Tiêm kích tồi MiG-23 của Liên Xô từng làm Châu Âu náo loạn

Từng bị phương Tây xếp hạng là máy bay tệ hại nhất thế giới, nhưng chính MiG-23 lại từng làm cả châu Âu náo loạn, khi tự bay về phía không phận của NATO và hoàn toàn không có sự can thiệp từ con người.

Mikoyan-Gurevich MiG-23: mẫu máy bay tiêm kích cánh cụp cánh xòe được Liên Xô phát triển vào những năm 1970. Đây cũng là mẫu tiêm kích đầu tiên của Liên Xô được trang bị hệ thống radar phát hiện, theo dõi, khóa, ngắm bắn và tiêu diệt mục tiêu ở ngoài tầm “nhìn” của radar. Trong suốt thời gian hoạt động của mình Liên Xô đã sản xuất tổng cộng 5.047 chiếc MiG-23.

Phương Tây đánh giá đây là một trong những tiêm kích tệ hại nhất thế giới. Tuy nhiên chính MiG-23 đã có lần làm cả châu Âu náo loạn. Ngày 4/7/1989 là một ngày đáng nhớ của phi đội tiêm kích chiến thuật số 32 "Wolfhounds", đơn vị không quân Mỹ đồn trú ở căn cứ không quân Soesterberg, Hà Lan.

Hai tiêm kích F-15C Eagle thuộc lực lượng phản ứng nhanh của đơn vị được lệnh xuất kích đánh chặn một chiến đấu cơ MiG-23 đang bay vào không phận NATO. Tuy nhiên tình huống trớ trêu đây lại là "tiêm kích ma" khi hoàn toàn không có phi công điều khiển.

Ngày hôm đó, đại tá phi công Liên Xô Nikolai Skurigin thực hiện chuyến bay huấn luyện bình thường trên chiếc tiêm kích Mig-23M. Chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh từ sân bay Kolobzreg, Ba Lan, Skurigin phát hiện động cơ máy bay gặp sự cố và máy bay có nguy cơ rơi trong vài giây nên ông quyết định nhảy dù.

Thế nhưng khi đang lơ lửng trên không, Skurigin bàng hoàng nhận thấy chiếc Mig-23M không hề lao xuống đất, mà đang lấy lại độ cao và lao thẳng về không phận của NATO như đang có người điều khiển thực thụ.

Khoảng 9h32, các trạm radar của NATO phát hiện chiếc Mig-23 của Liên Xô xâm nhập không phận. Hai chiếc tiêm kích F-15C được lệnh xuất kích, sẵn sàng bắn hạ chiếc máy bay đối phương.

Một lúc sau, hai chiếc F-15C đuổi kịp chiếc máy bay Liên Xô, nhưng phi công báo cáo về sở chỉ huy rằng khoang lái chiếc Mig-23 không có người, trong khi vòm kính che buồng lái và ghế phi công đã biến mất.

Họ cũng nhận thấy chiếc tiêm kích Liên Xô không có bị vũ khí nên không phải là một mối đe dọa trực tiếp. Phi công F-15 nhận định nếu họ phóng tên lửa bắn rơi chiếc Mig-23, nó có thể rơi xuống khu dân cư bên dưới, gây nguy hiểm cho dân thường.

Bởi vậy họ quyết định bay theo hộ tống, chờ đến khi nó đến khu vực an toàn để tiêu diệt. Các kiểm soát viên không lưu quân sự NATO lập tức thông báo cho nhân viên không lưu dân sự điều phối máy bay tránh đường bay của chiếc Mig-23 này.

Hai chiếc F-15 bay cùng chiếc "tiêm kích ma" về phía đông nam, băng qua không phận Hà Lan rồi tiến vào không phận Bỉ, nơi chiếc máy bay không người lái bắt đầu mất dần độ cao.

Nhà chức trách Bỉ yêu cầu F-15 bắn hạ chiếc Mig-23 ngay khi nó tiến ra biển. Cảnh sát và các đội cứu hộ, phòng cháy trên đường bay của Mig-23 đều được đặt trong trạng thái báo động sẵn sàng triển khai.

Gần đến khu vực biên giới giữa Bỉ và Pháp, chiếc Mig-23 đột ngột vút lên độ cao 12km cho đến khi hết nhiên liệu và bắt đầu lao xuống đất.

Các chuyên gia mặt đất dự đoán chiếc máy bay sẽ rơi ở gần thị trấn biên giới Lille. Tuy nhiên, họ không thể ngờ rằng chiếc Mig-23 sau khi bay gần 900 km đã rơi xuống một trang trại ở Wevelgem, cách phía tây thủ đô Brussels 80km.

Vụ tai nạn làm một thanh niên 18 tuổi thiệt mạng. Cả NATO và Liên Xô đều nhanh chóng xác định đây chỉ là một vụ tai nạn ngoài mong muốn, và cả hai bên đều bày tỏ hối tiếc về sự cố này.

Về phần đại tá Skurigin, sau khi biết chiếc tiêm kích của mình làm chết một cậu bé người Bỉ, ông đã tỏ ra hối hận về quyết định bấm nút ghế phóng khỏi chiếc máy bay. Phần đuôi còn lại của chiếc máy bay sau khi rơi xuống đất và cháy rui.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/tiem-kich-toi-mig23-cua-lien-xo-tung-lam-chau-au-nao-loan/741047.antd