Tiềm năng du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Với tổng diện tích tự nhiên gần 20.000ha, Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) có hệ sinh thái chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL, trở thành nơi bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Những năm gần đây, vườn thường tổ chức những tour tham quan bằng xe gắn máy, bằng đường thủy - đi thuyền trên thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông; xuyên rừng bằng xe đạp, đi bộ, ở lại đêm giúp du khách có những trải nghiệm thú vị.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi rủ nhau tham quan vườn bằng phương tiện xe gắn máy và được anh Hùm - nhân viên bảo vệ rừng làm hướng dẫn viên du lịch, đưa chúng tôi đến khu vực Đá Nứt. Ở nơi đây, nhiều tảng đá khổng lồ, màu đen sẫm hai bên bờ suối, bị nứt, sạt lở xuống dòng suối, khiến dòng suối bị hẹp lại, dưới suối có nhiều loại cá, trong đó có con chem chép. Những lần đi tuần tra dài ngày, thấm mệt, các anh thường xuống suối tắm cho mát và mò chem chép lên nướng ăn để bổ sung năng lượng. Chúng tôi cũng xắn quần lội xuống thử mò loài thủy sản này và dễ dàng mò bắt được ít con. Con nào cũng to, tròn, mập mạp.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã đón 80 đoàn, với hơn 2.000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, tăng 149% so với cùng kỳ năm 2017

Sau nhiều giờ len lỏi giữa rừng, chúng tôi đến được nơi có cây nắp ấm Thorel (được Viện Sinh học nhiệt đới và các nhà nghiên cứu đến từ Pháp, Anh phát hiện trong chuyến khảo sát giữa năm 2011). Loài cây này được nhà thực vật học người Pháp Clovis Thorel phát hiện lần đầu tiên ở tỉnh Bình Dương cách đây hơn 1 thế kỷ và đã lấy tên Thorel để đặt tên cho loài cây. Kể từ khi Thorel thu được mẫu vật của loài này, cho đến khi nhóm khoa học tìm thấy ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thì chưa có một ghi nhận về nắp ấm Thorel còn tồn tại ngoài tự nhiên. Một số lá của chúng tạo thành hình ấm để bắt côn trùng. Bên trong lá hình ấm có lông răng. Đó là vòng tròn chứa các gai nhỏ hướng xuống dưới và bao quanh lối vào ấm. Ở phía trên ấm có một nắp để ngăn chặn nước mưa. Nắp có vô số tế bào trong và mờ nên côn trùng dễ lầm tưởng đó là một mảng của bầu trời. Khi con mồi rơi vào lá, nắp sẽ nhanh chóng úp xuống để nó không thể thoát ra. Sau đó con mồi sẽ trượt xuống phần cuống lá, nơi có rất nhiều enzyme tiêu hóa đang chờ sẵn.

Cây nắp ấm Thorel được phát hiện ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Cây nắp ấm Thorel được phát hiện ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Hiện tại, số lượng cây nắp ấm chỉ còn chưa đến 100 cá thể. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại nắp ấm Thorel ở tình trạng cực kỳ nguy cấp. Theo tiến sĩ Lưu Hồng Trường, thành viên nhóm nghiên cứu: “Việc phát hiện loài cây sau hơn 100 năm đã khẳng định giá trị độc đáo của thiên nhiên Việt Nam. Đặc biệt, nắp ấm Thorel chứa nhóm naphthoquinones có hoạt tính chống sốt rét”.

Ngoài các loài cây phổ biến như vên vên, cây họ dầu, sao đen, sến mũ, căm xe, gõ mật, xoay, cẩm lai, bằng lăng, sến cát thì ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn có một số cây nằm trong sách đỏ như: gõ cà te, giáng hương, mạc nưa và gần đây mới phát hiện có thêm dầu đồng, thủy nữ hoa đỏ, cây nắp ấm. Có 2 cá thể vên vên và dầu con rái cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây di sản. Hệ động vật gồm 58 loài bò sát, 23 loài ếch, 88 loài cá sông Mê Kông, và 128 loài côn trùng. Riêng lớp thú có 42 loài thuộc 7 bộ. Một số loài quý hiếm như voọc chà vá chân đen, voọc bạc Đông Dương, gấu ngựa, sói đỏ và sói vàng, cu li nhỏ, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài. Riêng lớp chim ở vườn này rất phong phú với 203 loài như: giang sen, già đẫy nhỏ, cò nhạn, gà lôi hông tía, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám... Vườn còn là nơi dừng chân thường niên của sếu đầu đỏ khi di cư.

Ngoài những tư liệu quý cho công tác nghiên cứu, học tập, giáo dục môi trường thì ở đây còn có di tích của Đài phát thanh Giải phóng miền Nam Việt Nam…

ĐẠI DƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tiem-nang-du-lich-sinh-thai-o-vuon-quoc-gia-lo-go-xa-mat-543850.html