Tiềm năng 5 phố đi bộ mới được đề xuất ở TP.HCM

Chuyên gia đánh giá năm tuyến phố đi bộ được đề xuất ở trung tâm TP.HCM sẽ mang lại hiệu quả cao về văn hóa, kinh tế và du lịch cho TP.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành lấy ý kiến đóng góp cho đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, chủ đầu tư (Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM) sẽ tổng hợp, hoàn thiện trước khi tổ chức hội thảo, tổ chức phản biện xã hội, sau đó trình UBND TP xem xét.

3 phương án làm phố đi bộ

Cụ thể, theo đề án, khu vực phố đi bộ được nghiên cứu thực hiện tại quận 1 bao gồm các phường Bến Nghé, Bến Thành và Phạm Ngũ Lão.

Theo Sở GTVT, mạng lưới giao thông tại khu vực này có hình vuông đặc trưng (grid-system), diện tích khoảng 300 ha. Các mô hình kinh doanh chủ yếu là hỗn hợp bán lẻ, cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng, chợ truyền thống và hiện đại.

Trong đề án, Sở GTVT đề xuất ba phương án để làm phố đi bộ:

Phương án 1: Phố đi bộ vào ngày cuối tuần với một mạng lưới phần lớn nằm ở khu vực ba phường được nghiên cứu nhưng chỉ cấm các phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường.

Phương án 2: Phố đi bộ ưu tiên cho năm tuyến đường gồm Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách.

Mạng lưới đường phố này ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần. Đồng thời, cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần.

Phương án 3: Phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi. Theo đó, hai tuyến đường này và các đường liên kết sẽ là những con đường dành riêng cho người đi bộ.

Trong ba phương án trên, xét về các tiêu chí như kết nối, độ an toàn, sự hấp dẫn, ủng hộ của cộng đồng… thì phương án 2 là tối ưu nhất và đang được cân nhắc xem xét thực hiện.

Ngoài ra, trong tương lai, các tuyến phố đi bộ cũng sẽ được bổ sung nhiều tiện ích như phủ sóng WiFi, bãi đỗ xe, cải tạo vỉa hè…

Đường Lê Lợi (quận 1) là một trong năm tuyến đường được đề xuất làm phố đi bộ. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Đường Lê Lợi (quận 1) là một trong năm tuyến đường được đề xuất làm phố đi bộ. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Lan tỏa, phát triển du lịch

TS Phạm Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cũng cho rằng phương án 2 là hợp lý:
“TP.HCM làm năm tuyến phố đi bộ ở trung tâm quận 1 sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về văn hóa, kinh tế và du lịch. Đây sẽ là nguồn thu nuôi sống người dân cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước”.

Về mặt quản lý, năm tuyến đường cần có sự liên thông, tạo sự liên kết với hệ thống metro, công viên, bãi giữ xe. Vì vậy, các phân khu chức năng ở phố đi bộ phải được quy hoạch bài bản, không mang tính tự phát.

Ngoài ra, theo TS Hùng, tuyến phố đi bộ còn là điểm nhấn văn hóa, du lịch, vì vậy cần lan tỏa về du lịch cho TP nói riêng và cả nước nói chung đến du khách. Các đơn vị có thể phát triển bán sản phẩm du lịch của TP và cả nước bằng cách tổ chức sự kiện, triển lãm…

Để tạo điểm nhấn thu hút hơn nữa cho phố đi bộ, TS Hùng cho rằng nên có cẩm nang hướng dẫn du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách sử dụng các dịch vụ ở phố đi bộ.

KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, đánh giá đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ ở trung tâm TP của Sở GTVT có cách tiếp cận khoa học từ nghiên cứu bãi giữ xe, giao thông công cộng, ý kiến người dân và chuyên gia. Tuy nhiên, để các tuyến phố đi bộ hoạt động hiệu quả, cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu hơn về hợp tác công - tư, bài học kinh nghiệm và kịch bản tài chính.

“Theo kinh nghiệm tôi biết thì ở Canada và Mỹ, một trong yếu tố quan trọng nhất của phố đi bộ là hợp tác công - tư, nghiên cứu hiện trạng của các doanh nghiệp dọc theo tuyến đi bộ. Trong đó, cần nghiên cứu doanh nghiệp gồm những ai, doanh số, khách hàng và tình trạng kinh doanh như thế nào. Tình trạng kinh doanh của họ nói lên được mức độ hiệu quả của phố đi bộ” - ông Nam Sơn chia sẻ.

Một yếu tố quan trọng nữa, theo KTS Nam Sơn là TP cần nghiên cứu, rút bài học kinh nghiệm của các tuyến phố đi bộ trước như Nguyễn Huệ, Bùi Viện… Từ đó TP có phương án hiệu quả cho các tuyến phố đi bộ mới cũng như phương án cải thiện những phố đi bộ hiện hữu. Đồng thời, TP cần có kịch bản tài chính như Nhà nước và tư nhân đầu tư như thế nào, thu hồi vốn ra sao.

“Mặt khác, nên có sự hợp tác giữa hai sở GTVT và QH-KT để có cách tổ chức kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan và giao thông cho phù hợp” - ông Nam Sơn góp ý.

3 giải pháp thuận lợi cho người dân khu vực

Về tổ chức giao thông công cộng, có tổng cộng 34 tuyến xe buýt đi qua khu vực quy hoạch phố đi bộ.

Sở GTVT cũng đưa ra ba giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng đi lại của người dân khu vực gồm: Bố trí chỗ đỗ xe miễn phí cho người dân có hộ khẩu trong khu vực phố đi bộ, cho phép người dân di chuyển tốc độ <10 km="" giờ="" để="" về="" nhà="" hoặc="" cấp="" giấy="" lưu="" hành="" đặc="" biệt="" cho="" người="" dân.<="" p="">

Sẽ có hai khu vực đỗ xe tạm thời được bố trí xung quanh mạng lưới phố đi bộ để tăng khả năng tiếp cận của người dân vào phố đi bộ.

Vị trí đỗ xe trên đường cũng được đề xuất bố trí hợp lý dọc theo các đường phố trong mạng lưới. Ngoài bãi đậu xe hiện có (cả trên đường, bãi xe tập trung hay trong các tòa nhà), bãi đậu xe tạm thời cũng nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các sự kiện.

LINH PHƯƠNG - PHAN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/tiem-nang-5-pho-di-bo-moi-duoc-de-xuat-o-tphcm-941082.html