Tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh

Nhiệm kỳ vừa qua, ngành Tài chính đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác tài chính – ngân sách nhà nước, qua đó tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng được củng cố vững mạnh, là nền tảng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Ngành Hải quan cải cách thủ tục hành chính đã tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngành Hải quan cải cách thủ tục hành chính đã tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam, với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trong nhiệm kỳ 5 năm 2016 – 2020, nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp quyết định vào các thành quả của đất nước. Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, theo ông đâu là những điểm sáng trong công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN)?

Ông Lê Duy Bình: Tổng kết nhiệm kỳ 5 năm 2016 – 2020, các báo cáo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII đã khẳng định, trong 5 năm qua, kinh tế nước ta đã duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 5,9%). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc. Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được giữ vững, tiềm lực. Quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên…

Ông Lê Duy Bình

Những thành quả đó của đất nước, tôi cho rằng có sự đóng góp không nhỏ từ những kết quả tích cực của ngành Tài chính trong quản lý, điều hành chính sách tài chính – NSNN. Biểu hiện trước hết là, NSNN đã được cơ cấu lại một cách đồng bộ cả về thu, chi ngân sách. Cụ thể, về thu ngân sách, ngành Tài chính đã xây dựng được hệ thống thu tương đối hiện đại, bao quát các nguồn thu, công khai, minh bạch và bảo đảm động viên hợp lý… Nhờ đó, quy mô thu ngân sách không ngừng tăng lên, trên cơ sở đó, đảm bảo nguồn lực tài chính NSNN để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh… của đất nước.

Đặc biệt, cơ cấu thu có sự chuyển biến theo hướng tích cực, bền vững hơn, khi tỷ trọng thu nội địa tăng dần, trong khi thu từ tài nguyên khoáng sản, nhất là thu từ dầu thô giảm mạnh. Cùng với đó, theo phân cấp, thu ngân sách địa phương cũng có những kết quả tích cực, khi có xu hướng tăng dần cả về quy mô và tỷ trọng, qua đó tính tự chủ của ngân sách địa phương ngày càng được tăng cường.

Về chi ngân sách, hệ thống pháp luật về quản lý, phân bổ, sử dụng, kiểm soát chi NSNN tiếp tục được hoàn thiện gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia. Đặc biệt, đảm bảo thực hiện phân bổ các nguồn lực tài chính nhà nước theo hướng minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, tăng chi cho đầu tư phát triển và ưu tiên cho những nhiệm vụ quan trọng, chi cho các vùng, đối tượng còn nhiều khó khăn, mở rộng hệ thống an sinh xã hội…

Nhờ những kết quả tích cực từ quá trình cơ cấu lại NSNN, tỷ lệ bội chi ngân sách, quy mô nợ công của Việt Nam luôn được kiểm soát trong phạm vi giới hạn Quốc hội cho phép và có xu hướng giảm qua từng năm trong nhiệm kỳ vừa qua... Với tất cả những kết quả tích cực trên, nền tài chính quốc gia đang ngày càng được củng cố theo hướng tăng cường tính an toàn, bền vững, là nền tảng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế…

PV: Cùng với những kết quả tích cực trong công tác tài chính – NSNN, nhiệm kỳ vừa qua, ngành Tài chính cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ở khía cạnh này, ông có đánh giá như thế nào?

Ông Lê Duy Bình: Tôi cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, Bộ Tài chính là một trong những bộ tiên phong, đi đầu trong công tác cải cách TTHC, thể hiện bằng việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong nhiều lĩnh vực thuộc quản lý của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, giúp giảm mạnh thời gian nộp thuế và thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong các lĩnh vực của ngành, trong nhiệm kỳ qua, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa hàng nghìn TTHC, điều kiện kinh doanh; cùng với đó là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Những nỗ lực này của Bộ Tài chính trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã được minh chứng bằng những kết quả được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Cụ thể là, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại báo cáo Doing Business, những cải cách mạnh mẽ đối với lĩnh vực thuế trong giai đoạn 2016 – 2020 đã giúp nâng 64 bậc xếp hạng về chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam, từ vị trí 173 (năm 2015) lên vị trí 109 (năm 2020). Hay trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), những nỗ lực cải cách TTHC của Bộ Tài chính cũng đã được ghi nhận. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính luôn nằm trong nhóm 3 bộ, ngành có chỉ số cải cách hành chính tốt nhất… Tôi cho rằng, đây là một dấu ấn nổi bật của ngành Tài chính trong nhiệm kỳ qua.

PV: Vậy để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, theo ông, thời gian tới, chính sách tài khóa cần ưu tiên những vấn đề gì?

Ông Lê Duy Bình: Tôi cho rằng, thời gian tới, ngành Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực tài chính theo hướng đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách, thúc đẩy và tăng cường tính minh bạch của các thông tin tài chính - ngân sách… Đồng thời, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, chủ động, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, để đảm bảo duy trì, củng cố và ổn định kinh tế vĩ mô.

Song song với đó, cần tăng cường hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính công từ trung ương đến địa phương gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế… Đặc biệt, cần tiếp tục chú trọng hoàn thiện, cải cách đồng bộ hệ thống pháp luật tài chính đối với doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cả về chính sách và TTHC trong các lĩnh vực tài chính, nhằm hướng đến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, đảm bảo sự phát triển bền vững của các thành phần kinh tế…

PV: Xin cảm ơn ông!

Cải cách thủ tục hành chính: Những con số “biết nói”

Năm 2020, Bộ Tài chính đã thực hiện 180/180 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch (đạt 100%); bãi bỏ 39 thủ tục hành chính và sửa đổi, bổ sung, thay thế 60 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, công sản, kế toán, kiểm toán; công khai cập nhật đầy đủ lên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, đã ban hành danh mục 303 chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính và sửa đổi 57 chế độ báo cáo, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 60%. Đồng thời, có tới 51% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tổng số hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2020 toàn ngành Tài chính là hơn 98 triệu hồ sơ. Các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính.

Việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến đã góp phần cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử ngân sách có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7, giúp giảm thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị.

Diệu Thiện (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-02-01/tiem-luc-tai-chinh-quoc-gia-ngay-cang-vung-manh-99207.aspx