Tiềm năng khổng lồ từ kinh doanh ẩm thực đường phố

Trong khi thị phần của các doanh nghiệp ngoại liên tục tăng thì doanh thu của các thương hiệu Việt kinh doanh trên 'sân nhà' lại liên tục sụt giảm và từ từ biến mất khỏi bản đồ.

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Phi Vân - Sáng lập World Franchise Associates, Sáng lập và CEO của Retail & Franchise Asia - Đại diện cho gần 1000 thương hiệu quốc tế tại Châu Á - Thái Bình Dương, trong sự kiện Viet Street Food Franchise được tổ chực tại SIHUB vào ngày 16/11.

Bà Nguyễn Phi Vân - diễn giả của chương trình. (Ảnh: NVCC)

Thị trường chưa được đầu tư đúng hướng

Theo thống kê của Euromonitor, đến cuối năm 2016, Việt Nam có khoảng 149.000 điểm bán dạng ki ốt trên đường phố có tổng giá trị lên tới 46,9 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ tăng trưởng tương đối thấp khoảng 2% mỗi năm.

Tốc độ tăng trưởng thấp có thể giải thích được thông qua nạn thực phẩm bẩn đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe khách hàng hiện nay. Người tiêu dùng tỏ ra thận trọng hơn khi tiêu thụ các thực phẩm đường phố.

Diễn giả hướng dẫn cho khách mời 12 bước kinh doanh thực phẩm đường phố. (Ảnh: Tùng Minh)

Nhờ đó mà thị trường cho các cơ sở kinh doanh bài bản, sử dụng nguồn nguyên liệu an toàn phát triển mạnh. Trong các năm trở lại đây, số lượng chuỗi ki ốt được thiết kế và hoạt động chuyên nghiệp có chiều hướng tăng trưởng, nhất là tại khu vực TP.HCM và Hà Nội. Tỷ lệ tăng trưởng điểm bán của chuỗi ki ốt năm 2016 là 17,8% so với năm 2015. Con số trên khá cao khi so với tỉ lệ tăng trưởng của toàn ngành chỉ 2%.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 0,59% tổng số điểm kinh doanh hoạt động theo hình thức chuỗi và có thương hiệu. Tỷ lệ này còn quá khiêm tốn khi so với 5% tại Hong Kong, 10% tại Singapore, 21% tại Philippines và 30% tại Đài Loan.

Doanh nghiệp ngoại phát triển, nội “hụt hơi”

Cũng theo bà Phi Vân, từ năm 2013 đến nay, Việt Nam có 4 nhãn hiệu nổi bật chiếm phần lớn thị phần là: Five Star Chicken, Bánh Mì Que, 1 phút 30 giây và Café Goethe Doner Kebab.

Trong khi Five Star Chicken của Thái Lan liên tục tăng thị phần từ 26,7% đến hơn 71% vào năm 2016. Các thương hiệu Việt kinh doanh trên “sân nhà” lại bị sụt giảm doanh thu và từ từ biến mất khỏi bản đồ.

Khách tham dự hỏi đáp với diễn giả. (Ảnh: Tùng Minh)

Điển hình trong số đó phải kể đến nhãn hiệu Bánh Mì Que từng làm mưa làm gió với thị phần lên tới 37,3% vào năm 2013. Hiện nay, doanh nghiệp này chỉ còn sở hữu chưa đến 13%. Tương tự, 1 phút 30 giây cũng giảm dần thị phần qua các năm, từ 26,7% năm 2013 xuống còn 9,7% năm 2016.

“Để tồn tại trong ngành thực phẩm đường phố, các doanh nghiệp phải sáng tạo liên tục. Không phải chỉ bán đúng một món rồi cứ để im như thế. Ví dụ như xôi chiên, người bán có thể thêm các loại nhân khác nhau như khô gà, chả, nem… chứ không nên chỉ dùng mỗi chà bông” - Bà Vân gợi ý.

Thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp

Bà Vân cho rằng, thị trường cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đường phố sạch, an toàn đang phát triển mạnh và vô cùng tiềm năng tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt thông thường không nghĩ xa mà cứ làm trước rồi tính sau. Việc thiếu chuẩn bị có thể khiến một doanh nghiệp đang đứng đầu trào lưu bị thụt lùi, thậm chí phá sản”, bà Vân nhấn mạnh.

Trước và trong khi chạy dự án, người quản trị phải xây dựng một hệ thống bài bản từ nhân sự cho đến định hướng phát triển lâu dài. Thay vì suy nghĩ làm sao để phát triển trong một khu vực nhỏ, chủ doanh nghiệp có thể định hướng phát triển thương hiệu lên tầm quốc tế bằng các món ăn truyền thống Việt Nam.

Sau khi có chiến lược rõ ràng về thương hiệu, sản phẩm, mô hình kinh doanh và tài chính, doanh nghiệp đấy mới nên bung ra thị trường.

Cũng trong sự kiện, bà Nguyễn Phi Vân thông báo dự án trực tiếp hỗ trợ 5 doanh nghiệp thực phẩm đường phố phát triển và tiến ra thế giới. Các thương hiệu phải đạt các tiêu chí có thể hỗ trợ cộng đồng Việt Nam như: sản phẩm phải thuần Việt, đã hoạt động trên 1 năm và có ít nhất 3-5 điểm bán…

Tùng Minh

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tiem-nang-khong-lo-tu-kinh-doanh-am-thuc-duong-pho-c7a590360.html