Tiêm kích tối tân nội địa Trung Quốc sắp 'chuyển mình' trên hàng không mẫu hạm

Kế hoạch bắt đầu thử nghiệm một máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc vào năm tới đã dấy lên đồn đoán rằng họ đang cố gắng phát triển một mẫu tiêm kích trên hạm hoạt động trên các tàu sân bay mới của nước này.

Một công ty hàng không Trung Quốc cho biết họ hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm một mẫu máy bay mới vào năm tới, động thái dấy lên nhiều đồn đoán rằng mẫu máy bay này có thể dựa trên nguyên mẫu FC-31 và phục vụ cho hải quân.

Tiến độ phát triển mẫu máy bay mới không bị trì hoãn

Các bài đăng trên truyền thông xã hội của một chi nhánh nghiên cứu và phát triển (tên viết tắt là CAE) của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, cho biết kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu mới của họ vẫn đang đi đúng hướng, bất chấp tác động của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Đánh giá theo tiến độ hiện tại, công việc của chúng tôi có thể được thực hiện theo lịch trình và chuyến bay thử nghiệm của loại máy bay mới này có thể được đảm bảo mà không bị trì hoãn, đơn vị trên cho biết, nhưng không xác định rõ loại máy bay chiến đấu mà họ đang phát triển.

Chiếc FC-31 tại một triển lãm hàng không ở Trung Quốc năm 2014. Ảnh: AFP.

Chiếc FC-31 tại một triển lãm hàng không ở Trung Quốc năm 2014. Ảnh: AFP.

Theo các nhà phân tích quân sự, loại máy bay phản lực mới này có lẽ là phiên bản phục vụ hải quân của FC-31. Mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm FC-31 này, còn được gọi là Gyrfalcon, cho đến nay đã thất bại trong việc thu hút người mua, cả từ lực lượng không quân Trung Quốc và quân đội nước ngoài.

Trong bản tin trên, CAE cho biết nhân viên của họ đang hợp tác với Viện 601, còn được gọi là Tập đoàn máy bay Thẩm Dương, nhà sản xuất FC-31 và J-15, máy bay chiến đấu hiện đang được hải quân sử dụng.

FC-31 là máy bay chiến đấu tàng hình thứ hai được sản xuất nội địa Trung Quốc và được thiết kế để đối trọng với Lockheed Martin F-35 của Mỹ và có thông số kỹ thuật tương tự.

FC-31 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2012 và đã xuất hiện tại một số triển lãm hàng không với hy vọng thu hút người mua nước ngoài, nhưng đã không thành công. Không quân Trung Quốc cũng đã từ chối đặt bất kỳ đơn đặt hàng nào, mặc dù nó chủ yếu được thiết kế để phục vụ lực lượng này.

Trọng tâm hoạt động trên tàu sân bay?

Cho tới nay, chiếc máy bay nguyên mẫu FC-31 chỉ có một số ít điều chỉnh lớn, theo hình ảnh về các chuyến bay thử nghiệm cũng như các mô hình chính thức được trưng bày tại các triển lãm hàng không, Các nhà phân tích quốc phòng cho biết mẫu máy bay này có thể đang được tiếp tục điều chỉnh để sử dụng trên các hàng không mẫu hạm.

Dự án phát triển máy bay chiến đấu mới này cho thấy nhà phát triển hiện đang tập trung vào một phiên bản phục vụ hải quân, có thể là có thiết kế sử dụng được máy phóng, theo nhà phân tích quân sự Shi Lao tại Thượng Hải.

Cho đến nay, cả hai tàu sân bay đang hoạt động của Trung Quốc, Liêu Ninh và Sơn Đông, chỉ có các tấm đệm trượt để máy bay di chuyển, nhưng các tàu sân bay thế hệ tiếp theo sẽ sử dụng hệ thống phóng và có một cuộc tranh luận đang diễn ra về việc FC-31 hay đối thủ J-20 sẽ phù hợp hơn.

FC-31, có trọng lượng tối đa 25 tấn, nhẹ hơn J-20, có trọng lượng tối đa 37 tấn, và nó ngắn hơn khoảng 3m.

Các yếu tố này sẽ giúp máy bay dễ dàng hơn cho việc điều chỉnh sử dụng trên các tàu sân bay. Tuy nhiên, không giống như J-20, FC-31 vẫn chưa được đưa vào sử dụng và chưa chứng minh được khả năng của mình.

Nếu giành được đơn hàng từ hải quân, FC-31 sẽ là máy bay chiến đấu được thiết kế nội địa đầu tiên của Trung Quốc hoạt động trên tàu chiến. Trước đó, tiêm kích hạm J-15 của nước này được chế tạo dựa trên nguyên mẫu T-10K của Nga.

Chuyên gia Shi cũng cho biết J-20 là máy bay chiến đấu ưa thích của Không quân PLA và được ưu tiên về đầu tư và tài nguyên.

Nhưng một sửa đổi gần đây được phát hiện trên nguyên mẫu FC-31 trong một chuyến bay thử nghiệm có thể cho thấy Hải quân PLA đã bước vào để tăng tốc độ phát triển của nó.

Nhưng Shi thừa nhận rằng ngay cả khi biến thể hải quân của FC-31 được thử nghiệm vào năm tới, các nhà phát triển sẽ phải mất nhiều thời gian để giúp loại máy bay này mới thích nghi được với việc hạ cánh trên tàu sân bay và cũng cần giải quyết một vấn đề đã gây ra khó khăn cho nhiều máy bay chiến đấu của Trung Quốc. "Khó khăn chính vẫn sẽ là vấn đề cũ, về động cơ của máy bay chiến đấu Trung Quốc", theo chuyên gia này.

Các kỹ sư Trung Quốc từ lâu đã phải nỗ lực để sản xuất các động cơ hiện đại tiên tiến và một số máy bay chiến đấu đã phải sử dụng các động cơ do Nga chế tạo.

Nguyên mẫu FC-31 hiện tại hiện đang sử dụng động cơ WS-13, dựa trên thiết kế của Liên Xô những năm 1970 và được coi là hạn chế tính hiệu quả và khả năng tàng hình của nó, và nếu nó đi vào hoạt động thì nó sẽ cần một động cơ hiện đại hơn.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tiem-kich-toi-tan-noi-dia-trung-quoc-sap-chuyen-minh-tren-hang-khong-mau-ham-20200703091826114.htm