Tiêm kích tàng hình Su-57 đã âm thầm thử nghiệm tên lửa Kh-47M2 Kinzhal tại Syria?

Tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57 được xác định là át chủ bài của Không quân Nga vào giai đoạn đầu thế kỷ XXI, nó được tích hợp nhiều vũ khí uy lực và vô cùng đáng sợ.

Mới đây Không quân Nga đã bất ngờ đăng tải một đoạn video chi tiết về quá trình góp mặt tại Syria của tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57 vào hồi đầu năm nay.

Mặc dù thời gian sang Syria đến lúc quay về chỉ vỏn vẹn 2 ngày nhưng theo các quan chức quân sự Nga thì chiếc Su-57 đã thực hiện thành công các cuộc thử nghiệm quan trọng.

Trong đó chi tiết gây nhiều sự chú ý nhất chính là việc chiếc Su-57 tiến hành bắn thử một loại tên lửa hành trình không đối đất tầm xa từ trong khoang vũ khí.

Tuy rằng Nga chưa khẳng định nhưng các chuyên gia quân sự đều cho rằng đó chính là loại Kh-59MK2 được thiết kế có kích thước phù hợp với diện tích của khoang chứa.

Nhưng bên cạnh đó, trên các diễn đàn quân sự Nga lại xuất hiện thêm một luồng ý kiến khác đó là thứ vũ khí mà Su-57 vừa tiến hành phóng thử không chỉ bao gồm Kh-59MK2 mà còn cả Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm).

Vậy thực hư của nhận định trên ra sao, liệu tiêm kích tàng hình Su-57 có đủ sức tích hợp thứ vũ khí vẫn được coi như một "con khủng long" vì kích thước quá lớn của nó hay không?

Đầu tiên cần phải xác định rằng mặc dù tuyên bố đã đưa vào biên chế chiến đấu nhưng tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal vẫn chưa đạt trạng thái sẵn sàng 100% mà còn đang phải trải qua quá trình đánh giá nhằm khắc phục những lỗi kỹ thuật phát sinh.

Nếu như Nga lựa chọn lãnh thổ Syria để thử nghiệm thứ vũ khí chưa thực sự hoàn thiện của mình thì sẽ gây nguy cơ rất lớn, vì nếu xảy ra sai sót kỹ thuật dẫn đến tên lửa bị rơi thì đây sẽ là món quà hiếm có dành cho đối phương.

Nhưng điều quan trọng nhất cần được xác định đó là "Dao găm" bao gồm cả một tổ hợp vũ khí với tiêm kích đánh chặn MiG-31K đi kèm tên lửa Kh-47M2.

Ngoài phương tiện đặc biệt trên, hiện chưa một loại máy bay nào khác của Nga được thiết kế để mang tên lửa Kh-47M2 Kinzhal vì không đáp ứng nổi các điều kiện kỹ thuật.

Để giúp Kh-47M2 đạt tới thông số lý thuyết thì tiêm kích MiG-31 sẽ được yêu cầu phải bay tới độ cao 20.000 m và duy trì tốc độ hành trình Mach 2 rồi mới phóng đạn, điều kiện này Su-57 không thể đáp ứng nổi.

Chi tiết cốt lõi tiếp theo cần được nhắc tới chính là kích thước quá "khủng" của quả đạn Kh-47M2 Kinzhal, khi nó có trọng lượng lên tới 5 tấn và chiều dài 9 m.

Kh-47M2 Kinzhal đã yêu cầu chiếc MiG-31BM phải được gia cố khung thân một cách đặc biệt để nhận tên định danh MiG-31K mới có thể mang vác được nó tại điểm treo hạng nặng chính giữa thân

Khoang vũ khí của tiêm kích tàng hình Su-57 hiện tại không được thiết kế để nhét vừa vào bên trong một tên lửa không đối đất kích thước lớn và trọng lượng nặng như vậy.

Ngoài ra các điểm treo bố trí trên cánh và thân cũng bị cho là chẳng thể nào chịu đựng nổi một "con khủng long" như Kh-47M2, vì vậy phương án mang vác này cũng hoàn toàn thiếu tính khả thi.

Tổng hợp những nhận định trên thì có thể đưa ra nhận xét rằng lời đồn đoán về việc tiêm kích tàng hình Su-57 đã âm thầm thử nghiệm tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal tại Syria có lẽ chỉ đơn thuần là phản ánh mong ước của người Nga mà thôi chứ không phải sự kiện diễn ra trên thực tế.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tiem-kich-tang-hinh-su57-da-am-tham-thu-nghiem-ten-lua-kh47m2-kinzhal-tai-syria/790852.antd