Tiềm năng và lợi thế trong phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng các lợi thế của công nghệ thông tin, nghiên cứu xây dựng và áp dụng thành công mô hình đô thị thông minh có khả năng sẽ tạo ra giải pháp đột phá trong giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn trong công tác phát triển đô thị tại Việt Nam.

Các xu hướng toàn cầu như đô thị hóa, số hóa, lưu động hóa, những thay đổi trong thị trường lao động cũng như quá trình biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang tạo ra những ảnh hưởng rõ rệt lên xã hội. Các đô thị đang đứng trước thách thức phải tìm ra giải pháp và các mô hình kinh tế mới để thích nghi và đó là tiền đề cho đô thị thông minh ra đời.

Từ đầu năm 2010, đô thị thông minh đã xuất hiện ở một số thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế. Đến năm 2015, “đô thị thông minh” đã trở thành một chủ đề nóng, đặc biệt ở chính quyền địa phương của các tỉnh thành từ lớn đến trung bình.

Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: "Những năm qua, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ khá cao so với khu vực; đóng góp một phần quan trọng trong thành công phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỷ lệ đô thị toàn quốc đạt 37,5%. Hệ thống đô thị đóng góp hơn 70% GDP toàn quốc

Trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng các lợi thế của công nghệ thông tin, nghiên cứu xây dựng và áp dụng thành công mô hình đô thị thông minh có khả năng sẽ tạo ra giải pháp đột phá trong giải quyết những vướng mắc, những điểm nghẽn trong công tác phát triển đô thị tại Việt Nam".

Ông Lê Duy Tiến, vụ Khoa học và Công nghệ, bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra các đề án tổng thể để xây dựng trong đó nổi bật là TP.Hồ Chí Minh và đảo ngọc Phú Quốc trở thành đô thị thông minh.

Bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta chưa biết chính xác các thành phố của tương lai sẽ ra sao, nhưng chắc chắn sẽ diễn ra nhiều sự thay đổi. Như việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, hay việc ứng dụng xe hơi tự lái. Các đô thị cũng cần có khả năng thích ứng với những thách thức ngắn hạn như ngập lụt chẳng hạn. Đô thị thông minh là mô hình sẽ giúp quy hoạch phát triển đô thị nhằm nâng cao khả năng thích ứng với những thay đổi và phát triển trong tương lai.”

Vương Quốc Hà Lan (SCNL) và cục Phát triển đô thị (UDA) bộ Xây dựng, Việt Nam vừa kí kết hợp tác về đô thị thông minh.

TS. KTS. Trần Quốc Thái, bộ Xây dựng, cục Phát triển đô thị cho biết: Việt Nam với nền tảng dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, nguồn lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh, mang đến các giải pháp đa dạng và khả thi; định hướng chính sách thu hút đầu tư rõ ràng và có điều kiện phát triển đa dạng; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, khu vực đô thị luôn gắn liền với vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển.

Với dân số hiện tại khoảng hơn 95,6 triệu người, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn không chỉ đối với các doanh nghiệp trong nước mà còn đối với các doanh nghiệp nước ngoài và được đánh giá là một nước có tiềm năng, có lợi thế trong phát triển đô thị thông minh.

Tuy nhiên bên cạnh đó, thách thức trong phát triển nỗ lực tại các địa phương vẫn còn những hạn chế. Chính vì vậy, nhóm các đối tác về đô thị thông minh Vương Quốc Hà Lan (SCNL) và cục Phát triển đô thị (UDA), bộ Xây dựng, Việt Nam vừa kí kết hợp tác về đô thị thông minh nhằm hỗ trợ phát triển đô thị và thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên trong trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia, đặc biệt trong các lĩnh vực: phát triển đô thị, đô thị thông minh, thành phố sân bay và môi trường sống, trên cơ sở sự tôn trọng, bình đẳng và lợi ích song phương, trong sự phù hợp với luật pháp và chính sách của Việt Nam và Hà Lan.

Hy vọng sẽ làm tiền đề mở ra cơ hội hợp tác trong tương lai đối với các tổ chức liên quan đến hoạt động phát triển đô thị thông minh vì Việt Nam có tiềm năng và lợi thế cao trong sự phát triển.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/tiem-nang-va-loi-the-trong-phat-trien-do-thi-thong-minh-o-vn-a364303.html