9 và tháng 10. Đây là hoạt động nhằm kiểm soát sự phát sinh, lây lan của một số loại bệnh phổ biến, nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giúp hạn chế dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi còn gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại.

Tiêm phòng cho đàn gia cầm tại xã Quảng Trường (Quảng Xương).

Là người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm thú y viên cơ sở, bà Nguyễn Thị Dậu, cán bộ thú y thị trấn Thiệu Hóa cho rằng, để tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt kết quả cao, trước tiên, cán bộ thú y cần phải rà soát, thống kê, cập nhật số lượng đàn vật nuôi; đồng thời, thông báo, vận động để các hộ dân phối hợp thực hiện. Làm tốt những phần việc trên, nên kết quả tiêm phòng của thị trấn Thiệu Hóa đạt tương đối cao. Đơn cử như trong lần tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 2 năm nay, với kết quả, đàn lợn đạt 95% diện tiêm; đàn trâu, bò đạt 90% diện tiêm; đàn chó đạt 95% diện tiêm, chỉ có đàn gia cầm đạt 30% diện tiêm.

Lý giải về lý do tỷ lệ tiêm phòng của đàn gia cầm đạt thấp, bà Nguyễn Thị Dậu cho biết: Hiện nay, nuôi gia cầm trên địa bàn thị trấn chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, từ vài con đến vài chục con, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, nên khi được vận động hầu hết các hộ dân đều từ chối tiêm phòng cho số gia cầm này. Phần vì không muốn tốn kinh phí tiêm phòng, phần vì sợ vắc-xin tiêm phòng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người trong gia đình khi sử dụng nguồn thực phẩm này. Chia sẻ thêm về những khó khăn trong công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, bà Dậu cho biết thêm: Ngoài khó khăn do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi, nên vẫn chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai tiêm phòng, thì trở ngại lớn nhất hiện nay của việc tiêm phòng chính là thiếu nhân lực, do mỗi xã chỉ có một cán bộ thú y phụ trách chính việc tiêm phòng, trong khi địa bàn rộng, quá trình tiêm cán bộ đều phải đi bộ, đến từng ngõ, gõ từng nhà để vừa phổ biến, vận động, vừa triển khai công tác tiêm phòng, nên tiến độ thực hiện tiêm phòng bị ảnh hưởng, nhiều địa phương không đạt tiến độ so với kế hoạch đã đề ra.

Qua theo dõi số liệu tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, cho thấy: Những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi cao chủ yếu là ở khu vực đồng bằng, ven biển, còn những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp đa phần nằm ở khu vực miền núi. Lý giải về điều này, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Tại khu vực miền núi do chưa nhận thấy hết lợi ích của việc tiêm phòng trong công tác phòng, chống dịch, nên nhiều hộ chăn nuôi vẫn chủ quan, có tâm lý chưa có dịch không cần tiêm phòng, có dịch mới tiêm. Vì thế việc tiêm phòng không bảo đảm quy định của cơ quan thú y là tiêm đủ số lần, đúng liều lượng và đúng thời điểm. Người dân tại một số địa phương còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, trong khi đó, địa phương chưa chỉ đạo kiên quyết công tác tiêm phòng, nhất là chưa có biện pháp xử lý tình trạng người dân không phối hợp chặt chẽ với ngành chăn nuôi và thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, hiện nay còn nhiều địa phương chưa chú trọng việc rà soát, nắm bắt biến động tổng đàn và tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới sinh hoặc nuôi mới sau các đợt tiêm phòng, nên diện tiêm vẫn chưa được toàn diện.

Chia sẻ thêm về những khó khăn, trở ngại trong thực hiện tiêm phòng ở khu vực miền núi, bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc cho biết: Chăn nuôi ở các địa phương thuộc khu vực miền núi chủ yếu là nhỏ, lẻ, địa hình đi lại khó khăn, lực lượng thú y lại quá mỏng, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và kết quả tiêm phòng. Nhiều nơi, các hộ dân còn chăn nuôi theo phương thức chăn thả. Trâu, bò thả trên đồi, núi xa nơi ở, nên khi cán bộ thú y triển khai tiêm phòng phải thông báo trước để hộ chăn nuôi cho gia súc về chuồng nhốt mới tiến hành tiêm, do đó cán bộ thú y bị động về thời gian tiêm phòng. Đối với gia cầm, đa phần cũng được chăn thả, tản mát ở vườn hoặc trên đồi, nên muốn tiêm phòng đối tượng con nuôi này đều phải chờ đến tối, khi chúng trở về chuồng hoặc lên cây để ngủ thì mới bắt để tiến hành tiêm được, gây khó khăn, trở ngại cho cán bộ thú y trong quá trình thực hiện tiêm phòng, ảnh hưởng đến tiến độ.

Thấy rõ những khó khăn, trở ngại trên, để tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt kết quả, chính quyền các địa phương rà soát, thống kê tổng đàn, chủng loại, độ tuổi của các đối tượng con nuôi nhằm bảo đảm không bỏ sót đối tượng. Tuyên truyền cho các hộ dân thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng; đồng thời, huy động thêm nhân lực cùng cán bộ phụ trách thú y vận động, đôn đốc các hộ dân tiến hành tiêm phòng cho con nuôi; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng.

Bài và ảnh: Tiến Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/tiem-phong-cho-dan-vat-nuoi-va-nhung-tro-ngai/126951.htm