Tiềm năng du lịch từ hệ thống hang động

Miền núi Thanh Hóa có hệ thống núi đá vôi đồ sộ, mà nổi bật là dãy Pù Luông, Pù Rinh, Đồng Mười kéo dài từ Quan Hóa xuống Cẩm Thủy, sang Như Thanh.

Cửa vào động Kim Sơn.

Cũng nhờ dạng địa hình đặc trưng này mà Thanh Hóa có được hệ thống hang động tương đối dày đặc, với nhiều cái tên nổi bật ở sự kỳ thú và hấp dẫn như hang Ma (Quan Hóa), động Bo Cúng (Quan Sơn), động Bàn Bù (Ngọc Lặc), hang Con Moong (Thạch Thành), động Cây Đăng (Cẩm Thủy)... Ngoài ra, một số huyện trung du và đồng bằng cũng xuất hiện nhiều hang động đẹp, mà tiêu biểu hơn cả là động Tiên Sơn, động Hồ Công (Vĩnh Lộc), động Từ Thức (Nga Sơn). Hầu hết các hang động đều có giá trị lớn về vật chất và cảnh quan, thích hợp cho loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, cũng như nghiên cứu lịch sử - văn hóa.

Nếu du khách là những người ưa thích khám phá những điều kỳ bí, thì hang Ma chắc chắn sẽ là điểm phải đến. Từ TP Thanh Hóa chạy ngược theo Quốc lộ 45 và 15A khoảng 150 km đến Hồi Xuân, rồi rẽ trái theo đường đi Quan Sơn chừng 10km sẽ tới hang Ma. Hang nằm cheo leo giữa hai ngọn núi cao Pha Phưng và Pha Hang, trước mặt nhìn ra sông Luồng, nên du khách phải qua cầu treo hoặc thuyền nhỏ, rồi men theo sườn núi leo lên chừng 150 m mới đến cửa hang. Sở dĩ có tên là hang Ma vì xưa kia, đây từng là nơi diễn ra nhiều trận chiến và đã có không ít binh lính nằm lại. Khi tìm hiểu địa hình và bí ẩn xung quanh hang động này, người ta đã phát hiện ra nhiều mảnh gỗ quan tài, được đặt ngay trong hang và xung quanh khu vực. Tuy nhiên, những điều còn là bí mật về cách thức mai táng và làm thế nào mà người xưa có thể đưa những cỗ quan tài ấy qua vách núi cheo leo, hiểm trở để an táng trong hang... thì vẫn chưa thể giải mã hết.

Còn với những du khách yêu thích những câu chuyện lãng mạn, cùng vẻ đẹp ẩn sâu trong lòng núi, thì động Từ Thức hay động Bích Đào (xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn), sẽ là điểm đến không thể bỏ qua. Động Bích Đào từ xưa đã nổi tiếng với câu chuyện Từ Thức gặp tiên, đã được Nguyễn Dữ viết trong Truyền Kỳ Mạn Lục. Đồng thời, khi qua đây, nhiều văn nhân đã không tiếc lời ngợi ca vẻ đẹp của danh thắng này: “Trống đá nghe khua lay động sớm/ Sương thu chăng đượm cát sa trường/ Thiên Thai bao kẻ từng xây mộng/ Nào biết Thiên Thai cũng hí trường” (Đề Bích Đào động, Lê Quý Đôn). Động có đường “lên trời” và đường xuống “âm phủ”; có nhiều thạch nhũ tạo đẹp, mang đến cho du khách nhiều liên tưởng thú vị về hình hài của đá, như phường bát âm, bàn cờ, áo mũ, bàn tay Từ Thức - Giáng Hương, măng đá, non bộ, cây vàng, đào tiên... Bởi vẻ đẹp tự nhiên gắn liền với câu chuyện người – tiên lãng mạn ấy, động Từ Thức đã và đang được huyện Nga Sơn quan tâm đầu tư, phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn.

Cũng gắn với câu chuyện người gặp tiên là động Hồ Công, nằm trên lưng chừng dãy núi Xuân Đài (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc) – một trong những dãy núi nổi tiếng với vẻ đẹp đã đi vào thơ ca. Động Hồ Công là kỳ quan từng được người xưa liệt vào “đệ nhất động”, khi động khoan sâu vào lòng núi, dưới chân núi là xóm làng bờ bãi trù phú và chùa cổ Du Anh quanh năm nghi ngút khói hương. Trên động khắc nhiều bài thơ ngợi ca cảnh đẹp: “Khôn thiêng khéo tạc núi muôn trùng/ Cửa động thênh thang gió dễ thông/ Cuộc thế công danh như giấc mộng/ Bầu tiên mừng nguyệt thú vô cùng/ Hạt châu rơi đất nghi rồng hóa/ Giọt nước muôn trời rẽ suối trong/ Muốn cưỡi gió lên chơi đỉnh núi/ Trông mây, trông nước tứ tầng không”.

Nằm trên địa phận huyện Vĩnh Lộc còn có động Kim Sơn hay còn gọi là động Ngọc Hồ. Đây là một động nước chạy xuyên ngang núi, nên để vào động, du khách sẽ di chuyển bằng thuyền nhỏ từ đầu làng Sen, chừng 300m sẽ đến Cửa Gió. Cửa động rộng chừng 30m, vòm cung có nhiều cây mọc bám rễ trên đá. Thuyền càng trôi sâu vào lòng động, nhất là vào những ngày hè oi ả, nóng bức, không khí càng mát mẻ. Vòm động có cột đá và nhiều nhũ đá muôn hình rủ xuống vô cùng đẹp mắt. Kim Sơn còn có nhiều sản vật, với đặc sản là củ ấu gai, đầu nhọn như hai cái sừng, ăn bùi và béo. Vào mùa sen, súng nở, Kim Sơn càng rực rỡ sắc màu và thu hút đông khách du lịch đến tham quan.

Phát triển du lịch khám phá hang động không phải là loại hình du lịch mới. Song, để có thể biến nó thành một sản phẩm có khả năng thu hút du khách, thiết nghĩ cần có sự gắn kết chặt chẽ với loại hình du lịch sinh thái - vốn đang trở thành một thế mạnh của du lịch Thanh Hóa những năm gần đây.

Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/tiem-nang-du-lich-tu-he-thong-hang-dong/102448.htm