Tiềm năng con người và khoa học siêu hình

Sáng ngày 11/04/2021, tại nhà khách Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô (99 Lê Duẩn, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra hội thảo khoa học 'Tiềm năng con người và khoa học siêu hình'. Tham dự hội thảo có Trung tướng nhà văn Hữu Ước, GS Phan Anh, PGS.TS Ngọc Quyên, GS Đào Vọng Đức, TS Nguyễn Mạnh Hải, TSKH Mai Thanh Hải, TS Nguyễn Hoàng Điệp, TS Nguyễn Đăng Quang, TS Lương Chí Thành… cùng đông đảo các khách mời và các nhà nghiên cứu quan tâm tới lĩnh vực tiềm năng con người.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

GS Phan Anh nhắc lại khoa học siêu hình (Siêu hình học) là lĩnh vực khoa học nghiên cứu về các hiện tượng siêu hình, trong đó có rất nhiều hiện tượng xuất hiện trong đời sống xã hội mà con người đã từng gặp nhưng không giải thích được bằng các nền tảng của khoa học kinh điển hay khoa học truyền thống. Ví dụ các hiện tượng có liên quan đến sự tồn tại của ý thức sau sự sống (linh hồn?). Vì không giải thích được nên con người sinh ra hoài nghi không biết các hiện tượng đó có thật đến mức độ nào, nguồn gốc chi phối ra sao, hay là sự hoang tưởng, từ đó xuất hiện các xu hướng:

1/ Bác bỏ và tìm cách giải thích bằng vận dụng khoa học nhưng không đủ lý lẽ khoa học và không đủ chứng cớ khoa học thuyết phục, ví dụ coi sự tồn tại của ý thức sau sự sống là các “bức xạ tàn dư”.

2/ Tin nhưng thiếu sự hiểu biết nhất định, không có sự chọn lọc thông tin, bị cuốn theo sự việc, trở thành mê tín

3/ Nghiên cứu để tìm ra những đặc điểm, những quy luật chi phối các hiện tượng siêu hình nhằm mục đích hiểu được, giải thích được những hiện tượng và suy luận về những “thông điệp” ẩn sau các hiện tượng để có cách ứng xử, không bị cuốn theo hiện tượng như những người “mê tín”.

Có thể thấy rằng giữa Khoa học siêu hình và Mê tín dị đoan có một ranh giới rất mỏng manh, cần hết sức tỉnh táo để phân biệt và nhìn nhận. Từ nhiều năm nay, người ta đã quan sát thấy khả năng đặc biệt của một số người, trong đó có khả năng ngoại cảm dưới nhiều hình thức như tiên đoán sự kiện; tiếp nhận thông tin từ cõi vô hình; giao tiếp với người đã khuất; giữ vai trò trung gian trong giao tiếp giữa hữu hình và vô hình…Như vậy những người có khả năng đặc biệt có thể làm cầu nối giữa hữu hình và vô hình và do đó có thể có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu thực tiễn một số vấn đề của khoa học siêu hình. Một số vấn đề đó là:

- Có hay không, sự tồn tại của một không gian khác ngoài không gian hữu hình mà con người đang sống và cảm nhận được bằng các giác quan thông thường (thế giới vô hình).

- Có hay không, sự tồn tại của một thể dạng khác có ý thức và lưu giữ các thông tin của con người sau khi sự sống không còn (linh hồn?)

- Vai trò và ảnh hưởng của các hoạt động văn hóa tâm linh trong đời sống xã hội như việc thờ cúng, lễ bái và sử dụng vàng mã. Những điều nên và không nên.

- Những đặc điểm và quy luật của thế giới siêu hình rút ra qua việc quan sát thực tiễn những hiện tượng thường xảy ra trong đời sống xã hội và vấn đề giải mã các thông điệp…

GS Viện sỹ Đào Vọng Đức (nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người) có bài tham luận “Nội hư không và chuyển tải tương tác tâm linh qua cách tiếp cận từ vật lý học đương đại”. Trong tham luận, có một số điểm đáng chú ý. Ông nhắc lại lịch sử phát triển khoa học cho thấy rằng những phát minh lớn có được không chỉ dựa vào lý trí và logic thuần túy, mà còn bằng cả những nhạy cảm thẩm mỹ và sự hỗ trợ của các yếu tố trực giác. Nội hàm “trực giác” chính là có được Phật quả “Cứu cánh Niết bàn” theo thuật ngữ kinh Phật.

Nghiên cứu thế giới vi mô- thế giới hạ nguyên tử cùng với các hình thái năng lượng và các quy luật tương tác trong đó để tạo ra thế giới quanh ta ra sao là những vấn đề cốt lõi của Vật lý học đương đại, trong đó có tầm quan trọng đặc biệt là xây dựng lý thuyết Đại thống nhất (GUT- Grand Unification Theory), với các tương tác cơ bản cho đến nay là tương tác hấp dẫn, tương tác điện từ, tương tác yếu và tương tác mạnh.

Ông cho rằng các mô hình Đại thống nhất dựa trên cơ sở Thuyết lượng tử và Thuyết tương đối đã dẫn đến cách nhìn nhận sâu sắc về bản chất của không gian- thời gian, bản chất các dạng tương tác và hình thái năng lượng tương ứng. Đặc biệt đã xuất hiện những ý tưởng về sự tồn tại các dạng siêu tương tác với siêu năng lượng tương ứng gắn liền với các hiện tượng siêu nhiên kỳ bí mà các giác quan bình thường của con người cũng như khoa học kỹ thuật hiện nay chưa đủ trình độ để phát hiện. Những thành quả nổi bật của khoa học và công nghệ hiện đại khởi nguồn từ sự ra đời của Thuyết lượng tử và Thuyết tương đối, những thành tựu vĩ đại nhất của Vật lý học thế kỷ XX. Tiên đề xuyên suốt của Thuyết lượng tử là Nguyên lý bổ sung đối ngẫu khẳng định rằng mọi vật thể cùng một lúc thể hiện mình với hai bản chất tựa hồ như tương phản nhau: Sóng và Hạt. Nguyên lý này cũng hoàn toàn phù hợp với giáo lý thể hiện sâu sắc trong Kinh Kim Cương và Kinh Bát Nhã Ba La Mật.

Ông cũng nhắc lại về giả thuyết của Duy vật tự nhiên (Naturalism) cho rằng thế giới tự nhiên là 1 hệ khép kín với hàm ý rằng không một yếu tố nào từ ngoài có thể tác động gây ảnh hưởng đến thế giới đó. Tuy nhiên, điều này trái với “Định lý bất toàn” của Godel (1931) chứng minh rằng một hệ thống logic khép kín không bao giờ là phi mâu thuẫn, bao giờ cũng chứa những mệnh đề không thể giải được. Muốn lý giải được mọi thứ phải có thêm yếu tố ngoại lai- chấp nhận niềm tin, tin vào điều gì đó không thể chứng minh. Định lý bất toàn chứng tỏ rằng khoa học không bao giờ lấp trống được những lỗ hổng của chính nó.

Heisenberg- nhà vật lý lỗi lạc, người có công đầu khai sáng Thuyết lượng tử trong bài phát biểu nhận giải Nobel vật lý có câu nói với ý rằng “Ngụm nước đầu tiên của cốc nước khoa học tự nhiên có thể khiến bạn thành vô thần, nhưng hãy uống tiếp, ông trời đang chờ bạn ở đáy cốc”…

Thượng tá Trần Đức Thịnh (phó Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý) có tham luận “Phương thức tiếp cận thông tin siêu hình của những người có khả năng đặc biệt”. Bộ môn Cận tâm lý đã trải qua gần 25 năm thành lập và trưởng thành. Qua nhiều thế hệ lãnh đạo và tâm huyết, tài năng và có tầm nhìn xa trông rộng; với hàng ngàn trang tư liệu, hàng trăm băng ghi hình- băng video, hàng trăm bức ảnh với thiên hình vạn trạng của siêu hình (vong).

Theo ông thì, có một số phương thức tiếp cận thông tin của những người có khả năng đặc biệt: Tìm mộ qua ảnh, nhìn “vong” qua luân xa 6- ấn đường, bắt mạch Thái tổ, bằng trực giác tâm linh và sự trợ giúp của “bề trên” các liệt sỹ, giao tiếp- tiếp xúc với các vong linh nhờ sự trợ giúp của “bề trên”, áp vong, “soi nghiệp” chữa bệnh. Mỗi phương thức đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Ông cho rằng, bằng thực chứng trên bình diện rộng, kiên trì theo dõi, ghi chép, nghiên cứu có hệ thống các khả năng đặc biệt của con người- Qua nhiều đề tài của bộ môn đã công bố- cũng như kết luận trong biên bản Hội thảo khoa học “Giả thiết- lý giải các biểu hiện của Vong” của các nhà khoa học trong các bài tham luận (tập hợp trong “Bước vào thế giới vô hình”). Có thể khẳng định rằng: “Sự tồn tại của Vong là vấn đề không phải tranh cãi”- vấn đề vong linh- tâm linh ngoại cảm là có thật…

Có nhiều tham luận chất lượng cao của các tác giả như: nhà nghiên của Võ Lâm Thành, nhà nghiên cứu Võ Xuân Tòng, TS Nguyễn Mạnh Hải, TS Nguyễn Đăng Quang, TS Mai Thanh Hải, TS Nguyễn Hoàng Điệp… Tất cả đều cùng đưa ra những điểm nhìn về một thế giới bí hiểm và không thể chứng minh bằng khoa học ấy là Siêu hình học.

Phụng Thiên - Thiên Ân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tiem-nang-con-nguoi-va-khoa-hoc-sieu-hinh-83516