Tiềm năng lương thực từ biển

Đến năm 2050, dân số thế giới được dự báo sẽ chạm ngưỡng 9,7 tỷ người. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo, ngành sản xuất lương thực cần đổi mới mạnh mẽ để bắt kịp tốc độ phát triển của dân số. Các chuyên gia cho rằng, biển và đại dương có thể là lời giải cho bài toán lương thực toàn cầu trong tương lai.

Nông dân Tuy-ni-di thu hoạch sò biển theo chương trình hỗ trợ chăn nuôi từ FAO. Ảnh FAO

Nông dân Tuy-ni-di thu hoạch sò biển theo chương trình hỗ trợ chăn nuôi từ FAO. Ảnh FAO

Đến năm 2050, dân số thế giới được dự báo sẽ chạm ngưỡng 9,7 tỷ người. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo, ngành sản xuất lương thực cần đổi mới mạnh mẽ để bắt kịp tốc độ phát triển của dân số. Các chuyên gia cho rằng, biển và đại dương có thể là lời giải cho bài toán lương thực toàn cầu trong tương lai.

Hằng năm, hơn 150 triệu tấn thủy, hải sản được sử dụng trong các bữa ăn trên toàn thế giới. Ngành nuôi trồng thủy, hải sản cũng là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực sản xuất lương thực, đạt mức trung bình 5,3%/năm trong giai đoạn 2001-2018. Báo cáo về tình hình đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản của FAO năm 2020 nhận định, trong những năm tới, nuôi trồng thủy, hải sản có thể trở thành hạng mục chính và có tiềm năng làm thay đổi việc cung cấp lương thực toàn cầu, nếu được định hướng khai thác bền vững.

Theo số liệu thống kê của FAO cho đến năm 2018, ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản đóng góp gần 60 triệu việc làm trên thế giới. Năm 2018 cũng là năm khối lượng nuôi trồng thủy, hải sản thu hoạch đạt kỷ lục 114,5 triệu tấn, cùng 96,4 triệu tấn được đánh bắt từ thiên nhiên. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, ở một số quốc gia và khu vực mà cơ chế quản lý khai thác tài nguyên biển còn hạn chế hoặc không tồn tại, số lượng thủy, hải sản đang sụt giảm xuống mức báo động. Cụ thể, báo cáo của FAO ước tính, khoảng 30% các loài thủy, hải sản không còn đạt mức độ bền vững sinh học và khoảng 60% đang ở mức giới hạn có thể cho phép khai thác.

Kể từ năm 2016, số lượng thủy, hải sản nuôi trồng được tiêu thụ đã vượt số lượng đánh bắt tự nhiên. Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy, hải sản trên thế giới cũng còn nhiều vấn đề liên quan đến tác động lên môi trường cần được khắc phục như, chất thải sinh học, ô nhiễm hạt vi nhựa, hay việc sử dụng quá nhiều thuốc thú y và hóa chất. Hiệp hội doanh nghiệp thủy, hải sản bảo vệ đại dương (SeaBOS) nhận định, cách tốt nhất để cung cấp đủ lương thực cho gần 10 tỷ người trong tương lai sẽ là áp dụng kiến thức của các nhà khoa học và chuyên gia nhằm phát triển công nghệ nông nghiệp mới, lập dự án hài hòa trong nuôi trồng thủy, hải sản và điều tiết nhu cầu đánh bắt tự nhiên.

Từ năm 2015, số lượng người thiếu và suy dinh dưỡng trên thế giới đã tăng trở lại. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, mục tiêu xóa đói nghèo, một Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ (SDG), càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về đại dương P.Thom-xơn vẫn tin tưởng, nếu được quản lý tốt, biển có lợi thế và tiềm năng đóng góp quan trọng vào tiến trình xóa đói nghèo. Đại dương chiếm tới 70% diện tích bề mặt của trái đất và với chỉ 2% diện tích biển được sử dụng vào nuôi trồng một số loại tảo và rong thích hợp, chúng ta có thể vừa hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, giảm hàm lượng ô nhiễm các-bon, vừa sử dụng làm nguồn lương thực. Đáng chú ý, rong biển không cần đất trồng, nước ngọt hay thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần nắng và nước biển để phát triển. Rong biển còn có thể được sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi thay đậu nành và cũng có lợi hơn cho sức khỏe gia súc, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho ngành chăn nuôi trên cạn.

Song song với mục tiêu xóa đói nghèo và khai thác tài nguyên biển bền vững, sự chung tay của LHQ và các doanh nghiệp trong các cơ chế quản lý khai thác đánh bắt tự nhiên cùng một chiến lược nuôi trồng thủy, hải sản phù hợp góp phần bảo đảm tương lai an ninh lương thực toàn cầu.

ĐOÀN HIẾU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/tiem-nang-luong-thuc-tu-bien-630004/